Hình thành thói quen đội MBH cho trẻ em khi tham gia giao thông
Tai nạn giao thông là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và thương tích cho trẻ em cả nước nói chung và tại Tiền Giang nói riêng. Mỗi ngày trôi qua, hàng trăm, hàng ngàn trẻ em đang gặp nguy hiểm đến tính mạng khi đi xe máy do không được đội mũ bảo hiểm (MBH).
Tuy nhiên, điều đáng nói đây là mối nguy hoàn toàn có thể tránh được nếu người lớn biết ý thức và biết hành động. Từ thực tế đó, vừa qua Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Ban ATGT tỉnh tổ chức Hội thi “Tìm hiểu pháp luật về đội MBH cho trẻ em” ở tất cả các trường tiểu học và mầm non trên địa bàn TP. Mỹ Tho.
Hội thi “Tìm hiểu pháp luật về đội MBH cho trẻ em” được tổ chức ở các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn TP. Mỹ Tho. |
Hội thi được tổ chức với nhiều nội dung như: Phần tự giới thiệu và phần trả lời nhanh. Trong đó, phần tự giới thiệu là các đội thể hiện năng khiếu, sự hiểu biết về luật giao thông và lợi ích đội MBH khi tham gia giao thông bằng các tiểu phẩm, tình huống…; phần trả lời nhanh là các đội cùng tham gia trả lời ý nghĩa của các biển báo giao thông mà ban tổ chức đưa ra; phần thi quan sát nhanh:
Các đội sẽ quan sát những hình ảnh giao thông qua đoạn video clip và trả lời những câu hỏi của ban giám khảo. Đặc biệt, trong phần thi nhanh và khéo: Các đội sẽ ghép những mảnh rời tạo thành bức tranh giao thông, sau đó nêu nội dung và cho biết những hành vi giao thông đúng, sai trong bức tranh…
Các phần thi được các đội thể hiện hết sức sinh động và thực tế, tuyên truyền những thông điệp như: “Trẻ em cũng phải đội MBH” hay “Đội MBH cho con, trọn tình cha mẹ” và “Nhớ lời thầy cô dặn: Đội MBH khi đi xe máy, xe đạp điện”. Tình huống mà các đội tham gia dự thi đều xoay quanh việc cha mẹ không đội MBH cho con khi tham gia giao thông, từ đó dẫn đến tai nạn giao thông.
Thực tế cho thấy, tại một số trường học trên địa bàn TP. Mỹ Tho vào giờ đến trường và tan học, thường xuyên bắt gặp cảnh phụ huynh chở con em mình đến trường và về nhà mà không đội MBH. Thậm chí, nhiều trường hợp còn chở 2, chở 3 trẻ mà không đội MBH. Lý giải cho điều này, các bậc phụ huynh thường đưa ra lý do, nhưng phụ huynh không nghĩ rằng việc không đội MBH cho con sẽ gặp rất nhiều rủi ro khi tham gia giao thông.
Thầy Huỳnh Hồng Giang, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ công tác thư viện thiết bị và giáo dục ngoài giờ, Sở GD-ĐT, Giám khảo Hội thi cho biết: “Chúng ta đều biết trẻ em chưa có ý thức và kỹ năng phòng tránh tai nạn, trong khi chở con em, phụ huynh luôn đi vào giờ cao điểm, đường sá đông đúc nên rất dễ xảy ra va quẹt, khi bị ngã xe trẻ bị rơi xuống mặt đường, nếu không có MBH thì các em bị chấn thương là điều không tránh khỏi.
Đã đến lúc các bậc phụ huynh cần thay đổi nhận thức. Cha mẹ cần hiểu rằng, đội MBH cho trẻ khi tham gia giao thông không chỉ là tôn trọng luật pháp, mà đó còn là hành động thiết thực, thể hiện tình yêu thương của cha mẹ đối với con cái”.
Qua hội thi, đã tuyên truyền những thông điệp hết sức ý nghĩa đến phụ huynh, giáo viên và các em nhỏ về ý thức khi tham gia giao thông. Việc đội MBH khi đi xe máy vừa bảo vệ tính mạng của bản thân, vừa bảo vệ tính mạng cho người thân. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các trường mầm non, tiểu học, việc đội MBH cho trẻ em được nhà trường tuyên truyền sâu rộng đến phụ huynh; đồng thời còn nhiều hoạt động giáo dục về ATGT gắn kết với các hoạt động ngoại khóa khác.
Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định rất rõ về việc xử phạt đối với hành vi không đội MBH khi ngồi trên mô tô, xe máy, xe đạp điện khi tham gia giao thông. Nghị định này cũng quy định bắt buộc đội MBH cho trẻ em từ đủ 6 tuổi trở lên khi được người khác chở bằng xe gắn máy.
Tuy nhiên, bên cạnh việc ý thức chấp hành của các bậc phụ huynh học sinh hiện nay chưa cao, dẫn đến tỷ lệ trẻ em đội MBH khi ngồi trên xe máy chưa nhiều, còn do các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng cảnh sát giao thông chưa kiên quyết trong việc xử lý trẻ em ngồi trên mô tô, xe máy không đội MBH.
Vì thế, để việc đội MBH khi tham gia giao thông, đặc biệt là đội MBH cho trẻ em trở thành ý thức của người dân, thì rất cần sự chung tay của cả cộng đồng. Người dân nâng cao ý thức, tự bảo vệ tính mạng cho mình; các cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn trong việc xử phạt khi người tham gia giao thông vi phạm về đội MBH.
Trẻ em là thế hệ tương lai của dân tộc, đất nước, là đối tượng luôn cần được ưu tiên chăm sóc và bảo vệ. An toàn của con cái chúng ta, hơn ai hết chính chúng ta phải vào cuộc quyết liệt, đừng để người khác phải nhắc nhở. Nếu thực sự yêu thương con trẻ, các bậc cha mẹ cần thay đổi suy nghĩ và hành động, bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất: Hãy đội MBH cho trẻ khi đi trên mô tô, xe máy.
P. MAI