Thứ Tư, 20/05/2015, 08:33 (GMT+7)
.

Tiêu thụ nông sản: Ai chịu trách nhiệm?

Quy hoạch sản xuất nông nghiệp chưa gắn kết chặt chẽ với quy hoạch thị trường. Ngay trong việc phân công nhiệm vụ của các cơ quan quản lý cũng chưa khớp với quy luật sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị từ đầu vào tới đầu ra, đã khiến nông sản luôn rơi vào cảnh được mùa mất giá.

Đây là nhận định của TS Nguyễn Trí Ngọc - Tổng Thư ký Tổng hội NN&PTNT Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT).

Quy hoạch sản xuất nông nghiệp chưa gắn kết chặt chẽ với quy hoạch thị trường. Ngay trong việc phân công nhiệm vụ của các cơ quan quản lý cũng chưa khớp với quy luật sản xuất hàng hóa
Nông sản năng suất tốt, chất lượng cao nhưng đầy lo lắng về đầu ra do thiếu thông tin thị trường. Ảnh: Như Lam

Bao giờ có quy hoạch sản xuất tốt?

Trong một buổi trao đổi với các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực chăn nuôi vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã nghe nhiều lời phàn nàn của DN về việc quy hoạch vùng sản xuất chăn nuôi.

Đại đa số các tỉnh thành đều có quy hoạch cho khu công nghiệp, khu đô thị… nhưng quy hoạch vùng cho nông nghiệp và cụ thể là chăn nuôi thì không có. Không có quy hoạch nên DN cũng không dám đầu tư xây dựng trang trại lớn cho chăn nuôi, bởi xây dựng khu tập trung chăn nuôi cần một hệ thống xử lý vệ sinh môi trường với chi phí rất lớn.

Thậm chí, nhiều DN trong nước cho rằng các DN FDI sản xuất và chế biến thực phẩm từ chăn nuôi hiện nay “hăm hở” đến với Việt Nam là do họ đỡ được hẳn chi phí về môi trường.

Các DN cũng nêu lên những bài học về quy hoạch chăn nuôi mà họ được mắt thấy tai nghe ở nhiều nước trên thế giới. Nơi thì chỉ cấp “quota” cho mỗi địa phương được xây dựng bao nhiêu chuồng trại, ai mới bước chân vào lĩnh vực này chỉ còn cách mua lại các trang trại cũ. Nơi thì xây dựng các trang trại tập trung, đầu tư hạ tầng đồng bộ, đỡ tốn kém và vẫn kiểm soát được dịch bệnh tốt…

Tất cả những ví dụ đó đều cho thấy nhiều nơi trên thế giới họ quy hoạch chăn nuôi tập trung để vừa kiểm soát chất lượng môi trường, vừa kiểm soát được lượng cung của ngành chăn nuôi…

Sao ta không làm được vậy?

Từ câu chuyện dưa hấu, hành tím... mới đây, TS Nguyễn Trí Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), thẳng thắn nhận định: Do khâu quy hoạch yếu nên dân vẫn đọc “tín hiệu thị trường” bằng cách mùa trước được thì mùa này trồng tiếp, hàng xóm trồng thì nhà mình cũng trồng.

Dưới góc độ chuyên gia về nông nghiệp, ông Ngọc khẳng định: “Mọi quy hoạch của ngành nông nghiệp hiện nay đều được làm rất đầy đủ, có sự điều chỉnh, kinh phí và ngân sách Nhà nước cũng ưu tiên để triển khai… Nhưng chất lượng của các quy hoạch còn rất yếu kém, hạn chế nếu đặt hệ tham chiếu là quy hoạch xuất phát từ thị trường”.

Long đong vì quy hoạch thị trường

Trở về với những ý kiến của các DN chăn nuôi, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết Bộ đã định hướng những loại vật nuôi phù hợp với vùng nào. Trên cơ sở đó, các địa phương tự cân đối quỹ đất và khu vực chăn nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương mình để xây dựng quy hoạch. Tuy nhiên hiện, có một thực tế là nhiều địa phương chưa xây dựng quy hoạch vùng cho chăn nuôi, hoặc có thì chất lượng cũng không cao.

Chưa thỏa mãn với lý giải của Bộ trưởng, nhiều DN cũng nêu các ví dụ cho thấy nhiều nơi trên thế giới họ thực hiện quy hoạch tốt ra sao. Bộ trưởng nói một câu như tự nhủ, nhưng cũng là lời giãi bày với DN: “Nhưng nước họ không có đường biên giới phía Bắc”… Lúc đó tất cả các DN đều im lặng, và thấm thía cái khó của Bộ trưởng.

Đó là cái khó về thị trường, hay đúng hơn là quy hoạch thị trường. Thực tế, Trung Quốc vẫn là nước đứng ở "top đầu" trong các nước nhập khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Không chỉ Việt Nam mà bất cứ nước nào chung đường biên giới với thị trường hơn 1,3 tỷ dân như vậy đều có những ảnh hưởng nhất định.

Theo TS Nguyễn Trí Ngọc, một trong những giải pháp tưởng chừng như cũ đó là phải có quy hoạch. Quy hoạch phải lấy thị trường làm định hướng sản xuất vì thị trường là yếu tố xưa nay quyết định đến hàng hóa, nông sản. Hiện nay, quy hoạch thị trường đang tách ra khỏi sản xuất.

Ông Ngọc nêu: “Với cơ chế tổ chức như hiện nay, thông tin, chỉ đạo thực hiện quy hoạch hay nói cách khác chế tài thực hiện quy hoạch của chúng ta chưa rõ ràng. Phân cấp giữa hai Bộ NN&PTNT và Công Thương để một bộ chuyên lo sản xuất và một bộ chuyên lo tiêu thụ, không gắn kết với nhau hoặc chưa được chặt chẽ dẫn đến "vênh" nhau trong trách nhiệm. Như vậy, có sự đứt đoạn từ cơ chế phân công nhiệm vụ, trái với quy luật hàng hóa theo chuỗi giá trị từ đầu vào tới đầu ra”.

Minh chứng thêm về bất cập trong cơ cấu tổ chức, ông Ngọc nói: “Chưa nói đâu xa, ngay trong Bộ NN&PTNT, hai cục chủ yếu điều hành tham mưu sản xuất là Cục Trồng trọt và Cục Chăn nuôi. Hai đơn vị này chỉ quy hoạch làm sao để nâng cao năng suất, chất lượng cho người nông dân nhưng lại không gắn với Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối. Kinh phí làm xúc tiến thương mại nông sản cũng không đặt ở hai cục này nên bị cắt khúc chuỗi giá trị.”

Bằng kinh nghiệm quản lý của mình, ông Ngọc đúc kết: “Không phải nhiều đơn vị lo là lo được. Cần phải có một đơn vị đứng ra chịu trách nhiệm đầy đủ, toàn diện cả quá trình”.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.