Thứ Sáu, 11/09/2015, 10:21 (GMT+7)
.

Nan giải "bài toán" lao động trẻ em

Hơn 5 năm qua, tỉnh đã có nhiều hoạt động nhằm ngăn ngừa và trợ giúp trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo Quyết định 19 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, tình trạng lao động trẻ em vẫn chưa giảm. Trong quá trình lăn lóc mưu sinh, trẻ em dễ bị xâm hại, thậm chí rơi vào cạm bẫy của tệ nạn xã hội.

Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn rất cần sự trợ giúp từ cộng đồng.
Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn rất cần sự trợ giúp từ cộng đồng.

NHIỀU Ý KIẾN TRÁI CHIỀU

Những năm qua, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em đã được tăng cường, với sự quan tâm chăm lo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức xã hội và cộng đồng, nhất là trong lĩnh vực chăm sóc y tế và giáo dục.

Bên cạnh đó, vấn đề lao động trẻ em được đưa vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhằm đạt mục tiêu ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng trẻ em lao động sớm khi kinh tế - xã hội phát triển, đời sống các hộ gia đình được cải thiện.

Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ trẻ em nghèo trong khám, chữa bệnh, học tập như miễn (giảm) học phí, cấp học bổng, thực hiện các chương trình giảm nghèo (như hỗ trợ vốn, chuyển giao kinh nghiệm sản xuất…), đưa trách nhiệm ngăn ngừa trẻ em lao động sớm vào nội dung xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em... Mặc dù vậy, tình trạng trẻ em tham gia mưu sinh vẫn chưa giảm.

Thống kê chưa đầy đủ của ngành LĐ-TB&XH, Tiền Giang hiện có khoảng 400 trẻ em lao động sớm, trong đó có không ít em lao động nặng nhọc, nguy hiểm như: Khuân vác, phụ hồ, hái dừa mướn…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lao động trẻ em, nhưng nguyên nhân chính vẫn là do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn. Những gia đình nghèo không thể bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho con em mình nên chính sức lao động của các em cũng là nguồn thu nhập, góp phần trang trải cho gia đình và bản thân các em.

Mặt khác, bản thân một số em không còn nơi nương tựa (gia đình tan vỡ do ly hôn, mồ côi cha mẹ), gia đình vô trách nhiệm với con cái, một số khác do học kém nên không thể tiếp tục theo học, đã đi tìm việc làm kiếm sống hoặc ảnh hưởng của lối sống buông thả.

Bên cạnh đó, một bộ phận trẻ em buộc phải di cư theo gia đình đến các thành phố tìm việc làm, các em này thiếu sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ và thường rơi vào các gia đình nghèo. Ngoài ra, một số doanh nghiệp tư nhân vì muốn tiết kiệm chi phí sản xuất, kinh doanh đã sử dụng nhiều lao động vị thành niên….

Bên cạnh đó, quan điểm của cộng đồng về sự tồn tại lao động trẻ em có sự khác biệt đáng kể đối với từng nhóm trẻ tham gia lao động, về mức độ và loại hình tham gia. Có người cho rằng, trẻ em không nên làm những việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nhưng vẫn khuyến khích trẻ tham gia làm việc cùng gia đình để cha mẹ có điều kiện quản lý, dạy bảo các em.

Số người khác lại cho rằng lao động là cần thiết với trẻ đã thôi học, vấn đề là ở mức độ lao động phải phù hợp với lứa tuổi và khả năng của trẻ. Đa số những người lớn, những người có trách nhiệm cho rằng trẻ nên tham gia lao động để giúp nâng cao thu nhập cho gia đình, qua đó sẽ phát triển về thể chất và hình thành nhân cách, ý thức trong cuộc sống...

TRẺ DỄ GẶP RỦI RO

Trong thực tế, trẻ em tham gia lao động sớm dù do nguyên nhân gì và tham gia ở mức độ nào thì cũng đều có những nguy cơ rủi ro về thể chất, tâm lý, ảnh hưởng đến việc học hành. Nếu may mắn hơn, nhiều em làm việc tại địa bàn sinh sống, làm việc cùng cha mẹ, người thân thì ít nguy cơ bị lạm dụng, bóc lột, không bị bắt làm những việc phi pháp; còn ngược lại, các em sẽ dễ bị lôi kéo vào những hành vi vi phạm pháp luật, các tệ nạn xã hội, dễ bị tổn thương và có nguy cơ cao bị lạm dụng, bóc lột.

Trần Thị H. là một trong những trường hợp trẻ em bị xâm hại xót lòng vừa được Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh (gọi tắt là Trung tâm) hỗ trợ. H. được phát hiện đang mang thai gần 7 tháng, sống lang thang và xin ăn tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh.

Trung tâm đã phối hợp với Công an phường 1, TP. Mỹ Tho đưa H. về Trung tâm để nuôi dưỡng và thông báo với gia đình em. H. quê xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Cha mẹ chia tay nhau, H. sống với cha và ông bà nội nhưng gia cảnh nghèo khó và không được quan tâm tốt.

Năm 2014, Trung tâm đã tiếp nhận H. khi em xin ăn tại phường 4, TP. Mỹ Tho. Sau một thời gian sống tại Trung tâm, H. được bà nội đón về nhưng chưa đầy 1 năm sau H. lại sống lang thang và do tâm thần không được ổn định, H. bị xâm hại, thai nhi trong bụng ngày một lớn, trong khi bản thân còn chưa chăm sóc được mình thì đã phải làm mẹ.

Ngành LĐ-TB&XH tỉnh đang vấp phải khó khăn về tình trạng trẻ em lao động sớm. Khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc quản lý, phòng ngừa và giải quyết vấn đề lao động trẻ em đó là chưa có một cuộc điều tra, khảo sát ở quy mô phù hợp để nắm bắt đầy đủ và toàn diện về số lượng, mức độ tham gia cũng như các vấn đề liên quan khác đến lao động trẻ em.

Mặt khác, hệ thống tổ chức và năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em còn thiếu và yếu; sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, tổ chức trong việc quản lý và giải quyết các vấn đề liên quan đến lao động trẻ em chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ… Đặc biệt là, giải quyết cái gốc sâu xa của tình trạng trẻ em mưu sinh sớm do nghèo khó là điều không dễ dàng.

THỦY HÀ

.
.
.