Phòng chống TNTT ở trẻ em: Cẩn trọng từng bước chân của trẻ
Trẻ em không phải là một người lớn dưới hình hài thu nhỏ. Khả năng và hành vi của các em khác với người lớn, điều này khiến các em có nguy cơ bị thương tích cao hơn.
Nỗi đau khi bất ngờ mất đi đứa con do tai nạn thương tích (TNTT) nhiều năm mới lành lặn, thậm chí nó đeo đẳng người ta cả cuộc đời. Nỗi đau càng trở nên sâu sắc khi những ông bố, bà mẹ này biết rằng, rõ ràng mình có khả năng ngăn chặn tai nạn đã dẫn đến cái chết của con mình mà họ đã không làm hoặc chưa kịp làm.
HIỂM HỌA RÌNH RẬP TỪNG GIÂY
Tại Tiền Giang, số trẻ em bị TNTT liên tục tăng sau mỗi năm. Thống kê chưa đầy đủ của Phòng Trẻ em thuộc Sở LĐ-TB&XH, năm 2006 có 181 trẻ em bị TNTT, con số này vào năm 2007 là 225 trường hợp và năm 2008 tăng lên 302 trường hợp.
Năm 2014 trên địa bàn tỉnh có trên 10 ngàn trẻ em bị TNTT các loại gồm: Tai nạn giao thông; tai nạn hóc, tắc nghẽn đường thở; bị vật sắc nhọn cắt, đâm; ngộ độc; chết đuối; bỏng; điện giật...; trong đó có 16 trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước. Riêng 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã có gần 3.000 trẻ em bị TNTT các loại.
Tắm sông là thú tiêu khiển nguy hiểm của trẻ em dịp hè. |
Có rất nhiều nguy cơ trong cuộc sống có thể gây thương tích cho con trẻ, bên cạnh những rủi ro khách quan còn có cả những hiểm họa tiềm ẩn do chủ quan, thiếu quan tâm chăm sóc của người lớn như ngộ độc, ngã, bỏng... Tại Việt Nam, TNTT đang có xu hướng tăng cao, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ em.
Theo kết quả của cơ quan Điều tra Thương tích đa trung tâm Việt Nam (Viet Nam Multi-centre Injury Survey, 2001), thương tích là nguyên nhân gây ra gần 70% số trường hợp tử vong ở trẻ em trên 1 tuổi. Đặc biệt hơn, 71% các trường hợp tử vong liên quan đến TNTT đều do TNTT không chủ ý, tức những nguyên nhân có thể phòng tránh được. Hậu quả to lớn này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong việc nâng cao tỷ lệ sống ở trẻ em.
Những nghiên cứu và báo cáo gần đây cũng chỉ ra rằng, TNTT ở Việt Nam chủ yếu xảy ra do sự thiếu ý thức, kiến thức và kỹ năng của người dân về phòng, chống TNTT và do môi trường sống không an toàn (trong cả gia đình và cộng đồng).
Hệ thống các văn bản pháp luật, các quy phạm, tiêu chuẩn không đầy đủ và bất cập, đi kèm với việc thiếu các biện pháp triển khai thực hiện phù hợp trong lĩnh vực phòng, chống TNTT, đặc biệt là với đối tượng là trẻ em cũng là những hạn chế lớn trong công tác phòng, chống TNTT.
Theo kết quả điều tra đã được tổ chức UNICEF công bố, mỗi năm Việt Nam có khoảng 27 ngàn trẻ em chết do TNTT, chưa kể hàng ngàn trẻ em khác bị thương tích làm tàn tật suốt đời. Đặc biệt, tai nạn giao thông và đuối nước là nhóm tai họa thường trực đe dọa gây TNTT cho trẻ em.
CẦN CHỦ ĐỘNG PHÒNG TRÁNH
Xuất phát từ hiểm họa khôn lường của TNTT đối với trẻ em, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức triển khai thực hiện Đề án phòng tránh TNTT trẻ em cho các huyện, thành, thị. Trên cơ sở đã được triển khai từ cấp tỉnh, các huyện, thành, thị cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án này cho cơ sở xã, phường, thị trấn; đồng thời tham mưu UBND cấp huyện thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện. Qua công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức đã nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân trong việc phòng tránh TNTT cho trẻ em.
Đến nay, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức thực hiện nhiều xã điểm phòng tránh TNTT trẻ em trên phạm vi toàn tỉnh bằng nhiều biện pháp truyền thông như: Nói chuyện chuyên đề, chiếu phim tư liệu về TNTT trẻ em, kết hợp phát tờ bướm, tờ rơi nói về những nguyên nhân, tác hại và cách phòng tránh TNTT... đã tác động đến nhiều đối tượng gia đình có trẻ em về ý thức phòng tránh. Chẳng hạn như, có nhiều gia đình cho trẻ học bơi hoặc dạy bơi cho trẻ; làm rào chắn xung quanh ao, hồ gần nhà; không cho trẻ chơi những vật cứng, sắc nhọn...
