Để các tiêu chuẩn văn hóa không "ảo" về chất lượng
Xây dựng ấp (khu phố), xã (phường, thị trấn) văn hóa là một trong những tiêu chí quan trọng của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH), góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Đoàn giám sát làm việc với lãnh đạo TP. Mỹ Tho và các xã, phường của thành phố. |
Từ năm 2012 đến nay, việc xây dựng và nâng chất ấp (khu phố), xã (phường, thị trấn) văn hóa được các nơi chú trọng. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tồn tại không ít khó khăn, hạn chế cần sớm khắc phục.
NHỮNG ĐIỂM SÁNG
Trong những năm qua, hàng năm nhiều xã, phường, thị trấn (gọi tắt là cấp xã) trên địa bàn tỉnh đều có đề ra Nghị quyết chuyên đề về thực hiện nâng chất các tiêu chí văn hóa. UBND và Ban Chỉ đạo (BCĐ) phong trào TDĐKXDĐSVH cấp xã đều có chương trình, kế hoạch thực hiện hàng quý, năm, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở Ban Chủ nhiệm (BCN) các ấp (khu phố) văn hóa tiếp tục nâng chất phong trào, đặc biệt là các tiêu chuẩn gia đình văn hóa (GĐVH), ấp (khu phố), xã (phường, thị trấn) văn hóa được quan tâm nâng chất.
Qua đợt khảo sát của Thường trực HĐND tỉnh mới đây cho thấy: Chất lượng nhiều tiêu chí văn hóa có những chuyển biến tích cực, được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ và tích cực tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở.
Qua giám sát 5 xã tại 5 huyện, thành, thị trong tỉnh về chất lượng xây dựng ấp (khu phố), xã (phường, thị trấn) văn hóa cho thấy 5 tiêu chuẩn để trở thành ấp (khu phố), xã (phường, thị trấn) văn hóa đều được nhiều nơi thực hiện đạt tỷ lệ khá cao và được tái công nhận danh hiệu Văn hóa nhiều năm liền.
Cụ thể: Tiêu chuẩn giúp nhau phát triển kinh tế, nhiều nơi nhờ áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh nên đời sống của nhân dân ngày càng cải thiện, thu nhập bình quân đầu người từ 24 - 29 triệu đồng/năm (tùy từng xã, phường, thị trấn); tỷ lệ hộ có nhà bền vững (nhà bán kiên cố, nhà kiên cố) đạt từ 85 - 98%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 7 - 4%...
Không ít Nhà văn hóa, điểm sinh hoạt văn hóa chưa phát huy hiệu quả như kỳ vọng. |
Đối với tiêu chuẩn nâng cao chất lượng xây dựng GĐVH, ấp văn hóa: Chất lượng đăng ký và bình xét 3 tiêu chuẩn GĐVH được nâng lên rõ rệt qua từng năm, tính đến cuối năm 2014 hầu hết các xã (phường, thị trấn) đều đạt tỷ lệ GĐVH từ 95% trở lên.
