Thứ Tư, 01/07/2015, 10:29 (GMT+7)
.

Hiến máu cứu người và điều cần giải tỏa

Phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) ngày càng nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân trong tỉnh. Hiện nay, hệ thống Hội Chữ thập đỏ và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là 2 đầu mối vận động hiến máu rất hiệu quả. Tuy nhiên, trong công tác vận động hiến máu tình nguyện đang có nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh vấn đề giá bán máu cho bệnh nhân tại các bệnh viện cần được giải tỏa.

Xét nghiệm nghiêm ngặt chất lượng máu trước khi truyền cho bệnh nhân để đảm bảo an toàn truyền máu tại Khoa Xét nghiệm của Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh.
Xét nghiệm nghiêm ngặt chất lượng máu trước khi truyền cho bệnh nhân để đảm bảo an toàn truyền máu tại Khoa Xét nghiệm của Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh.

TÔN VINH NGHĨA CỬ ĐẸP

Máu là một sản phẩm không thể thay thế trong điều trị những trường hợp mất máu cần truyền máu. HMTN trở thành phong trào trong tỉnh vào khoảng năm 2000 và phát triển mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây. Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo vận động HMTN cấp tỉnh và cấp huyện.

Trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo vận động HMTN các huyện, thị, thành trong tỉnh đã được củng cố, kiện toàn, tích cực hoạt động, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chỉ đạo của Ban Chỉ đạo tỉnh về vận động HMTN đạt kết quả khá tốt. Toàn tỉnh hiện có 169 đội dự bị của 10 huyện, thị, thành với hơn 2.000 thành viên tham gia. Tình nguyện viên Chữ Thập đỏ ở cấp Hội cơ sở còn thường xuyên tuyên truyền, vận động HMTN và nòng cốt tham gia HMTN khi có yêu cầu của bệnh viện và Ban Chỉ đạo các huyện, thị, thành trong tỉnh.

Nghĩa cử hiến máu cứu người ngày càng lan tỏa và nhân rộng trong cộng đồng. Phong trào HMTN phát triển, ý thức của nhân dân trong việc tham gia hiến máu cứu người được nâng lên. Nguồn máu của những người hiến máu tình nguyện đã thay thế dần nguồn máu của người bán máu chuyên nghiệp trong điều trị tại các bệnh viện.

Thông tin từ Khoa Xét nghiệm của Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh, trung bình mỗi năm nhu cầu sử dụng máu cho cấp cứu, điều trị của toàn tỉnh là trên 7.000 đơn vị máu và chế phẩm từ máu. Trước đây, đa số máu sử dụng có nguồn gốc từ lực lượng bán máu chuyên nghiệp, thì những năm trở lại đây nguồn máu hiến tình nguyện tăng dần và hiện tại chiếm khoảng 95% nhu cầu của các bệnh viện trong tỉnh.

Hướng về cộng đồng, hành động vì cộng đồng, đội ngũ những người tình nguyện hiến máu trong tỉnh ngày càng nhân rộng. Trong số đó có những gia đình tiêu biểu với tất cả các thành viên đều tham gia hiến máu nhiều lần và vận động những người xung quanh cùng tham gia, góp phần phát triển phong trào. “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại” là ý nghĩa cao đẹp của hoạt động HMTN.

ĐẢM BẢO AN TOÀN TRUYỀN MÁU

Gần đây, trong đội ngũ những người HMTN cũng như cộng đồng có những thắc mắc là tại sao bệnh viện tiếp nhận máu hiến tình nguyện của cộng đồng mà lại đem bán cho bệnh nhân với giá cao. Gút mắc này đã ít nhiều ảnh hưởng đến công tác vận động hiến máu và cần được giải tỏa. Về vấn đề này, bác sĩ Bùi Thị Loan, Trưởng khoa Xét nghiệm của Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh cho biết: “HMTN là nghĩa cử cao đẹp được tôn vinh.

Tuy nhiên, để những giọt máu của những người tình nguyện đến được với người bệnh phải trải qua một quy trình dài và đòi hỏi khắt khe của quy định an toàn truyền máu. Máu sau khi thu thập về sẽ được xét nghiệm sàng lọc kỹ với ít nhất 8 xét nghiệm như: Định nhóm máu ABO, định nhóm máu Rhesus, xác định công thức máu, tìm bệnh viêm gan B, viêm gan C, giang mai, sốt rét, HIV…

Những túi máu đạt tiêu chuẩn được bảo quản tại ngân hàng máu của bệnh viện và chuyển đến nơi cần khi có nhu cầu. Những túi máu không đảm bảo chất lượng sẽ bị hủy với chi phí khá cao - khoảng 55.000 đồng cho mỗi đơn vị máu. Khi bệnh nhân có nhu cầu, bệnh viện phải tiếp tục thực hiện các xét nghiệm liên quan đến độ tương thích của máu người bệnh với máu người hiến.

Hiện nay, chi phí để có 1 đơn vị máu truyền cho người bệnh, bệnh viện phải chi gần 900.000 đồng, gồm các chi phí: Túi chứa máu, dây truyền máu, bông băng, xét nghiệm, chi phí hỗ trợ cho người hiến máu, chi phí hỗ trợ cho đơn vị vận động hiến máu, chi phí hủy túi máu không đạt chất lượng…

Với giá bán theo quy định của Bộ Y tế là 603.000 đồng cho mỗi đơn vị máu là 250 ml, bệnh viện phải lỗ gần 300.000 đồng. Như vậy, trung bình mỗi năm ngành Y tế Tiền Giang phải bù lỗ chi phí cho hoạt động truyền máu trên 2 tỷ đồng, đó là chưa kể chi phí bệnh viện phải chi cho các khoản xăng xe và công tác phí cho nhân viên y tế đi thu gom máu.

Cũng theo bác sĩ Loan, biết là lỗ nhưng vẫn phải làm vì máu là nhu cầu không thể thiếu trong cấp cứu và điều trị của các bệnh viện. Có được nguồn máu chất lượng từ người HMTN sẽ tốt hơn cho bệnh nhân. Mong rằng với chiết tính này, người HMTN, cộng đồng và bệnh nhân sẽ có cái nhìn sẻ chia hơn về công tác HMTN và hoạt động an toàn truyền máu.

THỦY HÀ

.
.
.