Ba thách thức của nền kinh tế Việt Nam
Bức tranh kinh tế tương đối sáng, các chỉ tiêu khả quan với mức GDP khá cao và CPI ở mức thấp. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức đặt ra trong 6 tháng còn lại của năm 2015 để đạt các mục tiêu đề ra.
Tổng hợp các ý kiến đã trao đổi giữa 4 Bộ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nêu 3 thách thức lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam đặt ra sau nửa đầu năm 2015 cần tập trung phối hợp giải quyết.
Cuộc họp Tổ điều hành kinh tế vĩ mô. Ảnh: Huy Thắng |
Trước tiên là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tăng trưởng tương đối kém, nếu như năm ngoái mức đóng góp vào GDP lĩnh vực này là 3,44%, thì 6 tháng đầu năm nay, nông nghiệp chỉ đóng góp khoảng 2,17%. Nguyên nhân do thời tiết hạn hán (miền Trung), khó khăn về vấn đề thị trường cho nông, thủy hải sản (cá da trơn, cá tra, tôm…).
Thứ hai là lĩnh vực xuất nhập khẩu, sau 3 năm liên tiếp xuất siêu, cán cân thặng dư, dự trữ ngoại tệ tăng thì nửa đầu năm nay cán cân đã đảo chiều. Mức nhập siêu lên tới 4,7% so với kim ngạch xuất nhập khẩu, gần tới mức giới hạn chỉ tiêu nhập siêu không quá 5% kim ngạch xuất nhập khẩu do Quốc hội giao. Do đó, đến cuối năm phải nỗ lực khắc phục việc thâm hụt cán cân thanh toán, giảm áp lực tỷ giá.
Giải pháp được đưa ra là cần phải quyết liệt thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Ở chiều ngược lại phải kiểm soát chặt việc nhập khẩu, giảm mức nhập khẩu với các mặt hàng không thiết yếu cho đời sống, tiêu dùng xa xỉ bằng các hàng rào kỹ thuật.
Thách thức lớn thứ ba là đấu tranh mạnh hơn với hàng lậu, hàng giả hàng nhái. Nếu làm không tốt vấn đề này ảnh hưởng đến sản xuất trong nước. Ngoài ra, hiện nay xuất nhập khẩu phụ thuộc quá nhiều vào DN FDI cũng là một vấn đề cần xem xét. Cần tăng cường hỗ trợ, có chính sách phát triển các DN tư nhân của Việt Nam, xây dựng thương hiệu hiệu quả hơn. Cùng với đó, cần triển khai quyết liệt Nghị quyết 19 của Chính phủ, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, đặc biệt khu vực DN vừa và nhỏ, DN tư nhân phát triển tốt hơn.
Về vấn đề lãi suất ngân hàng, Bộ trưởng Vinh cho rằng, thời gian qua lãi suất cho vay giảm khá nhiều, nhưng vẫn cần có giải pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tốt hơn. Tuy nhiên, nếu tiếp tục hạ lãi suất cần phải cân nhắc nhiều yếu tố, đặc biệt cần cân nhắc tới yếu tố tỷ giá, dù tỷ giá hiện nay tương đối ổn định ở mức hợp lý.
Ngoài ra, Bộ trưởng Vinh cũng đồng tình với NHNN về vấn đề tín dụng vào bất động sản đã đi đúng hướng hơn với các phân khúc nhà ở hợp lý phục vụ nhu cầu thật. Tuy nhiên, vẫn cần đề phòng với việc lợi dụng để "bong bóng" bất động sản quay trở lại ảnh hưởng trầm trọng hơn đến vấn đề nợ xấu trong nền kinh tế.
(Theo chinhphu.vn)