Thứ Hai, 11/01/2016, 14:39 (GMT+7)
.

Giải quyết "đầu ra" của sản phẩm mới là vấn đề quan trọng

Xung quanh vấn đề phát triển vùng chuyên canh rau của huyện, những người trong cuộc mà chúng tôi trao đổi đều cho rằng: Châu Thành có lợi thế về truyền thống, thổ nhưỡng để phát triển vùng chuyên canh rau. Nhưng để duy trì và đi lên theo hướng bền vững thì giải cho ra “bài toán  đầu ra” của sản phẩm mới là khâu quan trọng.

ÔNG HUỲNH HỮU HÒA, PHÓ TRƯỞNG PHÒNG NN&PTNT HUYỆN CHÂU THÀNH: Khai thác lợi thế, hướng đến sản xuất an toàn, GAP

Châu Thành có điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, nguồn nước, người dân có truyền thống trồng rau lâu đời, hệ thống các cơ sở thu mua phát triển, vị trí lại nằm trên trục Quốc lộ 1, đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương và tới đây là Trung Lương - Cần Thơ nên có nhiều điều kiện phát triển và tiêu thụ rau. Hiện nay, rau của Châu Thành không chỉ cung cấp cho thị trường TP. Hồ Chí Minh mà còn cho các tỉnh, thành Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, thậm chí đến các tỉnh biên giới của Campuchia.

 

Thời gian gần đây, trồng rau theo xu hướng quy mô gia đình, công nghệ cao, sản xuất thủy canh… đang phát triển. Song, những mô hình trồng đó chỉ đáp ứng cho nhu cầu của hộ gia đình với số lượng ít. Còn đối với các loại rau đặc chủng như rau má, ngò gai, rau om, diếp cá, húng cây, mướp, bầu, bí… cung ứng với sản lượng lớn cho thị trường đáp ứng nhu cầu cho số lượng lớn người tiêu dùng, chế biến thực phẩm thì cần phải có các vùng rau lớn như Châu Thành mới có thể đáp ứng.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao để nâng cao chất lượng rau đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn. Với sự tác động của Nhà nước, theo các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, hiện nay huyện đang cùng với tỉnh nỗ lực xây dựng từng vùng sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, VietGAP để cung ứng cho thị trường.

 

ANH TRỊNH QUANG HIỀN, TỔ HỢP TÁC NGÒ GAI ẤP 3, ẤP 4 (XÃ TAM HIỆP): Việc liên kết sản xuất và tiêu thụ rau còn nhiều vấn đề cần giải quyết

Mặc dù thời gian qua, nhiều nông dân (ND) trồng ngò gai ở ấp 3 và ấp 4 đã cùng cơ sở thu mua rau hình thành được mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ.

Qua đó, cây ngò gai của ND đảm bảo có đầu ra ổn định, ND an tâm sản xuất. Sản phẩm ngò gai trong mô hình liên kết đảm bảo chất lượng cung ứng cho thị trường, an toàn cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, việc liên kết này vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra, cả về phía ND lẫn cơ sở thu mua. Đó là dù cơ sở thu mua hợp đồng với ND giá mua rau cố định trong 1 vụ, còn ND chỉ bán rau cho cơ sở thu mua; song khi giá rau cao, có một số ND không tuân thủ đầy đủ hợp đồng (bán 1 phần sản lượng rau thu hoạch ra bên ngoài); còn khi giá rau xuống thấp, cơ sở thu mua thường chậm trễ trong việc mua rau của ND để chờ giá, gây thiệt hại không nhỏ cho nhà nông. 

Tôi cho rằng, việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ là xu thế tất yếu, không có cách nào khác để ND có thể an tâm gắn bó với cây rau. Song, việc liên kết này còn nhiều việc phải làm: Làm sao để 2 bên thực sự gắn bó, chia sẻ lợi ích cũng như đảm bảo quyền lợi của nhau. Có như thế việc liên kết mới bền vững.

ÔNG PHAN THÀNH VĂN, PHÓ CHỦ TỊCH UBND XÃ TAM HIỆP: Cần nhân rộng nhiều mô hình liên kết với nhiều doanh nghiệp tham gia

 

Thời gian gần đây, với sự khuyến khích của Nhà nước về chuyển đổi cây trồng từ sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ngắn ngày, phong trào trồng rau trên nền đất lúa diễn ra khá mạnh trên địa bàn xã.

