Quản lý BN tâm thần tại cộng đồng: Còn nhiều khó khăn từ thực tế
Thời gian gần đây đã liên tục xảy ra nhiều trường hợp người bệnh tâm thần tấn công người thân và những người xung quanh, gây ra hậu quả nghiêm trọng. Đơn cử như trường hợp con trai chém chết cha ruột ở TX. Gò Công hay trường hợp điều dưỡng Võ Văn Đấu bị bệnh nhân tâm thần ở huyện Châu Thành tấn công dẫn đến tử vong do phỏng xăng… Những án mạng do người tâm thần gây nên ít nhiều tạo tâm lý hoang mang trong xã hội.
Cái chết của điều dưỡng Võ Văn Đấu là hồi chuông báo động về tình trạng người tâm thần tấn công nhân viên y tế. Trong ảnh, bác sĩ Nguyễn Thị Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ trao tiền hỗ trợ gia đình điều dưỡng Võ Văn Đấu. |
CĂN BỆNH THỜI HIỆN ĐẠI
Các rối loạn tâm thần là một trong các nhóm bệnh không lây nhiễm. Trong những thập niên gần đây, những bệnh như trầm cảm, lệ thuộc rượu, lệ thuộc (nghiện) ma túy… là một trong các bệnh lý tâm thần làm tăng gánh nặng chi phí bệnh tật toàn cầu.
Tỷ lệ mắc bệnh tâm thần ở Việt Nam qua số liệu điều tra của ngành Tâm thần Trung ương vào khoảng 10 - 20% dân số có vấn đề về sức khỏe tâm thần, trong đó rối loạn trầm cảm chiếm từ 5 - 7%; rối loạn liên quan đến stress chiếm từ 3 - 4%; còn lại là tâm thần phân liệt, động kinh, chậm phát triển trí tuệ, nghiện ma túy, nghiện rượu, rối loạn hành vi trẻ em, rối loạn tâm thần tuổi già… Đặc biệt, trong số các bệnh nhân có dấu hiệu tâm thần phải nhập viện khám và điều trị có tới hơn 45% ở độ tuổi dưới 30.
Theo đó, tỉnh ta khoảng 1,7 triệu dân thì số lượng người có vấn đề về sức khỏe tâm thần khá đông. Do đó hoạt động khám, chữa bệnh tâm thần trong những năm qua tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh luôn trong tình trạng quá tải.
Chỉ tính trong 9 tháng qua, Bệnh viện Tâm thần tỉnh đã khám bệnh cho 65.354 lượt người, đạt 163% so với kế hoạch cả năm 2015; tổng số người điều trị nội trú là 4.535 lượt bệnh nhân, đạt 187,5% và công suất sử dụng giường bệnh đạt 125,81% so với kế hoạch cả năm 2015. Bệnh nhân đến khám, chữa bệnh chủ yếu mắc tâm thần phân liệt, rối loạn dạng phân liệt và hoang tưởng; rối loạn tâm thần và hành vi do rượu; rối loạn khí sắc; động kinh…
Theo các chuyên gia về tâm thần học, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh tâm thần như: Di truyền, mất cân bằng sinh hóa trong cơ thể, tổn thương hệ thần kinh hoặc bị tác động bởi những yếu tố bất lợi từ môi trường cuộc sống hàng ngày như nghiện game, rượu, ma túy tổng hợp.
Ngoài ra, do nhiều người ngày càng phải đối mặt với áp lực về kinh tế, công việc, học hành căng thẳng hay biến cố trong đời sống cá nhân cũng gây ra những tác động không nhỏ tới tâm trí. Đáng lo hơn, hiện nay số người được chẩn đoán và tự biết mình có vấn đề về sức khỏe tâm thần chỉ chiếm chưa tới 30%, còn lại không biết và không thừa nhận mình có vấn đề về sức khỏe tâm thần nên không được chăm sóc và điều trị kịp thời.
Bệnh tâm thần không chỉ tàn phá sức khỏe của người bệnh mà còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến gia đình và cộng đồng. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần hiện nay là rất lớn, nhưng khả năng đáp ứng thì quá hạn chế.
QUẢN LÝ CHẶT ĐẾN TẬN CƠ SỞ
Bác sĩ CKII Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế cho biết, hiện nay việc quản lý, theo dõi, điều trị bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh được Sở Y tế giao cho Bệnh viện Tâm thần tỉnh thực hiện. Từ cơ sở ban đầu là Trung tâm Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Tâm thần tỉnh được thành lập vào năm 2002. Hiện nay Bệnh viện Tâm thần tỉnh là bệnh viện chuyên khoa hạng II theo xếp hạng của Bộ Y tế, với 180 giường bệnh, biên chế 192 người.
Bệnh viện tiếp nhận khám, chữa bệnh nội trú những rối loạn tâm thần cấp tính, bệnh kích động quậy phá cộng đồng… Sau khi điều trị ổn định giai đoạn cấp tính, bệnh nhân xuất viện điều trị ngoại trú duy trì tại khoa khám của bệnh viện.
