Xích lô và những hoài niệm
Theo nhiều người làm nghề chạy xích lô, cách đây chừng 20, 30 năm là thời hoàng kim của nghề chạy xe xích lô. Hiện nay, đô thị phát triển, thành phố ngày càng khang trang, sạch đẹp, loại phương tiện này càng ít đi. Toàn TP. Mỹ Tho hiện còn khoảng 50 chiếc xích lô, chủ yếu dùng để chở hàng hóa. Xe buýt, taxi… dần thay chỗ của xích lô, nhưng hình ảnh của nó luôn gợi cho người ta nhớ về một Mỹ Tho đại phố năm nào…
Nhiều gia đình tại TP. Mỹ Tho đã từng mưu sinh bằng Chiếc xích lô đạp. |
Tại TP. Mỹ Tho, những người mưu sinh bằng nghề chạy xích lô không còn nhiều. Ai nấy đều ở vào cái ngưỡng “cổ lai hy”, nhỏ tuổi nhất cũng ngoài 50. Đa phần những người bám trụ với nghề này đều có hoàn cảnh khó khăn, không đất đai canh tác.
Ông Lê Văn Phước, ngụ hẻm 209, đường Đống Đa, TP. Mỹ Tho đang ngồi trên chiếc xích lô tại đường Ấp Bắc chờ khách, trò chuyện với chúng tôi, ông cho biết:
“Tôi làm nghề chạy xích lô đến nay hơn mười mấy năm. Còn nhớ, cách đây hơn chục năm, nghề chạy xích lô nhộn nhịp lắm, lúc đó chạy xích lô chủ yếu chở người, khách du lịch nên thu nhập khá, là nghề thu nhập chính của gia đình. Bây giờ thì hầu như không ai đi loại xe này, người dân chủ yếu đi xe buýt, taxi, xích lô chở hàng hóa là chủ yếu. Tuy thu nhập bấp bênh nhưng cũng ráng làm kiếm được đồng nào phụ gia đình hay đồng nấy”.
Ông Nguyễn Minh Tính, ngụ khu phố 10, phường 5, TP. Mỹ Tho, có hơn 30 năm sống với nghề chạy xích lô, chia sẻ:
“Tôi quê gốc ở Bến Tre, cha mẹ nghèo không có đất đai canh tác, đi bộ đội về thì tôi cưới vợ rồi qua Mỹ Tho lập nghiệp với nghề chạy xích lô đến nay. Hơn chục năm về trước, xích lô là phương tiện được ưa chuộng. Khi đó, “cánh” chạy xích lô có “đồng ra, đồng vô” ổn định. Bây giờ, chạy xích lô dường như đã hết thời và nhường chỗ lại cho những loại phương tiện khác hiện đại hơn. Tôi già rồi, không còn sức để đi tìm việc khác nên đeo đuổi nghề này, mỗi ngày chỉ chạy được một, hai “cuốc” nhưng cũng thấy vui”.
Ông Nguyễn Minh Tính cùng chiếc xích lô đạp cũ kỹ. |
Trong chuỗi ký ức về tháng ngày dài kiếm cơm nhờ vào nghề chạy xích lô, ông bảo nó như là cái duyên, cái nghiệp vận vào mình, ông vẫn không sao quên được khoảng thời gian thức khuya, dậy sớm, “đóng đô” chiếc xích lô của mình ở các góc đường, chợ tại Mỹ Tho từ khi mặt trời chưa ló dạng.
Ngoài việc nhận chở người, ông nhận chở thực phẩm cho các chủ buôn rau, cá... và lặn lội tìm khách có nhu cầu chở hàng hóa về nhà. Trời ngả bóng xế, ông lật đật “đánh” xích lô về kết thúc một ngày bôn ba đạp xích lô.
Ông Nguyễn Minh Tính chia sẻ: “Lúc xưa “cánh” làm nghề chạy xích lô đông lắm, khách đông có khi chở không kịp. Ngày nào cũng tờ mờ sáng tụi tôi ra khỏi nhà đi đón khách tới chiều tối mới về. Hầu hết những người làm nghề chạy xích lô đều thông thạo tất cả các con đường, ngõ hẻm tại TP. Mỹ Tho, thậm chí là ngoại ô thành phố. Thu nhập 1 ngày có khi vài trăm ngàn đồng.
Bây giờ thì chạy xích lô chủ yếu chở hàng hóa, mỗi ngày được vài chục ngàn đồng, có khi không có đồng nào, nhiều anh em trong nghề đã bán sắt vụn chiếc xích lô. Tôi già không còn sức để làm nghề khác nên giữ chiếc xích lô ai có thuê chở hàng thì chở. Đạp xích lô tuy mệt nhưng được cái giúp mình rèn luyện sức khỏe tốt giống như tập thể dục, lúc không có hàng chở thì ngồi đàm đạo với mấy ông bạn già”.
Thật vậy, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay khách hàng của những người làm nghề chạy xích lô thường là các bà nội trợ đã lớn tuổi, các tiểu thương cần mang hàng ra chợ, cửa hàng buôn bán cần thuê chở hàng hóa cho khách. Mỗi lượt đi có khi 20.000 - 50.000 đồng, tùy đoạn đường xa, gần, hàng hóa nhẹ hay nặng. Tuy nhiên, số người thuê phương tiện này cũng không còn nhiều.
Theo những người còn bám trụ với nghề chạy xích lô, nghề này thời nào cũng gian truân, lận đận, bởi mỗi cuốc xích lô luôn chan đầy mồ hôi mới mong đổi được miếng cơm, manh áo. Trong ký ức những người dân thành phố, xích lô là một loại phương tiện phổ biến và tiện dụng.
Chiếc “xe sắt” ba bánh ấy có thể len lỏi bất cứ nơi đâu trên phố phường TP. Mỹ Tho, có thể chở nhiều người cùng lúc, cũng có thể chở đồ dùng không mấy khó khăn và giúp không ít người mưu sinh bằng nghề này. Tuy hôm nay chạy xích lô không còn thích hợp với hình ảnh thành phố hiện đại nhưng người ta vẫn nhớ nó như một nét văn hóa của Mỹ Tho đại phố năm nào.
HOÀNG DUNG