Làm gì để nâng tầm ẩm thực Việt?
Việt Nam có một nền ẩm thực cực kỳ phong phú và hấp dẫn. Ẩm thực Việt Nam đã được rất nhiều bảng xếp hạng, tạp chí ẩm thực, du lịch danh tiếng thế giới vinh danh. Song chúng ta chưa nâng tầm được thế mạnh rất lớn đó.
Ăn một món ăn, đâu chỉ đơn thuần là thưởng thức mùi vị vật chất của món ăn đó, mà còn thưởng thức cả giá trị tinh thần ẩn chứa hết sức tinh tế trong từng nguyên liệu, gia vị, công thức pha chế.
Hội tụ tinh hoa văn hóa
Mỗi món ăn là một câu chuyện, thậm chí còn là một truyền thuyết, ở đó kết tinh tinh hoa của cả một nền văn hóa truyền thống lâu đời và phong phú.
Thông qua món ăn như bánh chưng bánh dày, du khách có thể tìm hiểu cả một nền văn minh lúa nước cùng với câu chuyện lịch sử của người Việt từ xa xưa, thậm chí còn mang ý nghĩa triết học thô sơ về sự kết tụ tinh hoa giữa trời (tròn-bánh dày) và đất (vuông-bánh chưng).
Món ăn chỉ là món ăn nếu người ta ăn cho no. Nhưng nếu ăn để thưởng thức, để hưởng thụ, để tìm hiểu nhiều điều qua nó thì món ăn lúc ấy đã trở thành nghệ thuật ẩm thực tinh tế.
Việt Nam có thế mạnh nông nghiệp, thủy hải sản. Mỗi miền đất lại có những đặc sản khác nhau mang đậm văn hóa và đặc trưng địa lý vùng miền. Chúng ta không thiếu những đầu bếp trứ danh. Vấn đề chỉ là chúng ta có nhận thức đủ, đúng để đặt món ăn Việt Nam vào đúng vị trí, vai trò truyền tải giá trị văn hóa, tinh thần, có nâng tầm đẳng cấp lên thành nghệ thuật ẩm thực như nghệ thuật trà đạo của người Nhật hay không.
Bãi biển đẹp nhiều nơi có, di sản văn hóa chúng ta cũng rất nhiều nhưng cũng không thật hoàn toàn khác biệt. Chỉ có ẩm thực là độc nhất, là không “đụng hàng” với bất cứ nơi đâu.
Có thể thấy nét tương đồng giữa ẩm thực và âm nhạc ở chỗ: Người nhạc sĩ chỉ sử dụng 7 nốt nhạc thôi mà có biết bao bản nhạc, bài hát ra đời và mỗi bài là một thế giới nội tâm khác nhau. Còn trong ẩm thực, người đầu bếp chế biến nguyên liệu như nhau nhưng thành phẩm lại khác nhau. Cũng từ gạo từ thịt, muối, cá, rau đó thôi nhưng món ăn qua quá trình sơ chế, tẩm ướp, đun nấu sẽ thành thành phẩm hoàn toàn khác biệt. Thậm chí cùng một món ăn ấy, công thức nguyên liệu ấy, nhưng món phở ăn tại Hà Nội không giống phở ăn tại Paris.
Không có gì tác động nhanh, nhiều xúc cảm bằng ẩm thực. Các cụ ta có câu “món ngon nhớ lâu”. Có không ít du khách đã vượt quãng đường rất xa, xếp hàng thật lâu chỉ để ăn món ăn mình mơ ước và yêu thích. Hương vị tuyệt vời của món ăn là một chất gây nghiện, thôi thúc người ta phải quay lại để nếm, để có cảm về hương vị, gia vị của món ăn ấy một lần nữa. Mà phải ăn tại chính miền đất sản sinh ra món ăn đó, tại chính nhà hàng với khung cảnh xung quanh như thế và phải đúng hương vị như thế. Hơn cả ăn uống, ẩm thực chính là một sự trải nghiệm khiến ta nhớ mãi.
Một người yêu ẩm thực Việt thực thụ chắc chắn phải ăn phở vào bữa sáng. Ảnh: Buzzfeed/Express |
Tổng Giám đốc Lữ hành JBT-TNT liên doanh với Nhật Bản, ông Nguyễn Văn Tấn từng kể rằng bạn bè, khách hàng nước ngoài của ông nói rằng món ăn của người Việt dễ ăn vì không quá nhiều gia vị như đồ ăn Ấn Độ, Trung Quốc. Món ăn Việt vẫn giữ được hương vị gốc của nguyên liệu nhưng lại không quá nguyên bản như món ăn Nhật Bản.
Bao nỗi niềm trăn trở…
Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh cho biết, bà luôn băn khoăn câu chuyện Việt Nam có nên quảng bá hình ảnh như một cái bếp của thế giới không. Tất nhiên, so với nền ẩm thực nổi danh có thương hiệu như nước Pháp thì chúng ta chưa bằng, nhưng cũng nên có nghiên cứu sâu hơn về câu chuyện này.
