Tai nạn giao thông đường bộ - đôi điều suy nghĩ
Tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông đường bộ vẫn đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội và hình ảnh của đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, 6 tháng đầu năm 2015 tình hình trật tự ATGT trên địa bàn cả nước tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Toàn quốc xảy ra 11.179 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết gần 4.500 người, bị thương trên 10 ngàn người. So với cùng kỳ năm 2014 số vụ giảm 12,85%, số người chết giảm 4,5%, số người bị thương giảm 17,24%..
Tuy nhiên, vẫn còn 23 địa phương có số người chết vì TNGT tăng, trong đó 12 tỉnh tăng trên 10%. Tình trạng vi phạm chở quá tải trọng của ô tô tải vẫn diễn biến rất phức tạp, còn hiện tượng xe khách chở quá số người quy định, tăng giá vé trái quy định trong thời gian cao điểm...
Tuyên truyền ATGT là một trong những biện pháp kiềm giảm TNGT. Ảnh: Hữu Chí |
Đối với địa bàn tỉnh Tiền Giang, 6 tháng qua, công tác bảo đảm trật tự ATGT tiếp tục được triển khai đồng bộ. Tình hình trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực, TNGT giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ năm 2014 (cả 3 tiêu chí giảm 14,67%).
Tổng số TNGT đường bộ và đường thủy xảy ra 175 vụ, làm chết 97 người, làm bị thương 139 người. So với cùng kỳ năm 2014, số vụ tai nạn giảm 7 vụ (175/182) giảm 3,85%, số người chết giảm 21 người (97/118) giảm 17,8%, số người bị thương giảm 40 người (139/179) giảm 22,35%.
Tình hình trên do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của người tham gia giao thông còn yếu kém. Mặc dù các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền rất nhiều, nhưng hình như về ý thức của người tham gia giao thông ít chuyển biến. Tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ vẫn xảy ra thường xuyên. Để giải quyết vấn đề này, cần tăng khung hình phạt cho tất cả các lỗi vi phạm quy định về ATGT.
Ví dụ: Tịch thu phương tiện cố tình vượt đèn đỏ, tịch thu bằng lái với lái xe trong người vượt quá nồng độ cồn cho phép… Về kết cấu hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, bất cập, cơ sở hạ tầng còn hạn chế và thiếu đồng bộ, nên các cơ quan có liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong việc đầu tư, giám sát công tác phát triển hệ thống giao thông.
Ngoài ra, một số cấp ủy Đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức chưa quan tâm đúng mức trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp kiềm chế, làm giảm TNGT, ùn tắc giao thông.
Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về trật tự ATGT còn hạn chế; việc phân công, phân nhiệm giữa các cơ quan chức năng về bảo đảm trật tự ATGT chưa hợp lý, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong công tác này; lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT vừa thiếu, vừa yếu về năng lực.
Đặc biệt, trong bối cảnh nhu cầu vận tải và phương tiện liên tục gia tăng nhanh hơn nhiều so với kết cấu hạ tầng; sự hội nhập và giao thoa nhiều giá trị văn hóa - xã hội khác nhau, khiến cho vấn đề ATGT ngày càng trở nên phức tạp, đòi hỏi phải thu thập và xử lý một lượng thông tin khổng lồ với tốc độ cao trước khi ra các quyết định.
Do đó, các ngành chức năng cần tìm ra những giải pháp để đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ vào công tác bảo đảm trật tự ATGT tại Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực như quản lý ATGT, kết cấu hạ tầng, phương tiện người lái, ứng phó sau tai nạn, kiểm soát xe quá tải, ứng dụng thiết bị giám sát hành trình để quản lý vận tải...
Trong đó, cần quan tâm đến ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống giao thông thông minh; nâng cao ý thức, xây dựng văn hóa giao thông, góp phần thiết thực để giải quyết những vấn đề bức xúc đặt ra từ thực tế giao thông ở Việt Nam hiện nay.
Trong thời gian tới, để giải quyết được vấn nạn TNGT, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Chỉ thị 18 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, các nghị quyết, chương trình hành động và Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT và khắc phục ùn tắc giao thông.
Công tác bảo đảm trật tự ATGT và khắc phục ùn tắc giao thông phải được xác định là một nhiệm vụ chính trị thường xuyên của cấp ủy Đảng; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của nhân dân.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự ATGT của các ngành chức năng và chính quyền các cấp; tăng cường việc kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết việc thực hiện. Đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT với nhiều hình thức và nội dung phù hợp để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu, nhận thức rõ hiểm họa TNGT; mỗi người khi tham gia giao thông thấy rõ trách nhiệm và tự giác chấp hành pháp luật về giao thông, thực hiện nếp sống “văn hóa giao thông”.
Tập trung các nguồn lực xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực vận tải, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn. Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về trật tự ATGT. Tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống pháp luật về trật tự ATGT phù hợp với tình hình mới.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo đảm trật tự ATGT; quy định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền và cá nhân về bảo đảm trật tự ATGT, khắc phục ùn tắc giao thông; nghiêm cấm cán bộ, công chức can thiệp vào việc xử phạt; xử lý nghiêm đối với cán bộ, nhân viên vi phạm trật tự ATGT.
Xây dựng Chiến lược phát triển phương tiện giao thông phù hợp với phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Nâng cao chất lượng đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, bảo đảm phương tiện tham gia giao thông phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật.
Tăng cường quản lý hoạt động vận tải, đảm bảo hợp lý, khoa học và phù hợp với từng vùng, miền; chú trọng hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa bằng ô tô, tàu hỏa và phương tiện thủy. Đổi mới tổ chức giao thông đường bộ bảo đảm hợp lý, phù hợp với điều kiện kết cấu hạ tầng giao thông và an toàn thuận lợi cho hoạt động giao thông vận tải.
Thường xuyên rà soát, phát hiện và xử lý các bất hợp lý trong tổ chức giao thông và khắc phục ngay các “điểm đen” trên các tuyến giao thông đường bộ. Nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp và đơn vị chức năng về quản lý hành lang ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, quản lý vỉa hè, đường phố và ATGT cầu, đường, hầm.
Thực hiện nghiêm túc các quy định về hành lang ATGT; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là các hành vi xâm hại công trình giao thông, cản trở giao thông, thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc khắc phục các nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng.
Coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở đào tạo, các trung tâm sát hạch trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; quản lý chặt chẽ đối với những người được cấp giấy phép lái xe. Khắc phục những hạn chế, yếu kém và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, sách nhiễu trong đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
Tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của người điều khiển phương tiện giao thông ngay tại bến xe, bến tàu. Kiên quyết đình chỉ hoạt động kinh doanh vận tải đối với tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải và bảo đảm ATGT.
Điều tra, xử lý nghiêm các vụ TNGT, nhất là các hành vi trực tiếp gây ra TNGT. Có biện pháp kiên quyết chấm dứt tình trạng đua xe trái phép, phóng nhanh vượt ẩu gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
HUỲNH VĂN NGUYỆN
Phó Giám đốc Sở GTVT