Bên cạnh đó, các xã (phường, thị trấn) tiếp tục vận động các ấp (khu phố) duy trì tốt việc thực hiện các tiêu chuẩn GĐVH, ấp (khu phố), nhờ vậy hầu hết các ấp của xã, khu phố của phường, thị trấn được tái công nhận hàng năm. Ngoài ra, xã còn vận động hộ dân duy trì thường xuyên các phong trào rèn luyện thân thể; vận động nhân dân tự nguyện đóng góp kinh phí để đầu tư xây dựng các công trình giao thông nông thôn trên địa bàn xã…
Về tiêu chuẩn xây dựng thiết chế và phong trào văn hóa, thể thao cơ sở cũng có nhiều chuyển biến, đến nay hầu hết các ấp (khu phố), xã (phường, thị trấn) văn hóa có trụ sở kiên cố, có nhà văn hóa hoặc nơi đọc sách báo tập trung, khu thể thao hoặc điểm sinh hoạt văn hóa - thể thao đáp ứng nhu cầu cơ bản về sinh hoạt văn hóa - thể thao của người dân. Một số đơn vị cấp xã còn duy trì sinh hoạt các CLB văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao ở các ấp (khu phố)…
Về tiêu chuẩn xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa nông thôn, hầu hết hộ gia đình thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo đúng quy định của Bộ VH-TT&DL; xây dựng và thực hiện tốt nếp sống văn minh nơi công cộng, thực hiện tốt việc xử lý rác thải tập trung, xây dựng nhiều mô hình để góp phần làm giảm các tệ nạn xã hội…
Về tiêu chuẩn chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương, Ban Chỉ đạo cấp xã phối hợp với Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật của địa phương cùng các ngành, đoàn thể, cán bộ các ấp (khu phố) đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, đã giúp người dân hiểu rõ, hiểu đúng, từ đó chấp hành tốt và tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước do địa phương phát động…
NHỮNG HẠN CHẾ CẦN KHẮC PHỤC
Theo nhiều ấp (khu phố), xã (phường, thị trấn), dù đạt 5 tiêu chuẩn văn hóa nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định. Qua giám sát cho thấy, chất lượng một số tiêu chuẩn trên thực tế không đẹp như những con số trong báo cáo của nhiều nơi.
Điển hình như: Một bộ phận người dân chưa đề cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường và mặc dù đã xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh nhưng vẫn còn sử dụng cầu tiêu trên ao cá. Các thiết chế văn hóa đã được đầu tư xây dựng nhưng chưa khai thác triệt để, chưa phát huy hiệu quả, thậm chí có nơi không còn phù hợp. Tình hình an ninh trật tự vẫn còn diễn biến phức tạp ở một số nơi…
Theo đánh giá của các thành viên Đoàn giám sát, nhiều nơi tuy đạt các tiêu chuẩn xã (phường, thị trấn) văn hóa và được tái công nhận hàng năm nhưng xem xét từng tiêu chuẩn thì những con số trong báo cáo chưa thật sự phản ánh đúng chất lượng của từng tiêu chuẩn.
Ông Nguyễn Văn Phước Cường, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh) cho rằng, cần xem xét lại tiêu chí GĐVH, bởi thực tế hiện nay nhiều gia đình đạt chuẩn GĐVH nhưng con em vi phạm pháp luật, gây mất trật tự nơi công cộng…
Xây dựng GĐVH có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược xây dựng con người, xây dựng xã hội văn minh, thế nhưng một khi danh hiệu GĐVH được công nhận một cách qua loa, đại khái thì giá trị đã không còn đúng ý nghĩa như tên gọi của nó và gây mất niềm tin trong nhân dân.
Vả lại, có một số thiết chế văn hóa không còn phù hợp, điển hình như thư viện, do công nghệ thông tin bùng nổ nên không còn nhiều người đến thư viện đọc sách, nhất là những thư viện ở xã (phường, thị trấn) không có kinh phí bổ sung sách mới, vì vậy nên xem xét lại, để không gian này sử dụng vào mục đích khác hiệu quả hơn.
Nhiều thành viên Đoàn giám sát còn cho rằng, không ít nhà văn hóa, trung tâm văn hóa được đầu tư hàng tỷ đồng nhưng chủ yếu dùng cho việc hội họp, nhiều phòng chức năng chưa được khai thác tốt…
Ông Trần Kim Trát, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát cho biết, qua đợt giám sát về chất lượng ấp (khu phố), xã (phường, thị trấn) văn hóa vừa qua, Đoàn giám sát sẽ có những kiến nghị để lãnh đạo tỉnh cùng nhau bàn bạc, tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng “ảo” về chất lượng của việc thực hiện một số tiêu chuẩn văn hóa nhằm tiếp tục nâng chất, trong đó có việc khai thác sao cho hiệu quả các thiết chế văn hóa cấp cơ sở, tránh đầu tư lãng phí...
HOÀI THU