Thứ Tư, 28/10/2015, 15:57 (GMT+7)
.

Không còn người ăn xin - đô thị sẽ đẹp hơn

Ông cha ta đã nói: “Đói cơm, rách áo, hóa ra ăn mày!”. Ăn xin là một sự bất đắc dĩ đối với những người có lòng tự trọng, nhưng hiện nay có một số đối tượng không phân biệt giới tính, trẻ, già… đã lợi dụng lòng tốt của mọi người mà bày ra lắm trò lừa bịp; tạo ra hình ảnh nhếch nhác trên đường, làm giảm đi cái đẹp của đô thị văn minh.

Ảnh chụp lúc 10 giờ 59 phút ngày 9-8-2015 tại ngã tư Hùng Vương - Thủ Khoa Huân.
Ảnh chụp lúc 10 giờ 59 phút ngày 9-8-2015 tại ngã tư Hùng Vương - Thủ Khoa Huân.

Ăn xin thời @

Trước kia chúng ta thấy những người ăn xin già yếu, tật nguyền, què quặt, ghẻ lở... họ cất lên những lời van xin, kể lể về cuộc đời bất hạnh của mình đầy ai oán để mong được sự chia sẻ từ lòng từ tâm, bác ái của người đi đường. Những người cùng đường, họ coi việc ăn xin là lối thoát cuối cùng để có cái sinh nhai.

Thế nhưng, ngày nay có không ít người lười biếng đã “núp bóng” nghèo khổ, giả tàn tật để ăn mày lòng nhân từ. Cuộc sống phát triển, nhưng người nghèo khổ, bệnh tật vẫn còn nên những người ăn xin vì hoàn cảnh vẫn có, và “nghề” ăn xin hiện đại hơn.

Người ăn xin tự trang bị cho mình một dàn âm thanh mini, ghi âm sẵn lời van xin, thuyết pháp, nhiều người có cả micro để hát… vừa để đỡ nhọc nhằn, vừa lấn át những tạp âm để người đi đường nghe và “lay động” lòng nhân từ.

 Ăn xin thời @.
Ăn xin thời @.

Nhiều lần đi ngang chợ Cũ (phường 8, TP. Mỹ Tho), chúng tôi thấy người đàn ông nằm sấp trên chiếc xe cải tiến, có dàn âm thanh mini với một bình ắc qui, một loa nhỏ phát ra những lời giảng kêu gọi lòng nhân đạo; một tay anh ta cầm cái ca nhựa, tay còn lại có lót miếng cao su để chống xuống mặt đường “bơi” đi. Trên đầu trùm chiếc khăn cũ kỹ che kín gương mặt, cứ mỗi lần ai đó bỏ tiền vào ca là anh ta lấy ngay nhét vào túi quần.

Ở chợ hẻm (phường 4, TP. Mỹ Tho), thỉnh thoảng có một phụ nữ ngoài 60 tuổi, lành lặn chân tay, đôi mắt hi hí mở giống như mù. Bà ta đi bộ, vai mang vác các phương tiện để hành nghề: Bình ắc qui, âm li mini, túi xách..., 1 tay cầm micro không dây hát những bài nhạc trữ tình, 1 tay cầm nón lá lật ngửa.

Phản cảm với hình Ảnh ăn xin

Một số người lấy trẻ con làm phương tiện để “hành nghề” ăn xin. Ở các ngã tư trong TP. Mỹ Tho thường thấy một người phụ nữ khác ngồi với đứa trẻ đầu to khác thường; một người phụ nữ với 2 đứa trẻ chừng vài tháng đến 3 tuổi, lam lũ dưới nắng bên cạnh chiếc thau nhựa cũ mèm.

Sáng sớm, hoặc tối, những thực khách ở quán cà phê, quán ăn ven đường thường bị những đứa trẻ đen đúa, ăn mặc nhếch nhác kề ca nhựa xin tiền, có đứa nhì nhằng, dai dẳng làm cho thực khách nuốt không vô.

