Thứ Hai, 23/11/2015, 09:21 (GMT+7)
.

GS. Đào Trọng Thi nói về việc tích hợp môn Lịch sử

Cả thế giới đã chứng minh dạy tích hợp là một phương pháp tiên tiến, nhưng người ta cũng không nói cái gì cũng có thể tích hợp và tích hợp bất cứ lúc nào… Phải lựa chọn những nội dung nào có thể tích hợp. Mục đích nào thì tích hợp môn học và mục đích nào thì phải độc lập, riêng rẽ. Có những kiến thức rất chuyên sâu thì không thể tích hợp. Có những môn học, mảng kiến thức không thể tích hợp.

Giáo sư Đào Trọng Thi. Ảnh: VGP/Phương Liên
Giáo sư Đào Trọng Thi. Ảnh: VGP/Phương Liên

Xung quanh những luồng ý kiến khác nhau về việc có nên tích hợp môn Lịch sử với các môn học khác hay không, GS. Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã dành cho Báo Điện tử Chính phủ cuộc trao đổi thú vị.

Theo GS. Đào Trọng Thi, mục tiêu cuối cùng của giáo dục là đào tạo con người có phẩm chất, năng lực để giải quyết các vấn đề đặt ra trong cuộc sống. Do đó, phương pháp giáo dục nào đạt được mục đích đó nhanh nhất, hiệu quả nhất thì nên áp dụng.

Thưa ông, hiện nay rất nhiều ý kiến cho rằng môn Lịch sử với sứ mệnh quan trọng của mình phải tồn tại độc lập như  từng có. Quan điểm của ông về điều này?

GS. Đào Trọng Thi: Tôi thấy rằng đặt vấn đề Lịch sử là môn học độc lập hay tích hợp không phải cách đặt vấn đề hợp lý.

Chúng ta đang tập trung cho việc đạt mục tiêu giáo dục là phát triển năng lực, phẩm chất người học chứ không phải chỉ truyền thụ kiến thức. Phẩm chất năng lực liên quan đến môn Lịch sử theo tôi đó là phải giáo dục được lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm của thế hệ trẻ với Tổ quốc, xã hội, cộng đồng, góp phần hình thành nhân cách học sinh. Để đạt mục tiêu đó chúng ta phải cung cấp một khối lượng kiến thức, kỹ năng tổng hợp, trong đó môn Lịch sử là nhóm kiến thức rất quan trọng.

Nếu nhóm kiến thức đó quan trọng thì phải bắt buộc phải có, phải được truyền thụ, đặc biệt là lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc ta, nó có vai trò rất lớn để giáo dục lòng yêu nước, quá trình bảo vệ, duy trì và sự tồn vong của một quốc gia.

Vấn đề đặt ra là chúng ta dùng hình thức nào để truyền thụ được kiến thức lịch sử cho học sinh, nhờ đó, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống dân tộc, giáo dục tinh thần trách nhiệm trước Tổ quốc, xã hội.

Môn Lịch sử hay kiến thức lịch sử không phải là mục đích giáo dục, nó chỉ là công cụ, phương tiện để giáo dục những điều đó.

Kiến thức lịch sử có thể kết hợp với kiến thức văn học để giáo dục lịch sử văn hóa, kết hợp với địa lý để có lịch sử địa lý, lãnh thổ quốc gia hoặc kết hợp với quốc phòng-an ninh để có những bài học về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, các bài học về quân sự…

Nếu kiến thức lịch sử kết hợp với kiến thức của các môn học khác để hình thành một khối kiến thức tổng hợp, thành kỹ năng, nhận thức, phẩm chất để con người sử dụng nó giải quyết các vấn đề của công việc, cuộc sống và đạt mục tiêu là giáo dục lòng yêu nước thì chúng ta đã đạt được mục tiêu cao nhất của giáo dục.

Tôi xin khẳng định lại một lần nữa, môn Lịch sử không phải mục tiêu của một nền GD, kể cả môn Lịch sử có còn là môn học độc lập hay không.

Thưa Giáo sư, tích hợp là một phương pháp giáo dục hoàn toàn mới tại Việt Nam. Có lẽ đó là lý do khiến nhiều người lo ngại khi Bộ GD&ĐT cho biết sẽ áp dụng nó. Những người chưa thấy được hiệu quả, giá trị của hình thức giáo dục mới này có quyền nghi ngờ và lo lắng cho sự tồn vong của một môn học. Xin Giáo sư cho biết ý kiến của mình.

GS. Đào Trọng Thi: Nếu ai đó lo ngại rằng khi môn Lịch sử không tồn tại độc lập nữa, học sinh sẽ coi nhẹ, không học và như vậy lịch sử dân tộc sẽ bị lãng quên thì hãy chứng minh. Khi anh đưa ra nhận định anh phải có lập luận, cơ sở thực tế để chứng minh môn Lịch sử phải tồn tại độc lập thì mới giáo dục được lòng yêu nước và truyền thống dân tộc. Nhưng như tôi đã nói ngay từ đầu, bản thân môn Lịch sử không phải là mục đích của nền giáo dục, do đó áp đặt nó phải tồn tại như một môn học độc lập là không khoa học.

Vấn đề là bây giờ, những người làm chương trình phải chứng minh được “làm tích hợp sẽ tốt, hiệu quả, đạt mục tiêu đào tạo năng lực phẩm chất người học hiệu quả hơn là môn học độc lập”.

Có thể có một số chuyên gia phản biện “Không! Anh làm tích hợp không hiệu quả bằng tôi làm độc lập” nhưng phải chứng minh điều đó. Các nhà khoa học phải chứng minh bằng khoa học, chứ không thể áp đặt bằng định kiến, cảm tính.

