Những giải pháp nâng cao chất lượng công tác dân vận
Nhân kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống công tác dân vận, phóng viên Báo Ấp Bắc đã lược ghi ý kiến của một số cán bộ có nhiều năm gắn bó với công tác vận động quần chúng về những kinh nghiệm, tâm tư, nguyện vọng cũng như kỳ vọng vào các cấp ủy nhiệm kỳ mới sẽ đưa ra nhiều giải pháp nhằm tiếp tục nâng chất công tác dân vận trong thời gian tới.
* ÔNG LÊ DŨNG, CHỦ TỊCH HỘI CỰU CHIẾN BINH (CCB) TỈNH: Quan tâm nâng chất đội ngũ cán bộ khối Dân vận
Những năm qua, Hội CCB các cấp luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tích cực thực hiện công tác “Dân vận khéo” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo Bác “Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ.
Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi người dân hiểu rõ rằng việc đó là lợi ích cho họ và là nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được. Trong lúc thi hành thì cần phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân. Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng…”.
Trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, cán bộ, hội viên đã phát huy truyền thống, bản chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, làm gương và tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần nâng cao nhận thức về vai trò chủ thể của nhân dân và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Tôi kỳ vọng các cấp ủy trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 sẽ có nhiều quyết nghị mang tính đột phá nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển và làm tốt công tác dân vận hơn nữa. Đặc biệt, các cấp ủy cần quan tâm nâng chất đội ngũ cán bộ khối Dân vận, nhất là cán bộ làm công tác dân vận ở cơ sở, tạo điều kiện để cấp cơ sở có điều kiện làm việc tốt hơn, bởi khi điều kiện làm việc tốt thì cán bộ mới tập trung nghiên cứu để có nhiều phương thức, cách làm hay, phát huy tối đa vai trò dân vận khéo.
* BÀ NGUYỄN THỊ LAN, PHÓ BÍ THƯ THÀNH ỦY MỸ THO: Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo công tác dân vận
5 năm qua, công tác dân vận luôn được các cấp ủy quan tâm lãnh đạo, kịp thời đưa ra nhiều chủ trương, giải pháp giải quyết những bức xúc của nhân dân; nhiều hình thức tuyên truyền mới được khối Dân vận các cấp áp dụng phù hợp với từng đối tượng, ngành nghề và các phong trào thi đua yêu nước đã được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng, nhất là thông qua phong trào “Dân vận khéo” đã tác động đến nhiều người dân tự nguyện hiến đất, hoa màu, ngày công xây dựng giao thông nông thôn và các tiêu chí của Chương trình xây dựng nông thôn mới…
Có thể nói, trong điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn nhưng cán bộ khối Dân vận đã không ngại khó, nỗ lực rất lớn để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Các cấp ủy trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 của thành phố sẽ tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo công tác dân vận, bám sát những địa bàn bức xúc, thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hoặc kiến nghị lên cấp trên có chủ trương, biện pháp để cán bộ làm công tác dân vận an tâm công tác, tỷ như về kinh phí hoạt động, nhân sự, tiền phụ cấp...
* ÔNG NGUYỄN THANH HỒNG, TRƯỞNG BAN DÂN VẬN HUYỆN ỦY GÒ CÔNG TÂY: Xây dựng và nhân rộng nhiều điển hình dân vận khéo
Để hoạt động dân vận chính quyền hiệu quả thì mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nâng cao ý thức thực hiện tốt đạo đức công vụ, gương mẫu, trách nhiệm trong công việc, không gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân…
Nhận thức được điều này, những năm qua, Ban Dân vận Huyện ủy và hệ thống dân vận cấp cơ sở tham mưu cho cấp ủy ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”, “Dân vận chính quyền”, tác động tích cực đến hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” hay Chương trình xây dựng nông thôn mới… Qua đó xuất hiện nhiều điển hình dân vận khéo, cần nhân rộng trong thời gian tới.
Qua thực hiện công tác vận động quần chúng ở địa phương, nhận thấy bà con còn lo lắng do chưa có nguồn nước ngọt quanh năm để phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Về vấn đề này, lãnh đạo tỉnh có chủ trương sẽ đưa nước ngọt từ sông Bảo Định qua kinh Chợ Gạo phục vụ khu vực Gò Công. Bà con mong mỏi chủ trương này sớm thành hiện thực.
* BÀ HUỲNH THỊ HỒNG CÚC, PHÓ BÍ THƯ ĐẢNG ỦY XÃ LONG AN: Cần mở thêm nhiều lớp tập huấn về công tác dân vận
Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Long An, huyện Châu Thành luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, thống nhất, tạo nên sức mạnh tổng hợp, từng bước đưa xã Long An phát triển toàn diện, trong đó phải kể đến công lao của những cán bộ làm công tác dân vận.
Cán bộ khối Dân vận của xã luôn gắn bó với người có uy tín ở các ấp và đã nỗ lực thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, là tiền đề quan trọng để xã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm.
Đặc biệt, từ khi Long An được chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới, vai trò của cán bộ làm công tác dân vận càng được phát huy trong việc vận động nhân dân thực hiện, hoàn thành 19 tiêu chí, dự kiến tổ chức lễ ra mắt xã nông thôn mới vào dịp kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống công tác dân vận 15-10.
Hiện nay, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận của xã Long An không nhiều, trong khi công việc rất nặng nề, đòi hỏi cán bộ làm công tác dân vận phải nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vừa phải khôn khéo vận dụng tuyên truyền sao cho dân hiểu, dân tin và làm theo.
Thế nhưng, thời gian qua đội ngũ này ít được tham dự các lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác dân vận, chủ yếu tự mày mò học hỏi. Vì lẽ đó, tôi mong mỏi thời gian tới lãnh đạo cấp trên mở nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ công tác dân vận để cán bộ tự tin, làm tốt nhiệm vụ được giao.
THU HOÀI (lược ghi)