Thứ Sáu, 18/09/2015, 15:14 (GMT+7)
.

Cẩn thận khi lái xe ban đêm

Trong cuộc sống hàng ngày, do yêu cầu công việc, đôi khi chúng ta phải sử dụng phương tiện giao thông vào ban đêm. Tuy nhiên, khi lái xe ban đêm nguy hiểm hơn rất nhiều so với ban ngày vì bóng tối sẽ hạn chế tầm nhìn; đồng thời người khác cũng khó có thể nhận ra chúng ta. Thông qua các phương tiện truyền thông, ai cũng thấy được số vụ tai nạn giao thông (đường bộ, đường thủy) vào ban đêm tăng nhanh trong những năm gần đây, nhiều nhất vẫn là  đường bộ.

Ảnh minh họa. Ảnh: Vân Anh
Ảnh minh họa. Ảnh: Vân Anh

Theo một khảo sát của tổ chức an toàn phi chính phủ, tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông vào ban đêm cao gấp 3 lần so với ban ngày. Trong khi số lượng người tham gia giao thông vào ban đêm đã giảm đi rất nhiều. Khi màn đêm buông xuống, không chỉ bóng tối, mà còn vô số chướng ngại vật mới xuất hiện trên đường, ví dụ các loài động vật sống về đêm, mới nhất là tình trạng trẻ em ném đá vào xe chạy đêm.

Tầm nhìn vào ban đêm bị hạn chế, khả năng xử lý tình huống cũng như nhận thức về màu sắc và độ sâu cũng suy giảm khi mặt trời tắt bóng. Ánh sáng không thật cộng với việc dễ nhầm lẫn giữa nhiều loại đèn đường làm cho khả năng phán đoán tình huống của người lái xe giảm đi rõ rệt.

Đặc biệt những đoạn đường có nhiều cua, ngoặc, đèo dốc nguy hiểm, người lái xe chỉ mất tập trung trong tích tắc cũng đưa đến những tai nạn nghiêm trọng. Bên cạnh đó, ban đêm lại là thời điểm nhiều nhóm đối tượng có thể xuất hiện lạng lách đánh võng trên đường. Đây cũng là một trong những nguyên nhân nhiều tai nạn bất ngờ xảy ra.

Trong khi đó, nhằm tiết kiệm thời gian, muốn đường vắng hoặc tránh nóng, đi ban đêm cho mát, nhiều tài xế chọn lái xe vào buổi tối. Vả lại, cung đường mình đi liên tục nên cũng đã quen, đoạn nào nên chạy nhanh, đoạn nào nên chạy chậm, đoạn nào thì nghỉ ngơi. Tất cả như lập trình sẵn. Nếu xe có sự cố thì nên gọi cho ai và sửa chữa ở đâu cũng không khác ban ngày là bao nhiêu.

Tuy ô tô ít hơn nhưng mô tô và xe máy di chuyển trong đêm cũng không phải là ít, nhất là dịp lễ, tết, lưu lượng phương tiện tăng đáng kể so với những ngày thường, Mỗi đêm, mô tô, xe máy chuyên chở hàng hóa cồng kềnh thường xuyên xuất hiện mọi nơi, từ những con đường lớn, đến các hẻm nhỏ. Do yêu cầu cấp bách của công việc, những người điều khiển phương tiện thường di chuyển với tốc độ nhanh, thiếu quan sát nên rất dễ gây tai nạn giao thông.

Trao đổi với một số tài xế nhiều kinh nghiệm, họ có chung nhận xét: “Lái xe ban đêm là công việc căng thẳng và phức tạp”. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn, những người lái xe “lão làng” này cũng chia sẻ: Trước hết, phải chắc chắn chiếc xe của mình vẫn trong tình trạng vận hành tốt, đặc biệt là hệ thống đèn và phải luôn ghi nhớ giữ khoảng cách an toàn và kiểm soát tốc độ.

Sự an toàn của bản thân còn tùy thuộc vào khả năng, kỹ năng quan sát và xử lý tình huống của người lái. Thường thì hệ thống chiếu sáng của xe máy bao gồm các đèn chức năng cơ bản như: Đèn chiếu gần giúp bạn nhìn ở phạm vi rộng nhất; đồng thời giúp người lái xe đi ngược chiều không bị lóa mắt bởi ánh sáng mạnh.

Đèn chiếu xa (đèn pha) giúp người lái quan sát được xa hơn, tuy nhiên góc chiếu hẹp hơn. Bên cạnh đó, điều quan trọng và cẩn thận không bao giờ thừa đó là đừng đánh giá thấp khi thể trạng mình đang mệt mỏi, thần kinh không tỉnh táo, đang stress… thì không nên cầm lái và phó mặc cho sự may rủi.

Đối với ô tô, tài xế cần kiểm tra lộ trình mình sẽ đi, nhất là các cung đường lạ. Hỏi han những tài xế đã chạy qua các tuyến đường này để biết thêm thông tin hay những lưu ý cần thiết. Vệ sinh kính của toàn bộ chiếc xe cả trong lẫn ngoài sẽ giúp bạn có thể quan sát tốt nhất mọi phía vì kính bẩn đều sẽ làm hạn chế tầm nhìn của người lái.

Chắc chắn rằng đèn pha đã được điều chỉnh đúng, bảo đảm cho tầm nhìn của người lái mà không làm chói mắt những người lưu thông ngược chiều. Tốt nhất hãy mang xe đi kiểm tra mỗi năm 1 lần để biết đèn pha trên xe đã được điều chỉnh đúng hay chưa.

Việc nhận ra và xử lý các tình huống bất ngờ vào ban đêm sẽ khó hơn so với ban ngày rất nhiều. Do đó cách tốt nhất là hãy giữ tốc độ và khoảng cách an toàn với các xe khác để có đủ thời gian “trở tay” trước những tình huống đó.

Lái xe trong thời gian dài có thể sẽ làm tài xế mỏi mắt, căng thẳng tinh thần. Khi thấy những dấu hiệu của sự mệt mỏi, hãy chọn cho mình một điểm dừng gần đó và an toàn để chợp mắt một lúc. Không nên làm việc cả ngày rồi lái xe cả đêm.

Khi vượt xe khác, nhất là các xe lớn như xe khách, xe tải hay xe container thì lưu ý nguyên tắc “người ta nhường đường chứ không nhường tốc độ”, nhất là vào ban đêm. Nếu điều kiện đã an toàn sau khi mình đã thông báo bằng đèn và xi-nhan thì vượt dứt khoát, tránh chạy xe song song.

Nếu gặp những xe “thiếu văn hóa” cứ pha đèn vào mặt, hay cứ chiếu thẳng đèn sau gáy thì hãy áp dụng nguyên tắc “tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Cũng đừng buồn hay bực mình làm gì cho ảnh hưởng đến cái thú vị khi lái xe vào ban đêm.

Những chỉa sẻ trên đây không phải là tất cả, nhưng cũng giúp người lái có thể chạy xe an toàn hơn trong đêm.

HOÀNG DANH

.
.
.