Hiểm họa tai nạn giao thông từ rượu, bia
Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia. Ảnh: P.V |
Điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi uống rượu, bia là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn Tiền Giang.
Đối với hành vi này, Luật Giao thông đường bộ quy định mức xử phạt khá nghiêm khắc đối với người tham gia điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ bia, rượu quá mức cho phép, nhưng trên thực tế tình trạng này vẫn xảy ra.
Theo thống kê của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 171 vụ TNGT đường bộ, làm chết 96 người, bị thương 139 người.
Trong đó, TNGT nghiêm trọng xảy ra 88 vụ, chết 88 người, bị thương 31 người; TNGT rất nghiêm trọng xảy ra 4 vụ, chết 8 người, bị thương 1 người; va chạm giao thông xảy ra 79 vụ, bị thương 107 người. Phương tiện gây tai nạn gồm có: ô tô 29 vụ, xe gắn máy 99 vụ.
Các lỗi vi phạm chủ yếu là chạy quá tốc độ quy định; không đi đúng phần đường, làn đường; không có giấy bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe; không có giấy phép lái xe; nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện vượt quá nồng độ cho phép...
Cụ thể, chỉ trong 8 ngày cao điểm Tết Nguyên đán Ất Mùi (từ 15 đến 22-2) trên địa bàn tỉnh xảy ra 18 vụ TNGT làm 14 người tử vong, 11 người bị thương.
Đa số các vụ TNGT do người điều khiển phương tiện có uống rượu bia, phóng nhanh vượt ẩu. Phần lớn các vụ TNGT đáng tiếc trên xảy ra ở địa bàn các huyện phía Đông của tỉnh như huyện Gò Công Đông, huyện Gò Công Tây, huyện Chợ Gạo.
Qua phân tích của Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt (CSGT ĐB-ĐS), Công an tỉnh, nguyên nhân hầu hết những vụ TNGT dẫn đến chết người là do người điều khiển mô tô đã uống rượu bia say, không làm chủ được tay lái khi tham gia giao thông.
Phần lớn các vụ TNGT và va quẹt giao thông xảy ra mà lực lượng CSGT đến hiện trường lập biên bản sự việc thì người gây ra TNGT, hoặc là nạn nhân đều có uống rượu bia. Có những vụ TNGT, người gây ra tai nạn say rượu còn quá khích, cự cãi, chống đối với cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ; có đối tượng khi đưa vào bệnh viện còn lớn tiếng chửi rủa, xúc phạm các y bác sĩ…
Điều đáng cảnh báo nữa là độ tuổi của các đối tượng gây ra TNGT có liên quan đến rượu, bia từ 18 - 27 tuổi (chiếm 32,47% tổng số vụ), thậm chí có đối tượng dưới 18 tuổi (chiếm 1,70%). Vì vậy, việc tăng cường tuần tra, phát hiện và xử phạt nghiêm đối với các hành vi say rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông là hết sức quan trọng, nhằm hạn chế TNGT do bia, rượu gây ra.
Trên thực tế, ngoài một số trường hợp vi phạm bị lực lượng chức năng làm nhiệm vụ phát hiện thì số người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi uống rượu, bia là rất nhiều. Trong tháng 5, khi lực lượng CSGT tổ chức 9 ca tuần tra kiểm soát xử lý người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế, phát hiện 6 lái xe ô tô vi phạm nồng độ cồn, tạm giữ 6 xe. Theo các chuyên gia y tế, sau khi uống rượu - bia, người điều khiển phương tiện không tự kiểm soát được hành động của mình rất lớn.
Với nồng độ cồn ở mức 0,05mg/1 lít khí thở, người uống đã bị giảm sút suy nghĩ và bị kích động nhẹ, nói nhiều; 0,1mg/1 lít khí thở, gặp khó khăn trong việc cầm nắm, đi lại vụng về; 0,2mg/1 lít khí thở, dễ bị ức chế, dễ giận dữ, đi lại loạng choạng. Nếu cao hơn, tùy mức độ, người uống có thể bị lú lẫn, không nhận thức được mọi việc diễn ra xung quanh. Số người bị tai nạn, thậm chí bị chấn thương sọ não và dẫn đến tử vong do điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu - bia luôn ở mức cao.
Đơn cử, vào ngày 5-3, ông P.V.T (56 tuổi, ngụ xã Long An, huyện Châu Thành) sau khi uống rượu say, điều khiển xe máy trên đường Ấp Bắc thuộc phường 10, TP. Mỹ Tho hướng nội ô thành phố ra ngã ba Trung Lương với tốc độ cao. Do không làm chủ được tay lái nên ông T. để xe va vào dải phân cách, tử vong trên đường khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu…
Thiếu tá Nguyễn Văn Tuấn, Phó Trưởng Phòng CSGT ĐB-ĐS, cho biết: “Thực hiện Chỉ thị 2/CT-BCA ngày 3-4-2015 của Bộ Công an về tăng cường công tác bảo đảm trật tự ATGT của lực lượng Công an nhân dân trong tình hình mới, Phòng CSGT ĐB-ĐS đã và đang triển khai thực hiện kế hoạch tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy trên địa bàn TP. Mỹ Tho.
Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, lực lượng CSGT và các lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền về các chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo đảm trật tự ATGT đường bộ nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông; tăng cường tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng rượu, bia, đặc biệt là khi tham gia giao thông; hậu quả các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do rượu, bia gây ra.
Tập trung tuyên truyền kế hoạch “Tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển xe mô tô, gắn máy trên địa bàn TP. Mỹ Tho” nhằm tạo sự đồng thuận của các ngành, các cấp và nhân dân giúp đỡ lực lượng thực thi công vụ.
Riêng Công an TP. Mỹ Tho chỉ đạo lực lượng Công an phường, xã phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền trực tiếp đến tận tổ nhân dân tự quản, hộ gia đình để nhân dân nâng cao ý thức chấp hành nghiêm pháp luật về trật tự ATGT đường bộ.
Về công tác xử lý, mọi hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ phải được lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ phương tiện theo quy định tại Nghị định 171/NĐ-CP và Nghị định 107/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ”.
PHÙNG LONG