Những người phản biện có quyền đòi hỏi Ban xây dựng chương trình chứng minh rằng làm tích hợp tốt hơn làm tổng thể.

Nếu từ những kinh nghiệm đã có mà những người xây dựng chương trình phân tích được thì tốt. Còn nếu chưa, thì như tôi đã nói, khi mình làm chương trình mới, SGK mới… những cái mới phải có thực nghiệm, thí điểm và qua quá trình làm trong thực tế phải chứng minh được tính hiệu quả, sự ưu việt; phải chứng minh được qua thực nghiệm trên thực tế giảng dạy, kết quả cho thấy tích hợp tốt hơn.

Đó chính là cơ sở, lý lẽ khoa học, là cách làm việc trong lĩnh vực khoa học, chứ không phải là việc áp đặt và định kiến ngay lập tức.

Đương nhiên, mọi người có quyền nghi ngờ và những người muốn đổi mới, thay đổi phải tìm đủ lý lẽ, kinh nghiệm từ nước ngoài và kết quả đã thực nghiệm trên thực tế  trong nước làm cơ sở chứng minh để thuyết phục. Tích hợp rõ ràng là một phương pháp mới nhưng phải thí điểm thực nghiệm trên thực tế.

Trong Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SKG phổ thông yêu cầu những nội dung phương pháp mới phải thực nghiệm. Cách thức thực nghiệm bây giờ cũng khác ngày xưa là thực nghiệm toàn bộ chương trình, tức là phải soạn xong chương trình, SGK mẫu rồi tiến hành thực nghiệm, sau đó tổng kết. Chúng ta dạy thực nghiệm mất gần 10 năm, từ lớp 1 đến cấp 2.

Còn bây giờ, theo cách tiếp cận mới quan điểm mới về phương pháp GD, có thể thực nghiệm đồng thời trong quá trình xây dựng chương trình và viết SGK. Chúng ta không thực nghiệm toàn bộ chương trình, SGK vì chương trình, SGK mới này có những điều kế thừa từ chương trình cũ. Chúng ta chỉ thực nghiệm những nội dung mới đưa vào, những phương pháp mới sẽ áp dụng.

Và  riêng trong trường hợp này thì tích hợp chính là một cái rất mới. Nội dung mới tức là không dạy Địa lý, Lịch sử riêng nữa mà lựa chọn những kiến thức có liên quan có thể hỗ trợ, kết hợp với nhau thành một bài giảng, bài học, chương trình giáo dục.

Cá nhân ông có ủng hộ phương pháp giáo dục mới này?

GS. Đào Trọng Thi: Quốc hội đã ra nghị quyết xác định sẽ tăng cường dạy tích hợp. Nhưng điều đó không có nghĩa là dạy tích hợp một cách mù quáng.

Cả thế giới đã chứng minh dạy tích hợp là một phương pháp tiên tiến, nhưng người ta cũng không nói cái gì cũng có thể tích hợp và tích hợp bất cứ lúc nào… Phải lựa chọn những nội dung nào có thể tích hợp. Mục đích nào thì tích hợp môn học và mục đích nào thì phải độc lập, riêng rẽ. Có những kiến thức rất chuyên sâu thì không thể tích hợp. Có những môn học, mảng kiến thức không thể tích hợp.

Tóm lại quan điểm của tôi là tích hợp hay độc lập chỉ là phương tiện để đạt mục đích giáo dục. Là hình thức để đạt được nội dung. Do đó, phương pháp nào hiệu quả, phù hợp thì chúng ta lựa chọn.

Điều đó cũng phù hợp với quan điểm của Đảng ta là chuyển từ truyền thụ kiến thức sang đào tạo con người có năng lực phẩm chất. Mà năng lực phẩm chất không thể là kiến thức của một ngành nào cả, nó phải là kiến thức tổng hợp của nhiều ngành kết hợp lại một cách logic, thành một khối, ngấm vào con người, hình thành phẩm chất, kỹ năng chứ không phải là những mảng màu lắp ghép một cách cơ học và rời rạc. Chúng ta sẽ phải vận dụng kiến thức tổng hợp của rất nhiều lĩnh vực mới có khả năng giải quyết một vấn đề.

Câu chuyện vẫn còn ở phía trước, chưa thể nói được ngay là tích hợp tốt hơn hay độc lập mới đúng. Vì bây giờ Ban xây dựng chương trình mới đưa ra môn học, chưa nói cụ thể nó sẽ như thế nào, ra sao. Vì vậy,  chúng ta cũng không thể chủ quan, duy ý chí để quy kết nó là không tốt.

Mục đích của chúng ta không phải giữ các môn học. Không có môn học nào là “bắt buộc phải tồn tại cả”. Chúng ta cần con người có phẩm chất năng lực. Để có phẩm chất, kỹ năng phải có kiến thức và cách thức vận dụng kiến thức đó. Chúng ta có thể dùng nhiều phương pháp khác nhau như tích hợp, liên môn… cái nào đạt được mục đích GD thì chúng ta làm. Nếu dạy độc lập không đạt hiệu quả thì môn học tồn tại độc lập cũng không để làm gì.

Chúng ta không cần chứng minh rằng chúng ta giữ được môn Lịch sử và môn Lịch sử của chúng ta thật hoành tráng. Chúng ta không cần sinh viên của mình làu thông sử sách mà cần những con người có lòng yêu nước, có trách nhiệm với đất nước, hiểu được truyền thống dân tộc. Với thời lượng học như thế, con người như thế mà chúng ta đạt được việc xây dựng phẩm chất, năng lực thì phương pháp dạy học nào đạt được mục đích giáo dục, chúng ta nên áp dụng.

Xin cảm ơn Giáo sư!

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.