Cần lắm sân chơi lành mạnh cho trẻ
Cả năm học phải chịu nhiều áp lực từ việc học hành, thi cử, nên mỗi khi mùa hè đến là lúc trẻ em mong muốn được thỏa thích vui chơi, giải trí. Thế nhưng, lâu nay có một thực tế là sân chơi có ý nghĩa và an toàn cho trẻ em từ quê ra phố đều thiếu.
Tắm sông - trò tiêu khiển phổ biến của trẻ em nông thôn. |
THIẾU SÂN CHƠI TỪ QUÊ RA PHỐ
Nhiều ý kiến cho rằng nông thôn đất rộng, người thưa làm gì có chuyện trẻ em thiếu sân chơi. Thực tế không phải vậy. Sân chơi cho trẻ em không chỉ đơn thuần là khoảng sân trước nhà. Một sân chơi lành mạnh cho trẻ em phải là nơi trẻ em có thể tham gia nhiều hoạt động vui chơi bổ ích, an toàn để giải trí và phát triển trí tuệ, kỹ năng.
Trong 10 năm qua, ngân sách tỉnh, cấp huyện và cấp xã đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao (gọi tắt là trung tâm) cấp huyện và Nhà văn hóa ở cấp xã, thế nhưng có một thực tế là có một số trung tâm và nhà văn hóa được xây dựng khang trang, song kết quả hoạt động chưa như mong đợi.
Các nhà văn hóa hay thư viện ở nông thôn hầu như không có sách, báo hoặc nếu có thì cũng chỉ là những đầu sách, báo cũ; một vài nơi có đầy đủ hơn thì cũng chỉ được mở cửa vào những thời điểm hiếm hoi. Hầu như các nhà văn hóa chỉ sử dụng làm hội trường, thế nên nơi này tuyệt nhiên không phải là điểm sinh hoạt, vui chơi của trẻ em.
Đến xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, gặp chị Võ Thị Bé Năm, ngụ ấp 5, được chị cho biết: “Ngày hè, ngày nghỉ, niềm vui của những đứa trẻ ở đây chỉ quanh quẩn trong nhà, trong xóm; nếu muốn con chơi trò chơi thì phải chở lên TX. Gò Công với quãng đường khá xa nên ít ai có điều kiện đưa con đi...”.
Đến các xã Long Hòa (TX. Gò Công), xã Yên Luông (huyện Gò Công Tây), chúng tôi thấy Nhà văn hóa của xã rộng thênh thang, nhưng cũng giống như một số nơi khác là tình trạng cửa đóng then cài. Thiếu sân chơi lành mạnh, trẻ em nông thôn thường tụ tập chơi các trò chơi ngay dưới bóng cây to trong xóm, bờ sông, hiên nhà...
Trẻ em thiếu sân chơi không chỉ xảy ra ở nông thôn, mà ngay ở thành thị tình trạng này cũng khá gay gắt. Ngoài TX. Gò Công, thị trấn Chợ Gạo và TP. Mỹ Tho thì các địa phương, cơ sở khác hầu như chưa có công viên cây xanh. Trong khi đó, phụ huynh những nơi có công viên cũng ngán ngại việc đưa trẻ ra chơi vì sợ con chứng kiến những hình ảnh thiếu lành mạnh của các đôi nam nữ làm ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ.
Một số nơi có điểm vui chơi phục vụ trẻ em nhưng chỉ lèo tèo vài món hoặc không an toàn. Thế nên, hầu hết thời gian trong ngày hè, ngày cuối tuần của trẻ em thành phố là đến những lớp học thêm hoặc những điểm giữ trẻ.
Thiếu sân chơi cho trẻ em là một thực trạng được khẳng định trong Báo cáo sơ kết hoạt động chăm sóc trẻ em giai đoạn 2010 - 2015 của tỉnh: “Việc chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho trẻ em hiện chưa đáp ứng được nhu cầu cho trẻ em trong tình hình mới, các điểm vui chơi đúng nghĩa dành cho trẻ em chưa được đầu tư nhiều...”.
