Thứ Hai, 13/07/2015, 14:44 (GMT+7)
.

Cần định vị Đồng bằng sông Cửu Long trở thành trung tâm nghỉ dưỡng xanh

Với lợi thế về đất đai trù phú và rộng lớn, khí hậu tốt lành quanh năm, miệt vườn nhiệt đới đa dạng, sông nước bao la nên các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng chủ lực ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cần phải được xây dựng trên cơ sở gắn với nông thôn, trong không gian miệt vườn, ruộng đồng các loại.

Nghĩa là nhà nông vẫn sống và canh tác vườn tược, đồng áng tự nhiên nhưng bên cạnh đó dưới tán vườn cây, trong không gian đồng ruộng, các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng đặc thù được xây dựng nên thích hợp và phục vụ tốt cho nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách. Từ đó, các sản phẩm nghỉ dưỡng này sẽ có giá trị cạnh tranh cao.

Đội lễ tân chuyên nghiệp phục vụ tại Khu du lịch nghỉ dưỡng Mekong Lodge - Cái Bè. Ảnh: Đức Lập
Đội lễ tân chuyên nghiệp phục vụ tại Khu du lịch nghỉ dưỡng Mekong Lodge - Cái Bè. Ảnh: Đức Lập

Để sáng tạo, xây dựng được các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng đặc thù, đa dạng, phù hợp với điều kiện tự nhiên của ĐBSCL, người dân có vai trò rất lớn. Cụ thể, trên mảnh vườn rộng lớn của nhiều hộ dân liền kề cùng trồng một vài loại cây đặc chủng, các nhà nông tự giác liên kết với nhau rồi mời các nhà khoa học vào khảo sát, thiết kế nên các khu nhà nghỉ hài hòa cùng với các dịch vụ thân thiện, hữu ích cho du khách. Sau đó họ mời các doanh nhân vào đầu tư, phát triển du lịch nghỉ dưỡng theo phương châm cùng có lợi…

Với nhà khoa học, không chỉ hỗ trợ nhà nông như trên mà cần chủ động nghiên cứu xây dựng các dự án nghỉ dưỡng hoàn chỉnh, quy mô lớn trong không gian nông thôn có điều kiện thiên nhiên thích hợp. Từ đó, tạo cơ sở cho các nhà nông và nhà doanh nghiệp liên kết, hợp tác với nhau để xây dựng nên các trung tâm nghỉ dưỡng chất lượng cao với giá cả cạnh tranh.

Một dự án nghỉ dưỡng tuy hoàn chỉnh, hiệu quả nhưng nếu thiếu sự tham gia của nhà doanh nghiệp thì khó có thể khả thi mang tính bền vững được, vì suy cho cùng dịch vụ nghỉ dưỡng này muốn tồn tại lâu dài phải được vận hành theo phương thức kinh doanh chuyên nghiệp. Do đó, sự hiện diện của nhà doanh nghiệp là một mắt xích không thể thiếu trong quá trình tạo ra các trung tâm nghỉ dưỡng trên.

Tất nhiên cũng có những trường hợp đặc biệt, một người hay một hoặc vài gia đình liên kết vừa là nhà nông, nhà doanh nghiệp, thậm chí có cả nhà khoa học. Trong những trường hợp này vấn đề xây dựng điểm du lịch nghỉ dưỡng khá thuận lợi, chỉ cần có thêm sự hỗ trợ từ Nhà nước một số vấn đề thiết yếu.

Cần thành lập Ủy ban phát triển du lịch ĐBSCL trực thuộc Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ với vai trò là đại diện Nhà nước cấp vùng để làm nhạc trưởng trong vấn đề này. Ủy ban sẽ xác định những khu vực (không phân biệt địa giới hành chánh cấp tỉnh) có lợi thế cho việc xây dựng các trung tâm với những sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng đặc thù để bổ sung vào quy hoạch phát triển du lịch ĐBSCL.

Đó thường là các cù lao trên sông, ven biển, dải đất ven bờ sông Tiền, sông Hậu cùng những chi lưu của nó, rất thích hợp cho việc xây dựng các điểm, các làng du lịch nghỉ dưỡng. Ủy ban cũng sẽ ban hành chủ trương thống nhất trong quy hoạch phát triển nông nghiệp với quy hoạch bổ sung phát triển du lịch (cùng một không gian đất đai nhưng vừa phát triển nông nghiệp sạch lẫn phát triển du lịch nghỉ dưỡng…).

