Gạo Việt Nam cần nhanh chóng có thương hiệu quốc gia
Gạo Việt Nam là sản phẩm nông sản đầu tiên tiếp cận theo hướng xây dựng thương hiệu quốc gia, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh nhấn mạnh như vậy tại hội thảo “Xây dựng thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam" tổ chức ngày 22-9, tại Hà Nội.
Bốc xếp gạo xuất khẩu. Ảnh: Đình Huệ/TTXVN |
Với những sản phẩm có quy mô sản xuất hàng hóa lớn như lúa gạo thì thương hiệu quốc gia là cần thiết để tạo dựng hình ảnh, vị trí và thúc đẩy thương mại trên thị trường quốc tế, ông Thanh nhấn mạnh.
Thời gian qua, Việt Nam đã tập trung xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ dựa trên lợi thế của sản phẩm đặc sản địa phương, vùng miền, phát huy lợi thế và thế mạnh của nông sản Việt Nam. Thương hiệu quốc gia có thể trở thành điểm đến, sự hội tụ về chính sách của Nhà nước với cách tiếp cận tổng thể từ sản xuất, chế biến và thương mại, thúc đẩy quá trình áp dụng khoa học công nghệ toàn diện, là cơ sở cho sự phát triển và sự bền vững cho ngành hàng để chiếm lĩnh và mở rộng thị trường.
Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm gạo Basmati, ông A.K.Gupta, Giám đốc Quỹ phát triển xuất khẩu Basmati (Ấn Độ) cho biết kiểm soát chất lượng là điều hết sức quan trọng. Điều quan trọng là trong chuỗi cung ứng cần phải bảo đảm được tính nhất quán của chất lượng ngay từ ban đầu. Sự toàn vẹn của chuỗi cung ứng đóng vai trò rất quan trọng. Xây dựng thương hiệu phải xây dựng trên thị hiếu người tiêu dùng, phân khúc thị trường muốn hướng đến và xây dựng phân khúc thị trường cụ thể.
Góp ý cho việc xây dựng thương hiệu lúa gạo, ông Vũ Trọng Bình, Vụ trưởng Vụ Địa phương, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng cần phải xây dựng khung chính sách mới cũng như làm rõ thể chế điều phối.
Hiện Việt Nam có 4,1 triệu ha đất trồng lúa, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 53% diện tích. Năm 2014, tổng sản lượng lúa đạt 45 triệu tấn, xuất khẩu hơn 6,3 triệu tấn gạo, đứng thứ ba thế giới sau Ấn Độ và Thái Lan.
Theo đánh giá của Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối, thị trường xuất khẩu của gạo Việt Nam đang ở phân khúc trung bình và thấp, gạo xuất khẩu có chất lượng cao chiếm tỷ trọng thấp, chất lượng gạo xuất khẩu chưa đồng đều, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn yếu.
Việt Nam hiện có hơn 200 doanh nghiệp có quy mô trung bình và lớn tham gia vào hệ thống thương mại gạo nhưng việc sử dụng thương hiệu trên thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu còn hạn chế.
(Theo http://www.vietnamplus.vn/gao-viet-nam-can-nhanh-chong-co-thuong-hieu-quoc-gia/344996.vnp)