Tăng lương tối thiểu 2016: Khó tìm tiếng nói chung
Hội đồng tiền lương Quốc gia đã họp 1 ngày (5-8) cho phương án tăng lương tối thiểu vùng 2016 nhưng vẫn chưa đi đến thống nhất. Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết: “Trong 2 tuần nữa, các bộ phận kỹ thuật sẽ cùng nhau tính toán lại các phương án có tính khả thi hơn".
Tiền lương tối thiểu chưa đáp ứng mức sống tổi thiểu |
Nguyên nhân chưa đi đến thống nhất phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 do sự chênh lệch quá lớn giữa đề xuất của đại diện DN và người lao động. Cụ thể: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức tăng là 16%, còn Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là 6%. Theo Thứ trưởng Huân, đến cuối giờ chiều, VCCI đưa ra đề xuất mới, tăng lương tối thiểu ở mức 10%.
Rất dễ hiểu vì sự “khó đi đến thống nhất” trong cuộc thảo luận về vấn đề tiền lương. Bởi một tâm lý chung là “người chi 1 đồng thì cho là nhiều, người nhận 1 đồng thì luôn cho là ít”. Vì thế, việc tìm được tiếng nói chung trong lúc kinh tế khó khăn là điều không đơn giản.
TS Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn cho rằng: Chủ doanh nghiệp bao giờ cũng kêu là tăng chi phí nhưng người công nhân khi nhận sẽ nói rằng tiền lương chẳng đáng là gì. Tâm lý chung là như vậy. Quan trọng nhất là làm sao dàn xếp được lợi ích của hai bên”.
Tăng lương đã được qui định rõ trong các bộ Luật như: Luật Lao động, Luật BHXH… và Trung ương cũng đã có Nghị quyết về lộ trình tăng lương, hướng tới đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ. Hiện nay, theo khảo sát của Viện Công nhân - Công đoàn, các DN đã trả cho người lao động trên mức lương đề nghị, “thậm chí ngang bằng với mức lương Tổng LĐLĐ đang đề nghị hiện nay. Trên địa bàn Hà Nội đã có rất nhiều DN trả theo mức mà hiện nay Tổng Liên đoàn Lao động đang đề nghị” - ông Thọ nói.
Thế nhưng, theo ông Thọ, với mức lương nhưng vậy phải rất tiết kiệm người lao động mới sống được. Họ hầu như không có tích lũy, chỉ đảm bảo tối thiểu cuộc sống hàng ngày, nếu phát sinh việc con ốm, đau, đi viện hay cá nhân người lao động thì cực kỳ khó khăn.
Phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam gửi Hội đồng tiền lương Quốc gia có mức tăng từ 16-17% so với năm 2015, tăng từ 350.000 - 550.000 đồng/mức.
Trong khi đó, VCCI đề xuất tăng lương chỉ khoảng 7%. Vùng 1 tăng lên 3,32 triệu đồng (tăng 7%), vùng 2 là 2,95 triệu đồng (tăng 7,2%), vùng 3 tăng lên 2,58 triệu đồng (tăng7,5 %), vùng 4 lên 2,3 triệu đồng (tăng 6,9%).
Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia cũng đưa ra 3 phương án điều chỉnh tiền lương tăng bình quân 12,4%, 11,4% và 10,7%.
“Mong ước có một gian phòng tập thể là rất khó chứ chưa nói tới nếp nhà, mảnh đất thì cực kỳ khó. Vì thế, tôi cho rằng, phương án đề xuất của Tổng liên đoàn cũng là phù hợp, gắn với nhu cầu sống tối thiểu” - ông Thọ nói và cho rằng, mức tăng “xấu nhất” là 15%.
Trong một trao đổi với VOV.VN, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng có phàn nàn rằng, DN thì vẫn nói là quan tâm đến đời sống người lao động, thế nhưng Liên đoàn Lao động đề xuất tăng giá trị bữa ăn từ 15.000 lên 20.000 thì phải xem xét mãi vẫn chưa tăng.
Mâu thuẫn giữa các con số báo cáo?
Theo báo cáo của Chính phủ, 6 tháng đầu năm 2015 số doanh nghiệp và vốn đăng ký thành lập mới tăng cao, số doanh nghiệp gặp khó khăn, tạm ngừng hoạt động và giải thể đều giảm so với cùng kỳ. Thu ngân sách đạt khá. An sinh xã hội và phúc lợi xã hội tiếp tục được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện; công tác giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao đạt nhiều kết quả tích cực.
Riêng thành phố Hà Nội, tăng trưởng 6 tháng đầu năm cũng cao nhất so với 4 năm trở lại đây. Thu ngân sách cũng tốt hơn, rất nhiều quận, huyện đạt, vượt.
Thế nhưng, theo khảo sát của VCCI thì nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn, có đến 70% DN kinh doanh không có lãi. “Vấn đề tăng lương đối với họ là một gánh nặng lớn. Cho nên họ đồng ý về chủ trương tăng lương nhưng cần phải có lộ trình. Chúng tôi biết điều này và chúng tôi sẽ cố gắng đàm phán để đảm bảo được mức phù hợp, đảm bảo được yêu cầu của tăng lương tối thiểu và đảm bảo được sự phát triển của doanh nghiệp” - ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI nói.
Theo báo cáo của các cấp công đoàn, năm 2015, có 85 – 90% số doanh nghiệp (có công đoàn) thuộc diện phải điều chỉnh đã thực hiện. Theo Nghị định 103/2014/NĐ-CP, tỷ lệ tăng tiền lương tối thiểu bình quân các vùng năm 2015 là 14,3% so với năm 2014, nhưng tỷ lệ tăng tiền lương thực tế tương ứng của NLĐ trong các doanh nghiệp chỉ khoảng 12%. Và việc tăng tiền lương tối thiểu không gây đột biến về chi phí cho doanh nghiệp.
Qua khảo sát của Tổng Liên đoàn tại 60 doanh nghiệp cho thấy, các doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp FDI có hạch toán từ công ty mẹ ở nước ngoài) đều cho rằng việc tăng mức tiền lương tối thiểu năm 2015 không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất kinh doanh và sẽ chấp hành nghiêm khi Nhà nước công bố mức lương tối thiểu của năm 2016.
Về phía VCCI, ông Hoàng Quang Phòng, thì cho rằng: "Luật đã đưa ra thì phải thực hiện. Tuy nhiên, việc thực hiện như thế nào thì các bên phải có kiến nghị phù hợp".
Năm 2014, Hội đồng tiền lương quốc gia phải họp tới 3 lần mới thống nhất được phương án tăng lương năm 2015.
(Theo vov.vn)