Xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở: Thực trạng và giải pháp nâng chất
Xây dựng thiết chế văn hóa xã, phường, thị trấn (gọi tắt là thiết chế văn hóa ở cơ sở) là việc làm ý nghĩa, nhằm tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhiều năm qua, thông qua phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH), hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở đã được đầu tư khá đồng bộ và từng bước phát huy hiệu quả…
ĐẦU TƯ XÂY DỰNG NHÀ VĂN HÓA, TRUNG TÂM VĂN HÓA
Thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, trong những năm qua, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm, chú trọng đầu tư.
HĐND và UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, gần đây nhất là Nghị quyết 26/2012/NQ-HĐND của HĐND tỉnh “Quy định một số chính sách về xây dựng và phát triển trung tâm văn hóa - thể thao xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang” và Quyết định 2507/QĐ-UBND của UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Xây dựng và phát triển trung tâm văn hóa - thể thao xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong tỉnh tổ chức thực hiện. Nhờ đó, cơ sở vật chất văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh ngày càng được đầu tư đồng bộ, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở.
Nhiều Nhà văn hóa cấp cơ sở được đầu tư xây dựng mới khang trang. |
Theo số liệu của Sở VH-TT&DL, đến nay trên địa bàn tỉnh có 72 nhà văn hóa xã (phường, thị trấn), trong đó từ năm 2012 đến năm 2015 toàn tỉnh có 45 đơn vị đã thành lập trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã theo Đề án “Xây dựng và phát triển trung tâm văn hóa - thể thao xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang” gồm huyện Cái Bè: 5, TX. Cai Lậy: 1, huyện Cai Lậy: 3, huyện Châu Thành: 5, huyện Tân Phước: 1, TP. Mỹ Tho: 4, huyện Chợ Gạo: 7, huyện Gò Công Tây: 1, huyện Gò Công Đông: 6, TX. Gò Công: 11 và huyện Tân Phú Đông: 1 nhà văn hóa, đạt tỷ lệ 26,01% (mục tiêu Đề án là từ 25 - 30%) và có 12 xã cơ bản đạt tiêu chí 6 (cơ sở vật chất văn hóa).
Tính bình quân mỗi nhà văn hóa xây dựng khoảng 3 tỷ đồng thì nguồn vốn ngân sách cấp huyện đầu tư xây dựng khoảng 216 tỷ đồng và nguồn ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ trang thiết bị hoạt động khoảng 11 tỷ đồng. Ngoài ra, từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa, từ năm 2012 - 2015 Sở VH-TT&DL đã hỗ trợ 900 triệu đồng cho 30 trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã hoạt động.
Hàng năm, Sở VH-TT&DL đều phối hợp các ngành chức năng của tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyên môn, định hướng nội dung nhằm không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã. Bên cạnh đó, đến nay đã có trên 70% cán bộ phụ trách văn hóa - thể thao cấp xã đạt trình độ từ trung cấp trở lên (mục tiêu Đề án là từ 45 - 50%).
Về kinh phí hoạt động của các trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã, chủ yếu chi từ nguồn ngân sách (bao gồm từ định mức chi sự nghiệp văn hóa - thông tin, định mức chi sự nghiệp thể dục - thể thao, định mức chi cho nhà văn hóa cấp xã đạt danh hiệu xã (phường, thị trấn) văn hóa. Tổng định mức chi cho xã loại I là 58 triệu đồng/năm, xã loại II 54 triệu đồng/năm và xã loại III là 50 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, một số trung tâm có thêm nguồn thu từ việc cho thuê hội trường, sân bãi, sự đóng góp của các nhà hảo tâm... Hầu hết các trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã trong tỉnh đều tổ chức và phối hợp với các ngành, đoàn thể trên địa bàn thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - thể thao phục vụ nhân dân gắn với các ngày lễ, tết, các ngày kỷ niệm lớn của đất nước, địa phương; tổ chức nhiều cuộc hội thi, hội diễn văn nghệ, các giải thể thao phong trào, đã quy tụ được nhiều tầng lớp nhân dân tham gia, qua đó phát hiện nhiều hạt nhân văn nghệ, thể thao.
CẦN TIẾP TỤC NÂNG CAO HIỆU QUẢ CỦA HỆ THỐNG THIẾT CHẾ VĂN HÓA
Theo đánh giá của Sở VH-TT&DL, hoạt động của các trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ, sáng tạo các giá trị văn hóa, luyện tập thể dục - thể thao của nhân dân, tạo được môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh trên địa bàn, tạo được hiệu quả xã hội tích cực.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, hệ thống thiết chế văn hóa và công tác quản lý thiết chế văn hóa ở tỉnh ta hiện vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Do kinh phí có hạn và nguồn nhân lực còn hạn chế về trình độ chuyên môn nên một số trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã hoạt động mang tính thời vụ, phong trào; một số nơi chưa tổ chức được các hoạt động văn hóa - thể thao định kỳ nhằm duy trì thói quen sinh hoạt của nhân dân; một số trung tâm cơ sở vật chất, sân bãi, trang thiết bị chưa đầy đủ và do không có cán bộ chuyên trách nên chưa khai thác hết công năng của các cơ sở vật chất (một số nơi chỉ dừng lại ở việc hội họp, trưng bày, thiếu các hoạt động chuyên môn theo quy định).
Mặt khác, việc hợp đồng cộng tác viên còn lúng túng, khó khăn, nhất là kinh phí chi trả (thù lao cho cộng tác viên được sử dụng từ nguồn thu dịch vụ, hội phí, nguồn xã hội hóa của trung tâm); đội ngũ cán bộ, cộng tác viên ở cơ sở còn yếu và thường xuyên thay đổi; nhiều nơi chưa có đủ quỹ đất như quy định cũng như thiếu kinh phí, thiếu đội ngũ cán bộ để xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa và ở nhiều vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa hệ thống thiết chế văn hóa cũng như hoạt động văn hóa còn quá nghèo nàn, chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân…
Để hoàn thiện, nâng cao hiệu quả của hệ thống thiết chế văn hóa trong thời gian tới, cần tổ chức triển khai và thực hiện tốt Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao nông thôn”, trong đó phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp như:
Các cấp quản lý chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tổ chức quản lý nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng, tổ chức hoạt động, trong đó có sự đầu tư của Nhà nước và sự đóng góp của nhân dân; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở gắn với mở rộng dịch vụ và thị trường; quy hoạch, đào tạo và sử dụng tốt đội ngũ cán bộ; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chế đối với hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở và tăng cường công tác quản lý Nhà nước.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về văn hóa và nhiệm vụ phát triển văn hóa gắn liền với phát triển kinh tế, ổn định chính trị, an sinh xã hội. Phát huy tính chủ động, tích cực, nỗ lực của người dân và vai trò tự quản của cộng đồng đối với sự nghiệp gìn giữ và phát triển văn hóa.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng các thiết chế văn hóa, kịp thời phát hiện, khắc phục những sai lệch, tiêu cực, có biện pháp giải quyết phù hợp và biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích tốt trong công tác.
NGUYỄN MINH PHÚC