Đêm rằm tháng 7 âm lịch vừa rồi, trước cổng chùa Vĩnh Tràng khá nhiều đệ tử “cái bang” với nhiều hình thức ăn xin khác nhau, nhưng có tới 4 người ôm trẻ con chừng vài tháng tuổi nằm ngủ li bì trên tay, có người đi, có người lết dưới đất…, càng thê thảm thì “hiệu quả” càng cao.

Tại một ngôi chùa khác, một phụ nữ trẻ, xanh xao, dập đầu xuống đất rất lâu trước tượng Phật Quan Âm, bên cạnh là đứa trẻ lem luốc khóc ngằn ngặt. Chúng tôi đã kêu đứng lên và cho vài chục ngàn đồng, cô ta thố lộ: “Em khổ lắm, mới sanh, chồng theo vợ bé. Từ Đồng Nai em vào đây tìm việc làm nhưng con còn nhỏ quá không ai mướn…”.

Thấy đứa bé nằm dưới đất, một bác lớn tuổi xót lòng: “Bồng cháu lên để hơi đất không tốt cô à”. Và bà móc túi cho 50 ngàn đồng, vài người hiếu kỳ đứng nhìn rồi cũng có khá nhiều người đặt tiền vào tay người mẹ trẻ. Khi chúng tôi bước đi, có người khều tay bảo: “Nó xạo đó! Nó với một đám nữa mướn nhà trọ gần ngoài Bến xe Tiền Giang đó cô!”. Giả hay thật nhưng thấy hình ảnh đứa trẻ vô tội thì ai ai cũng xót xa.

Người phụ nữ và đứa trẻ ở một góc sân chùa.
Người phụ nữ và đứa trẻ ở một góc sân chùa.

Mùa Vu lan báo hiếu, vậy mà ở góc ngã 4 đường Nguyễn Trãi - Hùng Vương, một bà lão quắt queo vẫn ngồi dưới nắng gió, nhai trầu và ngửa tay xin tiền lẻ. Hỏi bà tên gì, ở đâu, có con cái gì không? Bà chỉ nói: “Già rồi không làm ra tiền, để không phiền con cháu nên ra đây xin bà con cho ít tiền để mua cơm, mắm muối sống qua ngày mà không ai kể ơn!”. Chúng tôi đắng lòng nhớ tới câu ca: “…Một bông hồng cho anh... cho những ai đang còn mẹ…”.

Xin ăn, dù là giả dạng hay vì hoàn cảnh khốn cùng đi chăng vẫn là những hình ảnh phản cảm, làm giảm đi giá trị văn hóa của một đô thị văn minh, chưa kể đến những hình ảnh trẻ em chèo kéo du khách nước ngoài để xin tiền (thường xảy ra trước cổng chùa Vĩnh Tràng).

Ông Phan Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội  (LĐ-TB&XH) cho biết: “Sở LĐ-TB&XH cũng đã tham mưu cho HĐND tỉnh và năm 2013, UBND tỉnh có công văn chỉ đạo cho Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị, thành toàn tỉnh nếu địa bàn nào có người ăn xin thì chủ động đưa họ về Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) Tiền Giang.

Chúng tôi cũng đã làm việc với cơ quan này, nơi đây sẽ tiếp nhận và sàng lọc: Người ăn xin nước ngoài sẽ liên hệ đến đại sứ quán của nước đó làm thủ tục đưa về nước; người trong nước nếu vô gia cư thì tiếp nhận nuôi dưỡng, nếu có gia đình thì đưa về địa phương kiểm điểm trước dân.

Nếu như cá nhân, tổ chức nào phát hiện người ăn xin hãy liên hệ đường dây nóng 0733 861 861, chúng tôi sẽ đến tận nơi để vận động, đưa họ về Trung tâm BTXH nhằm đảm bảo trật tự xã hội, văn minh đô thị...”.

ÁI QUỲNH

.
.
.