Thứ Năm, 03/09/2015, 20:14 (GMT+7)
.

Xây dựng nông thôn mới: Cần lắm những người dân

 "Có lẽ khi tiến hành xây dựng nông thôn mới (NTM), mỗi địa phương không chỉ cần vào nguồn vốn, sự đầu tư của cấp trên là đủ, mà cần nhiều vào sức mạnh của nhân dân để khi thực hiện các tiêu chí trong bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM không gặp nhiều khó khăn, trở ngại"- Đó là chia sẻ của của mỗi một địa phương khi ý thức được vai trò của nhân dân trong quá trình xây dựng NTM đang diễn ra.

Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn do nhân dân đồng sức đồng lòng xây dựng nên
Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn do nhân dân đồng sức đồng lòng xây dựng nên.

Xác định được xây dựng NTM là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm thay đổi diện mạo của nông thôn. Từ khi chủ trương này được phát động và được tuyên truyền sâu rộng trong tầng lớp nhân dân đã tạo nên những chuyển biến tích cực. Là những phóng viên tác nghiệp về đề tài xây dựng NTM, chúng tôi luôn háo hức và vui hơn khi về lại mỗi một nơi, một công trình, một dấu ấn mà chúng tôi đã đi qua. Ở nơi đó, chúng tôi thấy được sự đồng sức, đồng lòng của mỗi một người dân trong thời đại mới.

Trở lại xã Tân Mỹ Chánh (TP. Mỹ Tho), xã đầu tiên của tỉnh Tiền Giang ra mắt xã đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2014. Câu chuyện hiến đất làm đường giao thông nông thôn gắn với phương châm "nhà nước và nhân dân cùng làm", khẩu hiệu "đường làm tới đâu dân giàu tới đó, đường vào làng vàng vào ngõ", "dân hiến 1 được 2"...vẫn còn sôi nổi, được người dân bàn tán xôn xao. Bởi mỗi một công trình đi qua là một sự đổi thay kì diệu ở nơi đó.

Qua 4 năm xây dựng NTN, xã đã đầu tư 20,6 tỷ đồng xây dựng 72 tuyến đường liên xã, liên ấp; đường ngõ, xóm và đường trục chính nội đồng với tổng chiều dài gần 50km (trong đó, nhân dân đóng góp 6,8 tỷ đồng).

Ông Lê Ngọc Hóa, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM xã Tân Mỹ Chánh đã từng nói với chúng tôi: "Một khi huy động được sức mạnh của nhân dân thì làm việc gì cũng thành công. Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong. Đường hoàn thành thì nhà lại mộc lên, mà là nhà tường, nhà kiên cố, biệt thự mini...hỏi sao không phấn khởi! ".

Và Tân Thanh là xã thứ 2 của tỉnh Tiền Giang ra mắt xã đạt chuẩn NTM. Có được kết quả này phải kể đến công tác vận động, dân vận khéo, sự chung sức chung lòng của người dân trong các phong trào xây dựng NTM.

Ông Bùi Văn Tính, Chủ tịch UBND xã Tân Thanh, chia sẻ những kinh nghiệm quý trong quá trình xây dựng NTM: "Mỗi một tiêu chí đều cần đến sức mạnh, sự đoàn kết của nhân dân. Cho nên, trước tiên phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân.

Đồng thời phải thực hiện tốt việc phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở, nêu cao vai trò gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đảng viên, xây dựng niềm tin trong nhân dân. Tất cả mọi công trình kêu gọi đóng góp phải công khai, minh bạch. UBND xã chỉ đứng ra lập dự toán, kỹ thuật, còn lại là do dân họp, bàn, tự quyết định và giám sát".

Ngoài việc hiến đất xây dựng các công trình giao thông nông thôn, các công trình phúc lợi xã hội thì nhiều người dân còn làm công tác tuyên truyền. Nhắc đến điều này, tôi nghĩ ngay đến hình ảnh người nông dân Lê Hữu Phước, xã Vĩnh Hựu (GCT) tâm huyết với công tác xây dựng NTM.

Ông Phước đã từng nói: "Xây dựng NTM là góp phần thay đổi quê hương, đất nước. Ai yêu quê hương, đất nước thì hãy chung tay xây dựng NTM, ai có đất hiến đất, không có đất thì làm công tác tuyên truyền, vận động" làm tôi nhớ mãi và hiểu được sự tâm huyết của người dân đến dường nào trong phong trào xây dựng NTM hiện nay.

