Để an toàn khi đi xe đạp
Hiện nay, xe đạp là phương tiện đi lại phổ biến trong học sinh và những người lớn tuổi. Nhiều người cho rằng đây là phương tiện giao thông đơn giản, dễ sử dụng, tiết kiệm, lại tăng cường sức khỏe nên đôi khi chủ quan với việc chấp hành các quy định về an toàn giao thông (ATGT). Gần đây, số tai nạn xảy ra với những người đi xe đạp ngày càng nhiều, hậu quả đôi khi cũng khá nghiêm trọng, gây nên nỗi lo lắng trong dư luận.
Học sinh chạy hàng ba, hàng tư vi phạm quy định ATGT. |
Theo các chuyên gia giao thông, ước tính có 14/22 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước đến trường bằng xe đạp. Tình trạng đi xe đạp không an toàn vẫn đang diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương và nó góp phần làm tai nạn giao thông (TNGT) gia tăng.
Cứ mỗi sáng, trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, mọi người rất dễ bắt gặp cảnh học sinh dàn hàng ngang vừa đạp xe, vừa trò chuyện rôm rả, bất chấp các phương tiện khác đang lưu thông trên đường. Sẽ không còn là hiếm khi nhìn thấy người điều khiển xe đạp đi vào khu vực đường cấm xe đạp, xe đạp đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, vượt xe sai quy định, kéo xe, lạng lách, lái xe không quan sát, sang đường đột ngột…
Cũng chính vì điều này, người đi đường gặp rất nhiều khó khăn khi lưu thông cùng xe đạp. Trong nhiều trường hợp chủ phương tiện không kịp phản ứng, nhiều vụ tai nạn đã xảy ra. Một nguyên nhân khác cũng khá phổ biến là do hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện, hệ thống đèn tín hiệu giao thông, biển báo chưa được lắp đặt, vào những giờ cao điểm nhiều người đi xe đạp liều mình, luồn lách băng qua đường theo kiểu mạnh ai nấy đi, mặc cho ô tô bóp còi inh ỏi.
Theo quan sát của chúng tôi, tại hầu hết các tuyến đường trên địa bàn tỉnh, tình trạng người điều khiển xe đạp đi không đúng phần đường; sang đường, chuyển hướng không đúng nơi quy định diễn ra phổ biến. Bên cạnh đó, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi bày bán hàng hóa, trưng biển hiệu… tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn.
Để bảo đảm ATGT cho mình và người khác, người điều khiển và người ngồi sau xe đạp cần chấp hành đúng các quy tắc giao thông đường bộ. Với các em nhỏ ít có cơ hội tiếp xúc với các phương tiện thông tin đại chúng, thì nhà trường và phụ huynh cần là nguồn truyền đạt kiến thức về luật giao thông cho các em.
Với các bậc phụ huynh, để trẻ em được an toàn khi sử dụng phương tiện này, ngoài việc trang bị 1 chiếc xe đạp có chất lượng bảo đảm, phụ huynh cần nhắc nhở trẻ chạy xe đạp phải tuyệt đối tuân theo tín hiệu giao thông.
Luôn nhớ: Nhường người đi bộ, dừng khi đèn đỏ và đặc biệt cẩn thận ở những chỗ giao nhau. Kể cả khi đi cùng bạn bè cũng phải đi hàng một (không lái xe sóng đôi) trên đường, vì đi hàng 2, hàng 3 dễ gây nguy hiểm cho mình, cho bạn và những người đi trên các phương tiện khác.
Không đeo tai nghe khi đang chạy xe để có thể nghe rõ tiếng kèn của các xe khác, cũng như tiếng còi điều khiển của cảnh sát giao thông. Cách tốt nhất để bảo đảm an toàn cho trẻ em khi đi xe đạp tham gia giao thông trên đường là cho các em tham gia một lớp dạy về luật giao thông, những tín hiệu đèn giao thông, các loại biển cấm, biển báo hiệu…
Hạn chế TNGT đang là vấn đề “nóng” hiện nay, bên cạnh vai trò của các ban, ngành, đoàn thể chức năng tăng cường tuyên truyền, giáo dục, rất cần sự hưởng ứng tích cực của mỗi công dân trong chấp hành nghiêm quy định về ATGT. Khi nhận thức đầy đủ mức độ nguy hại của TNGT cùng với hành động đề cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của mỗi người là yếu tố quyết định kết quả kéo giảm TNGT.
Điều đó ai cũng có thể thực hiện, đó là chạy xe theo chiều bên phải, không phóng nhanh, vượt ẩu, không chạy xe lạng lách, đánh võng; không nên buông 2 tay khi điều khiển xe đạp... Nếu mỗi người dân tự giác nâng cao ý thức chấp hành và tuân thủ đúng Luật Giao thông đường bộ là đã góp phần giảm thiểu TNGT, chung tay giữ gìn trật tự ATGT.
Tại Điều 31, Luật Giao thông đường bộ quy định người điều khiển, người ngồi sau xe đạp phải chấp hành các quy tắc sau:
1. Người điều khiển xe đạp chỉ được chở 1 người, trừ trường hợp chở thêm 1 trẻ em dưới 7 tuổi thì được chở tối đa 2 người.
2. Người điều khiển xe đạp không được thực hiện các hành vi sau:
- Đi xe dàn hàng ngang.
- Đi xe vào phần đường dành cho người đi bộ và phương tiện khác.
- Sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính.
- Sử dụng xe để kéo, đẩy xe khác, vật khác, mang, vác và chở vật cồng kềnh.
- Buông cả 2 tay hoặc đi xe bằng 1 bánh đối với xe 2 bánh, bằng 2 bánh đối với xe 3 bánh.
- Hành vi khác gây mất trật tự, ATGT.
3. Người ngồi trên xe đạp khi tham gia giao thông không được thực hiện các hành vi sau đây:
- Mang, vác vật cồng kềnh.
- Sử dụng ô.
- Bám, kéo hoặc đẩy các phương tiện khác.
- Đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái.
- Hành vi khác gây mất trật tự, ATGT.
4. Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách.
LÊ QUANG HUY