Thực trạng người nghiện ma túy hiện nay: Nguyên nhân và giải pháp
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (CSĐTTP về MT) - Công an Tiền Giang, tính đến ngày 15-6-2015, toàn tỉnh có trên 2.400 người nghiện ma túy. Đáng báo động là độ tuổi của người nghiện ngày càng trẻ hóa, từ 16 - 30 tuổi chiếm 80%. Nếu so với năm 2008, con số này đã tăng gấp 6 lần.
Và nếu như trước đây tội phạm ma túy, người nghiện sử dụng, mua bán chủ yếu là cần sa và heroin thì năm 2008 xuất hiện loại ma túy tổng hợp, phổ biến là loại ma túy đá Methamphetamin, đến nay hầu hết các đối tượng nghiện đều sử dụng loại ma túy này.
Học viên cai nghiện ma túy trong giờ lao động. |
Trung tá Phạm Văn Thành, cán bộ phòng CSĐTTP về MT cho biết: “Có nhiều lý do để người nghiện sử dụng ma túy đá, đó là giá thành rẻ hơn heroin, dễ sử dụng và nhiều người lại nghĩ rằng nó không gây nghiện. Thật ra, đó chỉ là suy nghĩ của người sử dụng, cố bao biện cho hành vi của mình.
Trên thực tế, loại ma túy này rất độc hại cho não người, hút nhiều lần sẽ gây phù não, mất trí nhớ và rơi vào tâm thần phân liệt. Còn hiện tượng nghiện là có nhưng nhiều người sử dụng lầm tưởng với cảm giác chán nản, mệt mỏi… những lúc này họ sẽ tìm đến ma túy đá, vì đã sử dụng 1 lần là phải sử dụng tiếp, chính hiện tượng đánh lừa cảm giác này đã gia tăng số người nghiện theo cấp số nhân”.
Thành phần sử dụng ma túy cũng đa dạng hơn, từ những đối tượng sống lang thang, không nơi cư trú nhất định, đến thanh, thiếu niên bỏ học, đua đòi, tò mò dẫn đến nghiện, còn có cả tiếp viên quán bar, tài xế, bốc vác, họ thường tụ tập sử dụng trong các nhà trọ, nhà nghỉ, quán cà phê.
Báo động hơn là trong số đối tượng nghiện còn có công chức, học sinh, con em cán bộ… tuy con số này không đáng kể, nhưng nếu bản thân mỗi người không kiềm chế, không có biện pháp ngăn chặn, quản lý thì ma túy sẽ rất dễ xâm nhập.
Nguyên nhân làm cho số người nghiện tăng là do bản thân đối tượng tò mò tìm cảm giác mạnh, số khác thì bị đối tượng xấu lôi kéo, xúi giục; cũng có người tự tìm đến ma túy đá do buồn chán chuyện gia đình; những người có việc làm vào ban đêm, tài xế xe đường dài… tìm đến ma túy đá để có cảm giác không buồn ngủ, mệt mỏi, cộng với số đối tượng tái nghiện sau cai.
Nguyên nhân gia tăng người nghiện còn xuất phát từ việc quản lý, giáo dục của gia đình chưa chặt chẽ, thiếu nghiêm khắc. Thêm vào đó, để có tiền sử dụng, người nghiện chuyển sang mua bán, hoặc vì lợi nhuận mà các đối tượng không nghiện cũng trở thành đối tượng mua bán chuyên nghiệp…
Về vấn đề cai nghiện hiện nay, bà Lê Thị Ánh Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh cho biết: “Thực tế số lượng người sử dụng ma túy trong cộng đồng rất cao, nhưng số người tham gia cai nghiện hiện nay không nhiều.
Mặt khác, do là cai nghiện tự nguyện nên hầu hết các học viên rất lười lao động, chỉ quanh quẩn trong phòng rồi ngủ, đêm thì thức, mà như vậy là rất khó cai. Bởi, học viên phải ra ngoài lao động, có vận động thì đêm về mới ngủ được, không suy nghĩ đến ma túy. Và cũng chính vì không chịu lao động nên có nhiều trường hợp buồn chán và xin về sớm hơn thời gian quy định. Điều này đồng nghĩa với việc tái nghiện.
Thực tế đã có rất nhiều học viên ra vào trung tâm này nhiều lần nhưng tỷ lệ thành công thấp vì những người khi vào đây là đã nghiện nặng, rất hiếm những trường hợp gia đình phát hiện đưa vào đây thử máu âm tính với ma túy”.
Với những thông tin mà bà Hồng cho biết, đối chiếu với số liệu của Phòng CSĐTTP về MT cho thấy số lượng cai nghiện hiện nay là quá ít, trong tổng số trên 2.400 người nghiện mà chỉ có 21 trường hợp cai nghiện tự nguyện, 159 trường hợp cai nghiện bắt buộc, 180 trường hợp cai nghiện tại các cơ sở chữa bệnh.
Ma túy hủy hoại tương lai, hạnh phúc, sự nghiệp…. và cuối con đường là vực thẳm, là cõi chết, là sự hủy hoại lý trí, tâm hồn và thể xác con người nếu như họ không chiến thắng bản thân để vượt qua. Vì vậy, công tác đấu tranh phòng, chống ma túy không chỉ là nhiệm vụ của lực lượng Công an và các ngành có liên quan, mà cần có sự chung tay, góp sức của các ngành, đoàn thể và gia đình, nhưng quyết định thành công vẫn là ý thức cá nhân.
Thực tế là vậy, song lực lượng Công an vẫn là lực lượng chủ công trên mặt trận đấu tranh phòng, chống ma túy bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ. Trong đó biện pháp hàng đầu vẫn là công tác tuyên truyền, giáo dục, nhằm giúp mọi người nhận thức đầy đủ về tác hại của ma túy; đồng thời phối hợp thống nhất, chặt chẽ với các cơ quan liên quan và địa phương trong công tác đấu tranh, ngăn chặn nhằm hạn chế sự gia tăng người nghiện trên địa bàn. Bên cạnh đó, vận động, thuyết phục người nghiện xóa mặc cảm khi trở về xã hội, giúp họ hòa nhập, tạo điều kiện về việc làm và trên hết là giúp họ nhận thức được tác hại của ma túy để tránh tái nghiện.
Gia đình cần có thời gian gần gũi, quan tâm con cái, hướng con em mình vào những hoạt động vui chơi lành mạnh. Đối với gia đình có con em nghiện ma túy thì cần phối hợp kịp thời với các trung tâm cai nghiện để động viên đưa con em mình đến cai nghiện, tránh trường hợp bị nghiện nặng rất khó từ bỏ. Ngoài ra, cũng cần sự mạnh dạn tố giác các hành vi vi phạm của người dân và khi có sự chung tay như thế thì mới mong kéo giảm số lượng người nghiện như hiện nay.
HỒNG VÂN