Còn ông Phạm Hồng Phúc, Chủ tịch UBND xã Tân Điền (Gò Công Đông) cho biết: Xây dựng NTM không thể phủ nhận vai trò của nhân dân. Chính vì thế, bước đầu tiên chúng ta phải làm sao hiểu rõ hơn vai trò chủ thể của mình, công tác tuyên truyền cần tập trung làm rõ hơn mục tiêu của chương trình xây dựng NTM là vì người dân, hướng đến người dân.

Theo đó, công tác tuyên truyền cần tạo cho được sự đồng thuận trong nhân dân, tạo ra một nhận thức mới cho người dân tự nguyện tham gia xây dựng NTM, trước hết là vì cuộc sống của chính bản thân họ và gia đình họ. Tất cả mọi người dân đều được hưởng và toàn xã hội được hưởng thành quả đó.

 Có thể thấy, chương trình xây dựng NTM là một quá trình đổi mới sâu sắc, toàn diện trên mọi lĩnh vực ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm phát triển nông thôn bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Thông qua 19 tiêu chí bao quát hầu hết các lĩnh vực, cả về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, môi trường, an ninh,… sẽ dần hình thành diện mạo NTM có một nền sản xuất phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ. Từng bước hiện đại, đời sống văn hóa phát triển theo hướng tiến bộ, hiện đại.

Nhìn chung, xây dựng NTM là một chương trình lớn vì nó hướng đến một bộ phận dân cư chiếm đa số trong xã hội. Vì vậy, ngoài sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, cần có sự tham gia tích cực của từng người dân, của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội. Để làm tốt công tác này, thì hoạt động tuyên truyền cần phối hợp với các cấp chính quyền địa phương trong việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, làm sao để "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra".

Để huy động tổng hợp sức mạnh của toàn xã hội tham gia đóng góp sức người, sức của để xây dựng NTM, mỗi một nơi cần công khai, minh bạch các công việc. Nói về vấn đề này, ông Lê Anh Thủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Bình cho biết:

"Khi tiến hành xây dựng NTM, người dân cần phải được thông tin đầy đủ, đa chiều. Chẳng hạn, trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng, người dân cần biết được chủ trương của Đảng và Nhà nước thực hiện chương trình này với mục đích gì?.

Để làm được điều này, cần có sự ủng hộ, tự nguyện đóng góp thêm của nhân dân, vì nguồn ngân sách còn hạn hẹp, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần, hỗ trợ kỹ thuật, giá trị còn lại của công trình thì người dân cần tự nguyện đóng góp sức lao động, góp đất để giải phóng mặt bằng, đóng góp một phần kinh phí,… Nếu người dân hiểu kỹ được vấn đề, thì sẽ xóa được tư tưởng trông chờ, ỷ lại và cùng chung sức, đồng lòng đóng góp".

Thực tiễn cho thấy, dù thực hiện bằng cách này hay cách khác, nếu người dân được bàn bạc, được đóng góp ý kiến của mình thì sẽ tạo ra được sự đồng thuận trong việc triển khai thực hiện. Để qua đó, người dân thực sự hiểu rằng chương trình xây dựng NTM là vì nhân dân, thì cả hệ thống chính trị cần phát huy tốt quy chế dân chủ, để người dân thực sự hiểu rõ vai trò chủ thể của mình.

Chính vì thế, khi nghĩ đến điều này, những người làm công tác tuyên truyền như chúng tôi phải ý thức được vai trò, có tinh thần, trách nhiệm với công việc của mình. Tuyên truyền để người dân hiểu, tiếp tục ủng hộ, đóng góp "những gì mình có thể" để việc xây dựng NTM diễn ra một cách thuận lợi nhất.

 Có thể nói dù trong bất kì một hoàn cảnh nào thì người dân luôn đóng vai trò không thể thiếu trong mọi hoạt động của đời sống xã hội. Nếu như ngày xưa người dân đã kiên cường đứng lên chống giặc ngoại xâm để bảo vệ đất nước thì ngày hôm nay người dân lại vững tin góp sức mình cùng xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Và việc thành công trong phong trào xây dựng NTM tại một số địa phương của tỉnh Tiền Giang trong thời gian qua là một minh chứng cụ thể cho sự đoàn kết, chung sức, chung lòng của nhân dân.

VĂN MINH

.
.
.