“Tôi đã từng chất vấn nhiều chủ khách sạn 5 sao rằng tại sao các anh không có nhà hàng món ăn Việt Nam cao cấp. Ẩm thực Việt Nam tại các khách sạn lớn đang bị lép vế, chỉ có vài món ở thực đơn chung. Khách sạn nhà hàng nào cũng có món ăn Trung Quốc, Thái, Âu nhưng chưa hề có khách sạn nào có nhà hàng món ăn Việt”.
Như vậy, ngay tại sân nhà, ẩm thực Việt cũng không được quảng bá ở tầm đẳng cấp cao.
Ẩm thực đường phố là lợi thế của ẩm thực Việt Nam. Bánh mỳ Sài Gòn, phở Hà Nội, nem cuốn, bún chả, bún bò Huế được rất nhiều tạp chí ẩm thực, du lịch vinh danh, chẳng hạn trang Buzzfeed của Mỹ vừa tổng hợp 20 món ăn đang được du khách nước ngoài truyền tai nhau phải thưởng thức ngay khi tới Việt Nam (phở, bún bò Huế, miến gà, gỏi cuốn, bánh xèo, bún chả, chả cá...).
Nhưng hình như chính người làm du lịch, dịch vụ nhà hàng Việt đã tự mặc định món ăn Việt không phải món ăn cao cấp và vị trí của nó là ngoài đường phố, nhà hàng cấp thấp. Còn ở lĩnh vực quảng bá ẩm thực cao cấp thì món ăn Việt Nam hoàn toàn vắng bóng.
Nhưng ngay tại vị trí mà ẩm thực Việt bị mặc định là nơi nó thuộc về - đường phố, ẩm thực cũng đang bị hạ cấp, hạ giá trị. Quán ăn đường phố Việt Nam bị mặc định là nơi cung cấp món ăn bình dân 2 không: Không đảm bảo an toàn vệ sinh, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Khách sạn 5 sao dành cho du khách có chi tiêu lớn. Nhưng số lượng khách này không nhiều. Tâm lý nhiều du khách nghĩ rằng món ăn Việt trong khách sạn đã được điều chỉnh để phù hợp với khẩu vị người nước ngoài không quen với một số gia vị đặc trưng như nước mắm. Và họ muốn thưởng thức hương vị nguyên bản, đậm đặc của món ăn bản địa nhưng ra ngồi vỉa hè bụi bặm, mất vệ sinh… thì không phải ai cũng đủ can đảm!
Đưa ẩm thực làm thương hiệu quốc gia có được không?
Có thể ngành du lịch còn có nhiều lựa chọn khác, vì Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và tài nguyên để phát triển du lịch. Lựa chọn ẩm thực để đại diện thương hiệu quốc gia có lẽ chưa phải lựa chọn tốt nhất, nhưng tối ưu và tốn ít tiền nhất trong giai đoạn hiện nay.
Người ta nói nhiều đến sự khác biệt, nét độc đáo khi muốn quảng bá hình ảnh du lịch, để nhận diện du lịch Việt Nam trên bản đồ thế giới. Vậy tại sao chúng ta không dùng chính ẩm thực để tạo nên sự khác biệt của mình? Có trên 10.000 nhà hàng Việt ở nước ngoài, nhất là tại châu Âu, Mỹ. Đây chính là một lợi thế quảng bá rất tự nhiên và không tốn kém cho hình ảnh ẩm thực Việt.
Bánh xèo rất tốt cho sức khỏe bởi món này dùng nhiều loại rau ghém. Ảnh: Buzzfeed/Express |
Bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng Tổng cục Du lịch nên khuyến khích các khách sạn, nhà hàng cao cấp quảng bá ẩm thực Việt Nam. Bà cho rằng chúng ta vẫn đang thiếu thương hiệu du lịch quốc gia. Vậy tại sao chúng ta không lấy ẩm thực làm đại diện thương hiệu. Chỉ có ẩm thực mới chuyên chở được cả quá khứ, hiện tại và tương lai, cả tinh hoa văn hóa tinh thần, vật chất của một dân tộc.
Bên cạnh việc khuyến khích đưa ẩm thực Việt vào khách sạn cao cấp, việc đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, mỹ quan của quán xá, nhà hàng cũng cần được quan tâm.
Không phải ngẫu nhiên những khu phố Tây tự phát ở Huế, TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang, Hà Nội lúc nào cũng đông đúc và sầm uất. Ở đó, du khách, được ăn món ăn đậm chất địa phương, thấy nụ cười hồn hậu của người bán hàng, được hòa mình vào cuộc sống của người dân ở nơi mình đến. Đó chính là trải nghiệm, cảm xúc thú vị mà họ tìm kiếm…
(Theo chinhphu.vn)