Thứ Tư, 25/11/2015, 10:55 (GMT+7)
.

Làm thế nào để hạn chế giấy phép lái xe giả?

Hiện tượng một bộ phận người dân sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) giả trong quá trình điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong những năm gần đây đang có chiều hướng gia tăng, gây ra mối quan ngại cho xã hội về hệ lụy kéo theo khi người tham gia giao thông không được trang bị kiến thức về đảm bảo an toàn giao thông, vì đây là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra tai nạn giao thông  (TNGT)…

GPLX giả bị lực lượng chức năng phát hiện.
GPLX giả bị lực lượng chức năng phát hiện.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC67), Công an Tiền Giang (CATG), qua 4 năm thực hiện Nghị quyết 88/NQ-CP ngày 24-8-2011 của Chính phủ, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) tỉnh đã phát hiện và xử lý 2.340 trường hợp sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp (GPLX giả).

Riêng trong tháng 9 vừa qua, trong công tác phối hợp Công an huyện Châu Thành thực hiện Kế hoạch chuyển hóa địa bàn phức tạp về an ninh trật tự xã Tân Hương (huyện Châu Thành) đã phát hiện 3 trường hợp sử dụng GPLX giả.

Năm 2014, thông qua công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự ATGT và công tác điều tra giải quyết TNGT, lực lượng CSGT đã phát hiện 500 trường hợp GPLX ô tô và mô tô giả (hình giả, giả chữ ký, giả mẫu giấy…).

Thủ đoạn làm GPLX giả chủ yếu bằng phương pháp in lưới và in phun màu (không có GPLX photo màu). Hình dấu, chữ ký không đóng dấu trực tiếp mà giả phương pháp in. Đối với GPLX tẩy xóa, sửa chữa nội dung, đối tượng chủ yếu sử dụng GPLX thật rồi tẩy xóa bằng phương pháp cơ học, hóa học, sau đó in lại nội dung mới cho phù hợp với việc điều khiển…

Trung tá Đặng Văn Cường, Đội trưởng Đội Tham mưu (Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATG) nhận xét: Qua phân tích, hầu hết các đối tượng sử dụng GPLX giả phần lớn ít hiểu biết về pháp luật, bị lừa gạt mua GPLX giả nên có nhiều trường hợp khi bị cơ quan Công an phát hiện bắt giữ mà họ vẫn chưa biết mình vi phạm pháp luật; một số người có trình độ học vấn thấp, ít có điều kiện để thi GPLX, hoặc là ngại việc học Luật Giao thông đường bộ.

Thêm vào đó, một số đối tượng xấu “chào, mời” hoặc “hứa hẹn” về việc giúp thi lấy GPLX hoặc bán GPLX nên họ mua GPLX giả với giá khoảng dưới 1 triệu đồng trở lại (loại A1). Các trường hợp sử dụng GPLX giả thường khai nhận mua ở các quán cà phê, ở các thành phố lớn nên gây khó khăn trong việc xử lý đối tượng cầm đầu tổ chức làm GPLX giả.

Nguy hiểm nhất là có không ít người mua GPLX giả để đối phó với lực lượng CSGT khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà không hề nghĩ đến hậu quả khi không biết gì về các quy định về bảo đảm an toàn giao thông…

Ông Huỳnh Văn Nguyện, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết thêm, trước đây cán bộ của đơn vị cũng đã phát hiện trường hợp GPLX giả khi người sử dụng làm hồ sơ xin cấp lại GPLX mới. Để phát hiện, cán bộ của bộ phận nghiệp vụ in mẫu GPLX thường kiểm tra, đối chiếu với hồ sơ lưu trong máy tính thì sẽ dễ dàng phát hiện.

Thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã triển khai cấp, đổi GPLX từ có bọc nilon sang GPLX loại thẻ nhựa (PET). Tuy nhiên, mẫu mới này vẫn bị các đối tượng làm giả cực kỳ tinh vi, bằng mắt thường rất khó phân biệt. Vì thế việc phát hiện, xử lý hành vi này gặp không ít khó khăn.

Để hạn chế tình trạng sử dụng, tiêu thụ GPLX giả, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (CATG) đã và đang triển khai thực hiện nhiều biện pháp tập trung xử lý người điều khiển phương tiện sử dụng GPLX giả. Đơn vị đã trang bị các công cụ hỗ trợ như đèn cực tím, kính lúp cho các tổ tuần tra kiểm soát, các đội tuyên truyền - điều tra giải quyết TNGT để sử dụng trong việc phát hiện xử lý GPLX giả.

Bộ phận tuyên truyền của đơn vị đã phổ biến, hướng dẫn, giáo dục người dân về phương thức, thủ đoạn của bọn môi giới mua bán, làm giả GPLX để người dân cảnh giác không tiếp tay bọn tội phạm; đồng thời tố giác với cơ quan chức năng kịp thời xử lý khi phát hiện.

Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Phòng Kỹ thuật hình sự thực hiện các kế hoạch liên tịch của Ban Giám đốc CA tỉnh về việc tăng cường công tác kiểm soát, điều tra xử lý hành vi làm giả, tiêu thụ, sử dụng GPLX giả điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ.

Những trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà sử dụng GPLX giả khi bị phát hiện sẽ bị tạm giữ người, phương tiện và các phòng nghiệp vụ nêu trên sẽ điều tra, làm rõ mục đích hành vi sử dụng GPLX giả cùng nguồn gốc cung cấp. Tùy theo mức độ của hành vi sử dụng, tiêu thụ GPLX giả mà các đối tượng này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự bên cạnh bị xử phạt hành chính.

Hành vi sử dụng GPLX giả điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, đặc biệt đối với phương tiện vận chuyển hành khách là nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe con người, thiết nghĩ các ngành chức năng cần tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về công tác giám định để Công an các địa phương thuận lợi trong việc giám định xử lý GPLX giả; đồng thời kiến nghị khi sửa đổi, bổ sung Nghị định 34/CP nên tăng hình thức phạt tiền và phạt bổ sung các trường hợp sử dụng GPLX giả để giáo dục răn đe, phòng ngừa chung.

NGUYỄN HỮU

* Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông bằng xe cơ giới phải có GPLX và các loại giấy tờ theo quy định.

Với trường hợp người điều khiển phương tiện sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ bị lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trên đường kiểm tra, lập biên bản xử lý.

Cụ thể, theo Khoản 5, Điều 21 của Nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, mức phạt tiền từ 800.000 - 1.200.000 đồng và áp dụng hình thức bổ sung tịch thu GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp (Theo Khoản 8, Điều 21, Nghị định 171/2013/NĐ-CP). Ngoài ra, bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ phương tiện đến 7 ngày (theo Điểm h, Khoản 1, Điều 75, Nghị định 171/2013/NĐ-CP).

Bên cạnh đó, Điều 49, Khoản 9, Thông tư 46/2012/TT-BGTVT (sửa đổi, bổ sung bằng Thông tư 38/2013/TT-BGTVT) quy định: “9. Người giả khai báo mất hoặc tẩy xóa, làm sai lệch các thông tin trên GPLX; sử dụng GPLX hoặc hồ sơ lái xe giả; có hành vi cố tình gian dối khác để được đổi, cấp lại, cấp mới GPLX, ngoài việc bị cơ quan quản lý GPLX ra quyết định thu hồi GPLX và hồ sơ gốc, còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và không được cấp GPLX trong thời hạn 5 năm kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm. Người có nhu cầu cấp lại GPLX phải học và sát hạch như trường hợp cấp GPLX lần đầu”.

 

 

.
.
.