Thứ Sáu, 21/08/2015, 10:42 (GMT+7)
.

Học sinh nói tục, chửi thề: Cần kiên quyết ngăn chặn và đẩy lùi

Tuy không phải tất cả học sinh đều nói tục, chửi thề, nhưng chiếm một tỷ lệ không nhỏ, tạo nên thực trạng buồn. Không phải chỉ có học sinh bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông, mà học sinh bậc tiểu học cũng chửi tục; thậm chí một số tuy rất ít học sinh mẫu giáo cũng đã có thói hư, tật xấu này.

Không chỉ có học sinh nam mà cả học sinh nữ cũng chửi tục với tỷ lệ và mức độ ngày càng đáng báo động. Cũng không chỉ có học sinh thuộc loại trung bình, yếu kém mới chửi tục, mà cả những học sinh có học lực khá, giỏi. Nhiều học sinh chửi tục bị thầy cô, nhà trường phê bình hoặc xử lý kỷ luật đã không biết xấu hổ, sửa chữa mà vẫn tái diễn.

Biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể đi
 Ảnh chỉ có tính minh họa: Như Lam

Nói tục, chửi thề cũng phản ánh một phần văn hóa của mỗi người, nhưng cũng đừng vội kết luận những học sinh có thói quen này là văn hóa, đạo đức kém, mà đó chỉ là thói quen vô thức và chưa được dạy dỗ, uốn nắn đúng mực của người lớn. Khi các em phát ngôn những từ tục tĩu thì chắc rằng các em không hề liên tưởng đến những hình ảnh thật, nghĩa đen thực sự của từ ngữ đó.

Khi bắt gặp một học sinh chửi tục, nhiều người hay thốt lên: “Thầy cô mày dạy thế à?”. Đúng là nhà trường có trách nhiệm, nhưng thói quen chửi tục của học sinh trước hết và chủ yếu bắt nguồn từ gia đình.

Ở nhiều gia đình, cha mẹ và các thành viên lớn tuổi khác cứ thoải mái, hồn nhiên chửi tục trước mặt con cháu, em út khi giao tiếp hoặc dùng chính những lời thô bỉ, tục tĩu để chửi mắng, rầy la chúng. Có trường hợp cha mẹ không chửi tục, nhưng khi phát hiện con bắt chước bên ngoài về nhà chửi tục thì lại không kiên quyết dạy bảo, lâu dần trở thành thói quen.

Về phía nhà trường, bao giờ nội quy cũng có điều, khoản cấm học sinh nói tục, chửi thề ở mọi lúc mọi nơi, nhưng trong thực tế các biện pháp quản lý, giám sát kém hiệu quả và hình thức xử phạt không đủ sức răn đe, bởi chủ yếu chỉ là phê bình trước lớp, trước trường nên không ngăn được hiện tượng học sinh chửi tục ngày càng nhiều.

Rất ít, thậm chí là không có trường hợp nào học sinh bị xử lý kỷ luật với hình thức thấp nhất là khiển trách vì lý do nói tục, chửi thề; có chăng là đi kèm với những lỗi chính khác. Các tổ chức Đoàn, Đội trong nhà trường hiện nay cũng không mấy thu hút để góp phần giáo dục, rèn luyện kỹ năng giao tiếp có văn hóa trong nội dung hoạt động của mình.

Bên cạnh đó là tác động rất lớn của môi trường xã hội hiện nay. Hàng ngày học sinh dù muốn hay không cũng phải nghe nói tục, chửi thề. Đặc biệt, trên diễn đàn các mạng xã hội, nhiều “nhóm” được thành lập và hoạt động, thành viên phần lớn trong độ tuổi đi học. Trên các trang facebook cá nhân của học sinh thì học sinh chửi tục đến mức hãi hùng.

Hậu quả nghiêm trọng cả trước mắt và lâu dài của hiện tượng học sinh chửi tục như thế nào đã quá rõ ràng, không cần phải bàn cãi. Vấn đề ở đây là làm thế nào để ngăn chặn, đẩy lùi. Thiết nghĩ, bản chất của việc học sinh chửi tục là một hiện tượng xã hội nên không thể dẹp bỏ trong ngày một, ngày hai. Để hạn chế thì nhà trường và gia đình cần phải đồng tâm, hợp lực, cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc giáo dục, uốn nắn các em, trong đó gia đình là môi trường cơ bản, tốt nhất, giữ vai trò quyết định.

“Dạy con từ thuở còn thơ” từng lời ăn tiếng nói và cách giao tiếp có văn hóa (không nói tục, chửi thề) là bài học đầu tiên mà đứa trẻ phải được trang bị để trở thành con người văn minh sau này. Đừng chỉ chăm chú vào việc lo cho con mình học thật giỏi để trở thành công dân toàn cầu mà quên rèn luyện những hành vi ứng xử có văn hóa. Điều quan trọng nữa là các bậc cha mẹ phải thực sự là những tấm gương sáng về hành vi ứng xử có văn hóa để con noi theo. Những gia đình nào cha mẹ và người lớn có thói quen chửi tục thì phải sửa chữa ngay.

Về phía nhà trường, việc xử lý học sinh chửi tục cần áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp. Nếu chỉ phê bình, nhắc nhở không thôi thì chưa đủ sức răn đe, mà cần phải đưa thành tiêu chí đánh giá, xếp loại hạnh kiểm định kỳ.

Ví dụ, không xếp hạnh kiểm loại tốt đối với học sinh có học lực giỏi hoặc khá nhưng thường xuyên chửi tục đã bị nhắc nhở đến 2 lần trở lên, như vậy chắc chắn sẽ làm cho học sinh biết sợ mà giảm bớt hoặc thôi chửi tục.

Phụ huynh học sinh cũng đừng lo lắng, mà cần quan tâm giáo dục, uốn nắn con em mình. Đi đôi với xử phạt cũng phải biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể điển hình, gương mẫu trong việc ứng xử có văn hóa.

Từng cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên của nhà trường phải luôn luôn ứng xử một cách có văn hóa để nêu gương tốt. Ngoài ra, cũng cần phát huy vai trò của các tổ chức Đoàn, Đội trong “cuộc chiến” không khoan nhượng với các thói hư, tật xấu nói chung và vấn nạn nói tục, chửi thề trong học sinh nói riêng.

Khẳng định vấn nạn học sinh nói tục, chửi thề là có thực, làm băng hoại nhân cách của thế hệ trẻ, làm vấy bẩn môi trường giáo dục và xói mòn truyền thống văn hóa cần phải đẩy lùi và xóa bỏ dần. Đây là trách nhiệm chung của mỗi nhà giáo, của từng nhà trường và đặc biệt là của từng gia đình học sinh.

LÊ MINH HOÀNG

.
.
.