Thứ Năm, 25/06/2015, 08:28 (GMT+7)
.

Lạm phát 6 tháng đầu năm tăng thấp nhất trong 10 năm

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,35% so với tháng trước và tăng 1% so cùng kỳ năm 2014. Đáng chú ý, sau 6 tháng, CPI tăng 0,55% so với thời điểm cuối năm 2014 và đây là mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm. Ảnh: VGP/Huy Thắng
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm. Ảnh: VGP/Huy Thắng

CPI tăng thấp kỷ lục

Bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá (TCTK) cho biết trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 8 nhóm tăng, gồm: Đồ uống và thuốc lá (tăng 0,24%); may mặc, mũ nón, giày dép (0,17%); nhà ở và vật liệu xây dựng (0,3%); thiết bị và đồ dùng gia đình (0,12%); thuốc và dịch vụ y tế (0,38%).

Nhóm hàng giao thông tăng mạnh nhất ở mức 3,54%, trong đó giá vé tàu hỏa tăng 3,05%; giá vé ô tô khách tăng 0,42%; giá vé tàu thủy tăng 0,1%; giá vé xe buýt công cộng tăng 0,18% và giá cước taxi tăng 1,01% so với tháng trước do giá xăng dầu tăng.

Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,26% và hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,12%. Chỉ số giá nhóm Giáo dục không tăng.

Có 2 nhóm giảm giá là Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,03% và Bưu chính viễn thông giảm 0,03%.

Bà Đỗ Thị Ngọc phân tích: CPI tháng 6 tăng chủ yếu do giá xăng được điều chỉnh tăng vào ngày 20-5. Theo chu kỳ tính CPI, giá xăng dầu tăng góp phần tăng CPI chung của tháng 6 khoảng 0,3%.

Hơn nữa, giá dịch vụ y tế TP. Hồ Chí Minh được điều chỉnh tăng từ ngày 1-6 làm cho chỉ số này tăng 0,43% so với tháng trước, góp phần làm CPI cả nước tăng khoảng 0,02%.

Ngoài ra, thời tiết nắng nóng nên nhu cầu dùng điện tăng lên làm cho chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 1,52%, góp phần làm CPI cả nước tăng khoảng 0,04%. Tháng 6 cũng là thời điểm học sinh nghỉ hè nên nhu cầu du lịch tăng, chỉ số giá nhóm du lịch trọn gói tăng 1,12% so với tháng trước.

Hai chỉ số không tính vào chỉ số CPI là giá vàng giảm 0,08% và giá USD tăng 0,62%.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá: Mức CPI tháng 6 năm nay tăng hơn chút ít nếu so với số liệu cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nếu tính cả 6 tháng (so với cuối năm 2015) thì mức tăng 0,55% là con số thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

Nhưng không thể chủ quan

Ông Nguyễn Bích Lâm cho biết một yếu tố tác động ở chiều ngược lại, giúp “kìm giữ” CPI là việc giá các mặt hàng lương thực giảm do nguồn cung dồi dào.

Ngoài các yếu tố như giá cả thế giới, phải kể đến việc Chính phủ, các ngành, các cấp đã và đang tích cực triển khai các biện pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Cụ thể, ngành Công Thương phối hợp với các ngành liên quan chỉ đạo các doanh nghiệp thương mại dự trữ hàng hóa, tham gia bình ổn thị trường phục vụ Tết Nguyên đán nên không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến vào dịp Tết.

Bộ Tài chính đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tổ chức các đoàn công tác liên ngành kiểm tra hình triển khai thực hiện công tác quản lý bình ổn giá tại một số địa phương. Hai Bộ Tài chính và Công Thương đã có sự phối hợp chặt chẽ trong việc điều hành giá xăng dầu.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã điều hành linh hoạt tỷ giá. Tuy có lúc “khá nóng”, nhưng tỷ giá giao dịch của các tổ chức tín dụng luôn thấp hơn so với mức trần cho phép của NHNN.

Ngoài ra, người dân có xu hướng tiêu dùng tiết kiệm, thực chất và tập trung vào các nhu cầu thiết yếu hằng ngày hơn trước. Đáng chú ý, trong dịp Tết Nguyên đán những năm gần đây, xu hướng tiêu dùng của người dân đã thay đổi, người dân không mua dồn dập hàng hóa vào những ngày giáp Tết, không mua tích trữ như trước nữa.

Khẳng định lạm phát thấp không phải do cầu yếu, ông Lâm giải thích mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm nay sau khi loại trừ yếu tố giá có tốc độ về lượng tăng cao hơn so với nửa đầu các năm gần đây.

Cụ thể, ước 6 tháng đầu năm 2015 tăng 8,5%, trong khi đó các năm 2012, 2013 và 2014 lần lượt tăng là 4,69%; 4,9%; và 5,69%.

Ông Nguyễn Bích Lâm dự báo CPI đến cuối năm có thể tăng ở mức 3 đến 3,5% . Như vậy, nếu không có những đột biến trong 6 tháng cuối năm, chỉ số giá tiêu dùng năm 2015 sẽ đạt được mục tiêu đề ra của Quốc hội.

Khi CPI giữ được ở mức ổn định, NHNN sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, các doanh nghiệp có thêm cơ hội tiếp cận với nguồn vốn vay tín dụng, mở rộng sản xuất, giảm giá thành, kích thích nhu cầu tiêu dùng.

Ông Nguyễn Bích Lâm khuyến nghị, tuy lạm phát thấp nhưng những rủi ro tiềm ẩn về giá xăng dầu khi tăng trở lại tạo áp lực nhất định cho công tác kiểm soát lạm phát. Việc điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng quan trọng như giá thuốc, giá điện… đã làm CPI chung tăng lên.

Do đó, thời gian tới, các Bộ Tài chính, Công Thương… vẫn phải theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường.

“Mỗi lần định tăng giá mặt hàng nào đó, cần cân nhắc thời gian điều chỉnh để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI”, ông Lâm nói.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.