HẬU QUẢ KHÔN LƯỜNG
Trò chơi của trẻ em nông thôn thường chỉ là leo cây hoặc tắm sông... Đây là những nguy cơ tiềm ẩn có thể dẫn đến tai nạn, thương tích cho trẻ em trong hè, đặc biệt là tai nạn đuối nước. Mỗi năm toàn tỉnh ghi nhận hàng trăm trường hợp tai nạn thương tích trẻ em, trong đó có nhiều trường hợp trẻ em chết đuối, nguyên nhân chủ yếu là do tắm sông, rạch. Gần đây nhất là trường hợp 2 học sinh bậc THCS ở xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy đến tắm sông ở xã Long Trung đã bị chết đuối.
Ở TP. Mỹ Tho và trung tâm các huyện trong tỉnh, vào những ngày hè có không ít trẻ em chọn lòng đường, tiệm Internet hay dán mắt vào màn hình ti vi, điện thoại thông minh để vui chơi, giải trí vì không còn lựa chọn nào khác, dẫn đến đã có không ít trẻ em trở thành con nghiện game online với những trò chơi bạo lực và đã dẫn đến phạm tội.
Đã từng xảy ra trường hợp 3 học sinh nam ở xã Long An, huyện Châu Thành bị phát hiện đang đói lã tại khu vực cống Bảo Định và khai dối là bị cha mẹ ngược đãi nên bỏ nhà ra đi. Cán bộ ngành LĐ-TB&XH đưa 3 em đến Trung tâm Công tác xã hội tỉnh nuôi dưỡng, sau đó điều tra nhân thân thì mới phát hiện sự thật. Do nghiện game, H. (học lớp 6) lấy cắp điện thoại của chủ tiệm Internet đem bán để lấy tiền chơi.
Bị chủ tiệm mắng, H. liền rút dao thủ sẵn trong người ra uy hiếp con gái của chủ tiệm và buộc chủ tiệm đưa 500.000 đồng để đi chuộc lại điện thoại. H. bị những người dân gần đó giật dao và đuổi đi. Sợ bị thông báo cho gia đình biết nên H. rủ 2 bạn nghiện game khác là T. (học lớp 4) và N. (học lớp 3) đến khu vực cống Bảo Định lẩn tránh, không dám về nhà.
Vui chơi là một nhu cầu tự nhiên không thể thiếu đối với trẻ. Khi người lớn không đáp ứng được nhu cầu vui chơi lành mạnh để rèn luyện sức khỏe cho trẻ thì trẻ sẽ tìm đến các trò chơi khác. Không cho các em ra ngoài đường, bị “nhốt” trong nhà thì các em chỉ biết xem ti vi, chơi trò chơi điện tử. Một bộ phận trẻ sẽ bị phát triển lệch lạc vì ảnh hưởng từ các trò chơi bạo lực, trò chơi vô bổ.
Lâu nay, khẩu hiệu “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” đã thể hiện trách nhiệm của cả dân tộc đối với thế hệ tương lai. Tuy nhiên, thiếu sân chơi lành mạnh cho trẻ em là nỗi bức xúc của các bậc phụ huynh và toàn xã hội, thế nhưng vấn đề này dường như vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Nguyên nhân chính khiến việc thiếu sân chơi cho trẻ được nói đến nhiều nhưng vẫn chưa có nhiều chuyển biến là do nhận thức. Chúng ta chưa để ý hoặc chưa nhận thức đúng về sự cần thiết phải có sân chơi cho trẻ, do đó chưa có quy hoạch hợp lý. Các địa phương chỉ quan tâm đến vấn đề phát triển kinh tế mà chưa chú ý đến việc xây dựng các địa điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em.
Trong việc tạo sân chơi tích cực dành cho trẻ em để giúp các em phát triển toàn diện không chỉ đơn thuần là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, mà cần hướng đến cộng đồng một cách rộng rãi hơn. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể xã hội.
MAI HÀ