Hãy để các trường tự chủ!
Có thể nói kỳ thi vừa qua gần như các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) không có một quyền tự chủ gì hết. Chính điều đó đã làm cho các trường luôn luôn ở trong thế bị động. Điều này chưa phù hợp với tinh thần của Luật Giáo dục Đại học là giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ.
Tôi cho rằng, việc kết hợp hai kỳ thi này với hai mục đích rất khác nhau, rất xa nhau là không hợp lý. Với kỳ thi tốt nghiệp THPT, không có gì phải tổ chức cả một kỳ thi quốc gia để thực hiện cả.
Ảnh minh họa. Nguồn: VA/dangcongsan.vn |
Với trên 90% học sinh sẽ tốt nghiệp, điều này có thể thông qua nhiều cách để có thể loại được khoảng 10% các em không đạt yêu cầu thông qua kết quả học tập, hoặc có thể làm một kỳ thi quy mô ở cấp địa phương, giao cho các địa phương làm, như vậy cũng giảm nhẹ được áp lực thi cử.
Còn lại nên ưu tiên để cho các trường ĐH, CĐ xét tuyển. Như vậy thực chất cũng chỉ còn một kỳ thi quốc gia thôi, nhưng các kỳ thi ấy cũng phải giao cho các trường ĐH, CĐ tuyển sinh theo đúng Luật Giáo dục Đại học quy định, Bộ chỉ nên làm công tác quản lý nhà nước thôi.
Nếu tiếp tục gộp cả hai kỳ thi vào thì tốt nghiệp THPT vẫn là yêu cầu bắt buộc, như tôi vừa nói, có thể làm ở cấp thấp hơn, tức làm ở địa phương, về lâu dài có thể làm ở các cơ sở giáo dục. Còn tuyển sinh ĐH, CĐ thì giao cho các trường làm, đúng thẩm quyền, trách nhiệm của họ.
Nếu muốn hỗ trợ thì Bộ có thể hỗ trợ bằng một kỳ thi cải tiến từ kỳ thi chung trước đây. Nhưng kỳ thi này không phải mang tính chất bắt buộc mà chỉ mang tính chất tình nguyện, tức là cơ sở giáo dục ĐH nào không có nhu cầu làm riêng, thì có thể sử dụng kết quả từ kỳ thi chung đó để làm cơ sở xét tuyển.
Còn cơ sở giáo dục nào muốn xét tuyển riêng thì họ sẽ tự làm, hoặc những trường có cùng đặc thù, cùng yêu cầu có thể liên kết, phối hợp với nhau làm, nhưng tôi nhắc lại phải trên tinh thần tự nguyện, vì tuyển sinh là quyền tự chủ của các trường ĐH.
Rất có thể sẽ có nhiều trường ĐH không đưa ra yêu cầu quá cao, yêu cầu đặc thù về đầu vào thì họ sẽ không có nhu cầu làm riêng. Điều đó không đơn giản và nhiều trường cũng không có điều kiện để tự tổ chức được.
Theo tôi, phải đến 80% các trường vẫn muốn sử dụng kết quả từ kỳ thi chung do Bộ hỗ trợ tổ chức, nhưng 80% đó là ai thì phải theo tinh thần tự nguyện chứ không phải Bộ bắt buộc. Nếu làm như vậy thì kỳ thi không còn trở thành một cái gì đó quá lớn nữa, cũng chẳng cần phải làm việc trong một ngày nữa, như vậy sẽ giảm nhẹ áp lực đi.
Căng thẳng giao thông, chỗ trọ, và nhiều thứ khác sẽ giảm đi vì nó đã có sự phân tán ra từng trường một. Đặc biệt nó sẽ không còn tạo ra một không khí nặng nề vào một thời điểm nhất định nữa vì nó giống như một việc làm bình thường thường xuyên của các trường.
Ngoài ra, theo tôi, cũng cần phải cải tiến cả cách ra đề thi. Bộ có thể nghiên cứu cách làm của Đại học Quốc gia vừa qua, họ thí điểm, tổ chức một bài thi đánh giá năng lực rất đơn giản, gọn nhẹ.
Tất nhiên, việc có đáp ứng được nhu cầu chuyên môn hay không cũng cần phải được đánh giá một cách nghiêm túc. Nhưng đó là một hướng tốt và thế giới họ đang làm. Còn cách vừa qua thì thế giới chẳng ai làm, mà là cái chúng ta tự nghĩ ra. Có thể coi đó là một sáng kiến "độc nhất. vô nhị" ở Việt Nam.
(Theo dangcongsan.vn)