Và thực tế, sản xuất rau mang lại thu nhập cao hơn khoảng 2 lần so với trồng lúa, giúp nâng cao thu nhập người dân trong xã.

Cùng với đó, xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ rau qua hợp đồng giữa người sản xuất và doanh nghiệp, xã đã thành lập Tổ hợp tác rau ngò gai ấp 3, ấp 4 trên cơ sở mô hình liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ đã hình thành trước đó. Nhờ sự liên kết này mà thu nhập của người trồng ngò gai khá ổn định.

Như vậy, qua việc chuyển đổi cây trồng, hình thành tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ rau trên địa bàn mang lại hiệu quả đã tạo điều kiện thuận lợi cho xã hoàn thành 2 tiêu chí nông thôn mới về Hình thức tổ chức sản xuất và thu nhập.

Dù vậy, cũng cần nhìn nhận thực tế rằng, mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ ngò gai trên chỉ có quy mô 21,5 ha với 29 tổ viên, trong khi diện tích trồng rau trên địa bàn xã rất lớn với nhiều chủng loại rau.

Và giá cả các loại rau cũng khá bấp bênh, ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập người dân. Vì thế, cần thiết phải nhân rộng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ rau, kêu gọi nhiều doanh nghiệp (DN) vào tham gia liên kết với nhiều chủng loại rau khác nhau.

Thế nhưng, chính quyền cơ sở khó có thể kêu gọi DN vào liên kết tiêu thụ với nông dân (ND) mà chỉ có thể tập hợp những ND lại vào một tổ chức để liên kết với DN. Chúng tôi mong rằng, huyện, tỉnh, nhất là ngành Nông nghiệp hỗ trợ chúng tôi trong việc kêu gọi DN xúc tiến liên kết tiêu thụ rau với ND, tổ chức đại diện của ND; đồng thời ngành Nông nghiệp hỗ trợ chính quyền cơ sở đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật để ND sản xuất đảm bảo chất lượng; tuyên truyền nâng cao ý thức của ND trong việc tuân thủ hợp đồng tiêu thụ nông sản.

 

ÔNG DÂN PHAN VĂN CHÍNH, ẤP CỬU HÒA, XÃ THÂN CỬU NGHĨA: Sản xuất GAP không khó,
tiêu thụ ra sao mới quan trọng

Bây giờ trồng rau thuận lợi hơn ngày xưa rất nhiều do có nhiều chợ, nhiều thương lái thu mua hơn, đường sá vận chuyển rau cũng thuận tiện hơn. Dù vậy, giá cả của cây rau vẫn khá bấp bênh.

Hơn nữa, hiện nay yêu cầu về chất lượng rau ngày càng cao nhưng đầu ra cho sản phẩm rau an toàn, GAP thì vẫn chưa được bảo đảm. Vừa rồi có dự án đến triển khai mô hình sản xuất rau theo VietGAP, đầu tư đường sá và 1 tổ hợp tác đã được thành lập để sản xuất theo tiêu chuẩn này.

Đến nay, mô hình đã được chứng nhận VietGAP nhưng đầu ra cho cây rau VietGAP thì vẫn như những cây rau khác, trong khi yêu cầu sản xuất rất nghiêm ngặt.

Tôi cho rằng, những năm qua, nhiều mô hình, dự án sản xuất rau an toàn, GAP đã triển khai xuống dân; báo, đài cũng nói về việc này rất nhiều nên người dân cơ bản ý thức được việc cách ly phân, thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hoạch, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng… Theo tôi, việc sản xuất theo tiêu chuẩn này, tiêu chuẩn kia không phải vấn đề lớn.

Việc quan tâm hiện nay là đầu ra của sản phẩm an toàn, GAP. Nếu có được đơn vị bao tiêu sản phẩm với giá hợp lý thì nông dân sẽ sản xuất rau đáp ứng theo các tiêu chuẩn, yêu cầu của nhà thu mua ngay thôi.

NGÔ VĂN (thực hiện)

.
.
.