Riêng 2 bệnh tâm thần phân liệt và động kinh, sau khi điều trị tại bệnh viện ổn định thì bệnh nhân được chuyển về trung tâm y tế tuyến huyện (tương đương) nếu là bệnh nhân mới hoặc chuyển về trạm y tế xã (phường, thị trấn) nếu bệnh nhân cũ để được quản lý theo Chương trình mục tiêu y tế Quốc gia.
Ở tuyến huyện, tại 11 trung tâm y tế huyện, thị, thành phố trong tỉnh đều có 1 tổ tâm thần, có cán bộ phụ trách khám, quản lý, cấp phát thuốc ngoại trú cho bệnh nhân tại địa phương từ tuyến tỉnh chuyển về, sau đó chuyển tiếp về tuyến xã quản lý theo chương trình. Khi bệnh nhân tâm thần được quản lý tại cộng đồng tái phát bệnh thì được chuyển lên Bệnh viện Tâm thần tỉnh để nhập viện điều trị nội trú.
Tại tuyến xã, Chương trình mục tiêu Quốc gia bảo vệ sức khỏe tâm thần tại cộng đồng thực hiện theo Quyết định 196/1998/QĐ-TTg ngày 10-10-1998 của Thủ tướng Chính phủ đã được triển khai thực hiện từ năm 1999. Tỉnh Tiền Giang đã triển khai và quản lý bệnh tâm thần phân liệt, động kinh tại 2 xã điểm Nhị Bình (huyện Châu Thành) và xã Phú Kiết (huyện Chợ Gạo), đến nay đã phủ khắp 173/173 xã, phường, thị trấn.
173 trạm Y tế xã, phường, thị trấn đều có cán bộ phụ trách bệnh xã hội, lập bệnh án quản lý 2 bệnh tâm thần phân liệt và động kinh. Hiện ngành Y tế tỉnh quản lý 2.322 bệnh nhân tâm thần phân liệt, 1.851 bệnh nhân động kinh và 1.475 bệnh nhân tâm thần khác. Tất cả bệnh nhân trong diện quản lý được cấp thuốc điều trị miễn phí hàng tháng tại trạm y tế xã.
CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN TỪ THỰC TẾ
Có thể nói, công tác chăm sóc, điều trị và quản lý bệnh nhân tâm thần tại Tiền Giang gặp khá nhiều thuận lợi so với các địa phương khác, do tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng bệnh viện chuyên khoa về tâm thần và Chương trình mục tiêu Quốc gia về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng được triển khai phủ khắp tỉnh nên người bệnh tâm thần phân liệt và động kinh đã được quản lý, chăm sóc, điều trị, phục hồi chức năng ở cộng đồng ngày càng hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, Bệnh viện Tâm thần tỉnh còn nhận được sự hỗ trợ về chuyên môn của Bệnh viện Tâm thần Trung ương II.
Vấn đề khó khăn của tỉnh hiện nay là thiếu các văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các cơ sở khám, chữa bệnh tâm thần và quy định quản lý người bệnh tâm thần.
Về nhân lực, Bệnh viện Tâm thần tỉnh là một trong những “điểm nóng” về thiếu bác sĩ. Trong nhiều năm liền bệnh viện này không tuyển mới được bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Tại tuyến huyện và tuyến xã hiện chưa có bác sĩ chuyên khoa tâm thần để tiếp nhận và quản lý điều trị tại tuyến cơ sở.
Trang thiết bị y tế phục vụ cho việc khám và điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh, nhất là trang thiết bị chuyên sâu cũng là vấn đề bức xúc. Cơ sở điều trị nội trú xuống cấp do bệnh viện không đủ kinh phí để sửa chữa kịp thời và chưa có kinh phí cải tạo bệnh viện để đáp ứng nhu cầu điều trị.
Đó là chưa kể hiện nay kinh phí Chương trình mục tiêu Quốc gia về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng bị cắt giảm 68% so với năm 2013 nên không đủ kinh phí để mua thuốc điều trị cho bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng. Mặt khác, kinh phí hạn mức của bệnh viện thấp, không đáp ứng đủ cho điều trị nội, ngoại trú và các hoạt động quản lý, điều trị bệnh nhân ở cộng đồng.
Cũng theo bác sĩ Trần Thanh Thảo, vì kinh phí ngoại trú chỉ đủ mua cấp phát cho bệnh nhân các loại thuốc cổ điển có từ những năm 1950 như: Aminazine, Haloperidone, Phenobarbital…, chứ không thể mua thuốc cấp cho bệnh nhân các thuốc thế hệ mới điều trị tốt hơn như: Olanzapine, Risperidone, Valproatsodium…
Bệnh nhân ngày một tăng, nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần của người dân ngày một lớn, thế nhưng năng lực đáp ứng của ngành Y tế hiện còn giới hạn. Đây là vấn đề lớn, là “bài toán” khá nan giải cần được sự quan tâm từ nhiều phía.
THỦY HÀ