Tuy nhiên, cái khó trong việc phòng tránh TNTT trẻ em hiện nay là số xã được đầu tư để triển khai thực hiện còn ít. Mặt khác, do điều kiện kinh tế một số hộ gia đình khó khăn nên ít có thời gian đầu tư cho việc hướng dẫn, giáo dục phòng tránh những TNTT dễ xảy ra cho con em của mình.
Vả lại, điểm tập bơi cho trẻ ở cộng đồng quá ít, toàn tỉnh chỉ có 3 hồ bơi ở TP. Mỹ Tho, huyện Chợ Gạo và huyện Gò Công Tây; phần lớn các em tự tập bơi ở gia đình (ao, đìa, sông, rạch), ít có người lớn theo dõi nên rất nguy hiểm, dễ bị chết đuối…
Mặc dù công tác tuyên truyền luôn được tăng cường, tập trung những nơi có nguy cơ cao trong việc xảy ra TNTT, nhưng vấn đề TNTT trẻ em vẫn không giảm, nhất là trẻ em chết do đuối nước. Trong điều kiện đó, mỗi người, mỗi gia đình cần có ý thức bảo vệ con em mình khỏi nguy cơ TNTT bằng cách xây dựng cho trẻ môi trường sống an toàn là vô cùng quan trọng.
GIẢI PHÁP “NGÔI NHÀ AN TOÀN CHO TRẺ EM”
“Ngôi nhà an toàn cho trẻ em” là mô hình đang được khuyến cáo áp dụng tại các gia đình, mục đích là nhằm giúp cho các bậc cha mẹ và những người chăm sóc trẻ nhận biết được các mối hiểm họa, cách loại bỏ các mối hiểm họa xung quanh nhà và trong nhà có thể gây ra tai nạn thương tích cho trẻ. Qua đó góp phần giảm đến mức thấp nhất các loại TNTT ở trẻ em tại gia đình và cộng đồng do các nguyên nhân trong sinh hoạt hàng ngày gây ra.
Một ngôi nhà được công nhận là “Ngôi nhà an toàn cho trẻ em” phải đảm bảo loại bỏ các nguy cơ gây TNTT cho trẻ em, cụ thể như:
Giếng nước, bể nước, lu nước có nắp đậy chắc chắn, an toàn; có bếp riêng với cửa chắn và cửa ra vào an toàn; phích nước nóng để nơi an toàn, trẻ em không sờ, với tới được; các vật dễ cháy nổ (ga, xăng, cồn, đèn, diêm…) để nơi an toàn; ổ điện đặt trên cao, nơi trẻ em không với tới được; không cho trẻ tiếp xúc với các vật sắc nhọn (dao và mảnh kính vỡ…);
Đặt tủ thuốc ngoài tầm với của trẻ; dụng cụ đựng hóa chất (thuốc trừ sâu, axit, chất tẩy rửa…) phải có nhãn rõ ràng và để trên giá cao hoặc tủ có khóa, đảm bảo trẻ không thể nhìn hoặc sờ được; cầu thang, ban công phải có tay vịn, rào chắn an toàn; không để trẻ nhỏ chơi các vật dễ nuốt; sàn gác trong nhà phải chắc; lối ra sông, ao, kinh rạch… phải có rào chắn; vật dụng để trong nhà như xe máy, xe đạp, rìu, cung, nỏ… để gọn gàng và an toàn.
Bên cạnh đó, không cho trẻ chơi những món đồ chơi có chi tiết nhỏ để trẻ không nuốt hoặc cho vào mũi, tai; không để trẻ chơi gần ao hồ nếu không có người lớn...
Nói chung, trẻ em hay tò mò, thích khám phá, hay bắt chước người lớn nhưng còn ít hiểu biết. Do đó, một mặt cha mẹ, người lớn phải tạo cho trẻ môi trường sống an toàn, luôn canh chừng trẻ, đặt trẻ trong tầm mắt của mình; đồng thời từng bước nói cho trẻ hiểu về những nguy hiểm và hướng dẫn trẻ tránh.
TNTT là một hiểm họa khôn lường đối với trẻ em. Phòng tránh TNTT cho trẻ em là một vấn đề lớn, là mối quan tâm của cả nhân loại. Ý thức và kiến thức của mỗi người là yếu tố then chốt quyết định hiệu quả của việc bảo vệ con trẻ khỏi những rủi ro có thể phòng ngừa được.
THỦY HÀ