Sẽ xử phạt hành chính đối với hoạt động karaoke lưu động
Yêu thích ca hát và muốn được hát là nhu cầu giải trí lành mạnh, chính đáng và cần thiết trong đời sống. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều bữa tiệc kèm theo nhạc sống, karaoke lưu động đang dần trở thành “thảm họa”. Hiện nay, nhu cầu này không giảm, mà ngày càng tăng.
Nếu trước đây nhà nào có đám tiệc, cả xóm mất ngủ bởi tiếng nhạc xập xình, tiếng hát đinh tai, nhức óc, thì nay chỉ cần 2 - 3 người thích là có thể gọi điện thoại kêu karaoke “kẹo kéo” đến phục vụ mà không cần đám tiệc, làm huyên náo cả khu dân cư. Điều đáng nói là họ hát bất kể giờ giấc và mở âm thanh quá lớn khiến từ người già đến trẻ em trong khu dân cư không thể nghỉ ngơi.
Nhiều cử tri bức xúc về tình trạng karaoke lưu động khiến nhiều người dân không nghỉ ngơi được. |
Trong đợt tiếp xúc cử tri mới đây của Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang, tình trạng này lại được cử tri nhiều nơi phản ánh, phàn nàn nhiều hơn. Theo một cử tri ở huyện Gò Công Tây, thậm chí không có tiền mua mồi nhậu nhưng nhiều người cũng ráng hùn tiền để kêu karaoke “kẹo kéo”, nhạc sống lưu động đến hát. Không ít gia đình, kể cả những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn cũng ráng thuê ban nhạc sống về hát cho “bằng chị bằng em” nên loại hình này ngày càng phổ biến.
Mấy năm trở lại đây, việc thuê dàn nhạc phục vụ đám cưới, thôi nôi, đầy tháng… đã trở thành phong trào ở quê. Nói như nhiều người dân thì nhạc sống có thể trỗi lên bất cứ lúc nào trong ngày, nhưng cơ quan chức năng thì “làm ngơ”.
Thời gian qua, báo chí cũng đã có nhiều bài viết phản ánh các vụ đánh nhau gây mất an ninh trật tự trong lúc giành nhau trổ tài ca hát… Thực trạng này đã đến hồi báo động, cần sự chung tay của toàn xã hội để chấn chỉnh. Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, tìm hiểu các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động văn hóa - xã hội để tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân nâng cao ý thức trong việc tổ chức đám tiệc như thế nào vừa tiết kiệm, vừa văn hóa.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong nhiều văn bản luật và nghị định đã có nhiều điều, khoản quy định liên quan đến các hoạt động văn hóa. Cụ thể, theo điểm a, khoản 1, Điều 6, Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội: Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Còn theo Nghị định 179/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định việc vi phạm các quy định về tiếng ồn như sau: Tại Điều 17: Vi phạm các quy định về tiếng ồn bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 5 dBA; phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 5 dBA đến dưới 10 dBA…; tổ chức vi phạm bị phạt gấp 2 lần mức tiền phạt đối với cá nhân...
Nghị định này cũng nêu rõ, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn đạt quy chuẩn kỹ thuật trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) cho biết, tình trạng karaoke lưu động liên quan đến trách nhiệm của 3 ngành là Văn hóa, Công an và Tài nguyên - Môi trường. Vì vậy, để xử lý hiệu quả tình trạng trên, 3 ngành này cần nêu cao tinh thần trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương. Sở VH-TT&DL đã lấy ý kiến đóng góp của các sở, ngành liên quan và xây dựng Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa gây tiếng ồn, gây mất an ninh trật tự tại khu dân cư trên địa bàn tỉnh, đang trình UBND tỉnh xem xét.
Trong chỉ thị này sẽ quy định cụ thể nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của các sở, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, trên cơ sở các nghị định, thông tư liên quan đến các hoạt động văn hóa, an ninh trật tự, chỉ thị sẽ quy định cụ thể mức phạt tiền bao nhiêu đối với các hoạt động karaoke lưu động không đảm bảo các yếu tố về trật tự, tiếng ồn, thời gian quy định…
Ca hát là món ăn tinh thần, cầu nối gắn kết mọi người với nhau. Đừng để sự thiếu ý thức của một số người mà nhạc sống biến thành thảm họa khiến hàng xóm mất lòng nhau. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương có vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở người dân vui chơi nhưng không gây ảnh hưởng đến người khác.
Hy vọng rằng, khi Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa gây tiếng ồn, gây mất an ninh trật tự tại khu dân cư được ban hành sẽ nhanh chóng chấn chỉnh tình trạng này.
HOÀI THU