Cần nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
Tôi đọc bài “Trung tâm kỹ thuật và công nghệ sinh học: Thực hiện thành công nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao” của N.Văn (Báo Ấp Bắc số ra ngày 5-8-2015) và có ngay cảm giác bất ngờ và mừng.
Trồng cà chua bi theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Ngô Tông |
Từ lâu tôi biết Sở Khoa học - Công nghệ Tiền Giang có một Trung tâm đại khái có những chức năng như bài báo của N.Văn kể, nhưng không chú ý lắm vì không nghe có những sản phẩm sinh học nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) có thể phổ biến rộng rãi, nhân ra đại trà.
Bài báo cũng nói: “Tuy nhiên, do thời gian đầu trụ sở còn hạn chế về diện tích, hoạt động chủ yếu của Trung tâm là kiểm nghiệm các chỉ tiêu về cơ lý, hóa lý, hóa sinh và tư vấn đánh giá chứng nhận VietGAP, GlobalGAP”.
Ngay cả việc tư vấn đánh giá chứng nhận VietGAP, GlobalGAP tôi cũng không biết Trung tâm đã từng làm… Do đó mà tôi đã nhiều lần viết bài đề cập vấn đề này, nói lên vị trí, vai trò rất quyết định của NNCNC trong việc tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, cho rằng tỉnh chỉ nói mà không thấy làm, rồi “mách nước” thế này thế nọ, cho rằng NNCNC là 1 trong 3 cái kiềng 3 chân của nền nông nghiệp phát triển… Tôi không biết có việc sau đây:
“Sau khi có chủ tương phát triển mảng công nghệ sinh học, tỉnh đã cho đầu tư mới trên Quốc lộ 50 (ấp Hội Gia, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho) với diện tích 0,7 ha, cùng đầu tư mới trang thiết bị, cơ sở vật chất, từ đó, Trung tâm có điều kiện tiến hành các dự án về chương trình nông nghiệp đô thị, xây dựng các mô hình NNCNC, sản xuất các chế phẩm sinh học…” - bài báo viết. Xin điểm qua các phần còn lại nói về những kết quả cụ thể bước đầu và định hướng sắp tới:
Trong 2 năm 2013 - 2014, Trung tâm cho ra đời nhiều mô hình thử nghiệm sản xuất ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao tại trụ sở, như ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trong canh tác dưa lưới, cải… trong nhà màng; đẩy mạnh nhân và cung cấp giống cây trồng bằng phương pháp nuôi cấy mô (chuối, lan, cúc).
Trung tâm đang phối hợp các huyện, thành, thị nhân rộng các mô hình sản xuất NNCNC (canh tác lan Mokara cắt cành ở huyện Chợ Gạo, sản xuất thử nghiệm trồng dưa lưới tưới nhỏ giọt trong nhà màng ở huyện Tân Phước). Trước mắt, Trung tâm tiếp nhận công nghệ sản xuất thủy canh, đưa vào hoạt động hệ thống sơ chế đóng gói rau quả công suất 100kg/giờ…
Trung tâm là một trong những đơn vị đi đầu trong việc tư vấn áp dụng các tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP, UTZ Certified cho các sản phẩm nông nghiệp của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam bộ.
Tại tỉnh nhà, Trung tâm đã tư vấn thành công 13 mô hình sản xuất lúa, trái cây, rau màu đạt tiêu chuẩn GlobalGAP; 4 mô hình được chứng nhận VietGAP; tư vấn thành công sản xuất ca cao đạt tiêu chuẩn UTZ Certified; đang kết hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện 2 mô hình trồng thanh long ở huyện Chợ Gạo, huyện Tân Phước và mô hình trồng sầu riêng ở huyện Cai Lậy theo tiêu chuẩn GlobalGAP.
Trung tâm đang mở rộng các hoạt động dịch vụ đào tạo, tư vấn xây dựng, vận hành các hệ thống quản lý chất lượng; đào tạo, tư vấn sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo các tiêu chuẩn an toàn trong nước và quốc tế, được Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) chỉ định là tổ chức chứng nhận VietGAP trên phạm vi toàn quốc.
Trung tâm còn ứng dụng công nghệ vi sinh vào sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ trồng trọt, chăn nuôi và xử lý môi trường. Hiện nay, Trung tâm đã sản xuất thành công chế phẩm phân bón gốc Bioroot chứa những chủng vi sinh phòng trừ một số tuyến trùng gây hại bộ rễ cây trồng và chế phẩm nấm xanh phòng trừ rầy nâu, bọ xít hại lúa. Sản xuất gia công men tiêu hóa cung cấp cho Công ty cổ phần Dược Thú y Cai Lậy.
Trung tâm đã có những hoạt động thành công có thể nói là ngoạn mục như vậy, nhưng với diện tích hiện nay, Trung tâm chưa thể đáp ứng yêu cầu triển khai các mô hình thử nghiệm, hiệu quả còn nhiều hạn chế. Ông Lê Quang Khôi, Phó giám đốc Trung tâm đã nói với phóng viên báo như thế. Ông cho biết tỉnh đã có kế hoạch cấp thêm cho Trung tâm khoảng 0,8 ha, Trung tâm sẽ có điều kiện triển khai thêm nhiều mô hình hơn nữa…
Ôi, hạn chế của một Trung tâm hàng đầu trong ứng dụng sản xuất NNCNC chỉ vì diện tích hoạt động còn nhỏ hẹp! Trong khi còn nhiều diện tích bỏ hoang hóa nơi này nơi khác. Và thành công của Trung tâm là xuất sắc như vậy mà người phàm mắt thịt như tôi chẳng biết gì. Xin lỗi Trung tâm.
TRẦN QUÂN