Với vai trò nhạc trưởng, Ủy ban cần nghiên cứu, tham vấn để ban hành nhiều chủ trương, chính sách thích hợp nhằm tạo điều kiện cho người dân xây dựng và phát triển nhiều điểm, làng, trung tâm du lịch nghỉ dưỡng đặc thù, chất lượng ở ĐBSCL.

Để các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng đặc thù trên được xây dựng và nở rộ ở ĐBSCL, Nhà nước cần ban hành nhiều chính sách hỗ trợ và khuyến khích đầu tư. Cụ thể là chính sách ưu đãi tín dụng, ưu đãi thuế; hỗ trợ đào tạo và bồi dưỡng nhân lực, nhất là đối tượng nông dân sống trong không gian du lịch; hỗ trợ tiếp thị, quảng bá du lịch ở quy mô cấp vùng…

Một dự án du lịch nghỉ dưỡng tốt nhưng đội ngũ thực thi không tốt thì sẽ không thành công. Vì vậy, nguồn nhân lực làm du lịch đạt yêu cầu là hết sức quan trọng. Vấn đề đào tạo nhân lực du lịch đạt chuẩn ASEAN, bồi dưỡng theo nhu cầu thực tế, đặc biệt là đối tượng nông dân trực tiếp và gián tiếp làm du lịch trong không gian nghỉ dưỡng phải được chú trọng, tổ chức chuyên nghiệp.

Các trường đại học, cao đẳng cần được giao trách nhiệm đảm nhận vấn đề này. Việc gắn kết giữa trường học - công ty du lịch lữ hành - trung tâm du lịch nghỉ dưỡng cần được đẩy mạnh. Vấn đề hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm du lịch cũng cần được phát huy mạnh mẽ.

Một nhu cầu thiết yếu cho du khách trong nghỉ dưỡng là ẩm thực. Ẩm thực Việt vốn đã có tiếng trên thế giới nên rất thuận lợi trong việc áp dụng vào dịch vụ nghỉ dưỡng ở ĐBSCL. Vấn đề còn phải quan tâm trong lĩnh vực này là sản xuất lương thực, thực phẩm sạch, chất lượng cao nhằm cung cấp nguyên liệu sạch cho ẩm thực Việt.

Để làm được việc này, Ủy ban cần phải ban hành các quy trình quản lý chất lượng sản xuất lương thực, thực phẩm đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Mặt khác, cây giống, con giống cũng phải đạt chuẩn; đồng thời Ủy ban phải có cơ chế kiểm soát hiệu quả nhằm tuyệt đối nói không với thực phẩm “bẩn” khi sử dụng làm nguyên liệu cho các món ăn phục vụ du khách nghỉ dưỡng tại đây.

Từng điểm, cụm du lịch nghỉ dưỡng đặc thù và các địa điểm tham quan du lịch đặc sắc khác có thể được kết nối với nhau qua hệ thống đường thủy là các kinh rạch chằng chịt rất đặc trưng ở vùng ĐBSCL. Đồng thời đường thủy cũng là tuyến đường huyết mạch nối ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh, Campuchia, Thái Lan, Lào và thông ra biển Đông nên để ĐBSCL thông thương mạnh với quốc tế, Ủy ban cần nghiên cứu mở tuyến đường thủy quốc tế Mêkông - biển Đông nhằm kết nối các nước ASEAN ven biển Đông với các nước ASEAN ở lục địa thông qua một vài cửa sông Mêkông ít bị bồi lấp, chẳng hạn như Cửa Tiểu (ít bị bồi lấp nhất) ở Tiền Giang, nằm cách Vũng Tàu (đã được quy hoạch là trung tâm du lịch của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam) khoảng 40 km theo đường biển.

Để ĐBSCL có thể trở thành trung tâm nghỉ dưỡng mang tầm Quốc gia và quốc tế thì môi trường tự nhiên ở đây phải được bảo vệ nghiêm, nhất là nguồn nước sông. Ủy ban cần quản lý việc xử lý chất thải rắn và chất thải nói chung, đặc biệt là chất thải công nghiệp và dư lượng hóa chất nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu).

Đảo quốc Singapore với nguồn nước tự nhiên không đủ để uống nhưng họ vẫn phát triển rất tốt ngành du lịch. ĐBSCL với điều kiện tự nhiên được ưu đãi hơn Singapore rất nhiều nên nhất định sẽ làm được điều tương tự. Vấn đề chính là ở con người với niềm tin, khát vọng, sáng tạo, đoàn kết vì lợi ích và niềm kiêu hãnh của dân tộc Việt nói chung và nhân dân ĐBSCL nói riêng!

TS. NGUYỄN VIẾT THỊNH   
(Trường Đại học Tiền Giang)

.
.
.