Thứ Sáu, 08/01/2016, 17:16 (GMT+7)
.

Ngân hàng "di động"?

Trên các tuyến đường, từ nông thôn đến thành thị, gần đây xuất hiện rất nhiều bảng giới thiệu: Vay vốn ngân hàng không cần thế chấp, lãi suất theo ngân hàng Nhà nước; hỗ trợ công nhân vay tiền không cần thế chấp... Thực hư hình thức cho vay này như thế nào?

Bảng hiệu giới thiệu cho vay không cần thế chấp xuất hiện rất nhiều không chỉ ở thành thị mà còn ở cả nông thôn.
Bảng hiệu giới thiệu cho vay không cần thế chấp xuất hiện rất nhiều không chỉ ở thành thị mà còn ở cả nông thôn.

Điểm mấu chốt của các bảng giới thiệu này là công bố cả lãi suất cho vay, đối tượng, điều kiện và cả số điện thoại liên hệ. Chúng tôi ghi nhận được tại bảng giới thiệu ở xã Long Bình Điền (huyện Chợ Gạo) với các nội dung: Lãi suất cho vay ưu đãi từ 1,4 - 2,9%/tháng (tương đương 16,8 - 34,8%/năm).

Đối tượng vay chỉ thỏa mãn 1 trong 4 điều kiện: Khách hàng đi làm hưởng lương từ 3 triệu đồng/tháng; sử dụng điện từ 300.000 đồng/tháng; tham gia bảo hiểm nhân thọ từ 1 năm trở lên; đã từng vay bên tổ chức tín dụng khác, góp xe, điện thoại 5 tháng trở lên... Và không quên để lại số điện thoại liên hệ là 0123880...

Không chỉ ở vùng nông thôn, mà ngay trên các tuyến phố của TP. Mỹ Tho cũng xuất hiện rất nhiều bảng giới thiệu cho vay như thế, được dán chủ yếu ở các trụ điện ở ngã tư đường... Thậm chí thông tin cho vay dạng này còn được in thành từng tấm thẻ nhỏ và rải vào nhà người dân.

Chẳng hạn, gần đây trên địa bàn TP. Mỹ Tho thường xuyên xuất hiện tấm thiệp nhỏ ghi Hỗ trợ công nhân vay tiền không cần thế chấp, với các nội dung: Ở trọ vẫn được vay, làm hồ sơ miễn phí. Điều kiện vay:  Tuổi từ 20 - 60, có thu nhập 3 triệu đồng/tháng. Hồ sơ vay gồm: Chứng minh nhân dân (CMND) + hộ khẩu nguyên cuốn (bản sao không cần công chứng) + hình và sao kê xác nhận 3 tháng lương gần nhất.

Thậm chí, tấm thiệp giới thiệu còn ghi: Bạn nào giới thiệu được 1 khách hàng được tặng 200K! (200.000 đồng - PV)... Tuy nhiên, tất cả các bảng giới thiệu cho vay đều có điểm chung là chỉ để lại số điện thoại di động mà không có địa chỉ trụ sở “ngân hàng” để người cần vay tiền có thể đến liên hệ trực tiếp.

Lần theo số điện thoại được dán công khai, chúng tôi thử liên hệ với nhu cầu được vay vốn. Khi biết chúng tôi là công nhân làm việc trong một doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Long Giang đang có nhu cầu vay, người thanh niên với vai trò là “tư vấn tài chính” vồn vã chào mời: Chị làm ở công ty nào, mức lương hàng tháng được bao nhiêu, nhà ở đâu... và đề nghị chuyển số giấy CMND để được tiếp tục tư vấn.

Khi chúng tôi có ý muốn tìm địa chỉ nơi đặt “trụ sở” của ngân hàng thì được nhân viên tư vấn nói vòng vo mà không nói rõ địa chỉ cụ thể. “Chúng em chỉ hỗ trợ vay với lãi suất là 2,17%/tháng, số tiền mà chị được vay là gấp 6 lần mức lương được nhận hàng tháng (giả sử lương 5 triệu đồng mỗi tháng thì được vay 30 triệu đồng - PV), tiền vay được trả hàng tháng (cả vốn lẫn lãi)” - Câu trả lời mà chúng tôi nhận được từ nhân viên tư vấn khi đề cập đến lãi suất vay, cũng như số tiền được vay.

Không chỉ xuất hiện nhan nhản trên các tuyến đường, ngay cả trên các trang mạng cũng xuất hiện rất nhiều hình thức cho vay na ná như thế. Chỉ cần vào Google gõ vaytientrongngay thì có đến hàng trăm kết quả. Chỉ cần dạo qua một trang web, chúng tôi dễ dàng nhận ra chương trình hỗ trợ vay tiền nhanh tại các tỉnh Đông Nam bộ (TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Vũng Tàu, Bình Phước…) và các tỉnh miền Tây (Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu…).

Kèm với các câu chào mời: Chúng tôi sẽ giúp các bạn có tiền nhanh nhất để giải quyết mọi công việc: Miễn phí tư vấn, miễn phí làm hồ sơ, không phải trả tiền dịch vụ, trả lại toàn bộ hồ sơ sau khi nhận được tiền, nhận tiền sau 30 phút...

Bảng hiệu giới thiệu cho vay không cần thế chấp xuất hiện rất nhiều không chỉ ở thành thị mà còn ở cả nông thôn.
Bảng hiệu giới thiệu cho vay không cần thế chấp xuất hiện rất nhiều không chỉ ở thành thị mà còn ở cả nông thôn.

Theo trang thông tin này, điều đặc biệt là người vay nhận tiền mặt nhanh nhất từ 1 - 50 triệu đồng, với lãi suất 1,6%, thời gian giải ngân 30 phút với các điều khoản sau: Thời hạn vay 6, 9, 12, 18 và 24 tháng, nhận tiền trong 30 phút từ lúc bắt đầu nộp hồ sơ. Đối tượng được vay là: Bạn chưa có việc làm và đang cần tiền, bạn là người buôn bán, bạn bắt đầu kinh doanh nhưng đang cần vốn, bạn là chủ doanh nghiệp...

Điều kiện để vay vốn: Là công dân Việt Nam độ tuổi từ 21 - 55, không phân biệt ngành nghề, công việc. Hồ sơ mang theo: Khoản vay dưới 4 triệu đồng (CMND + bằng lái xe); khoản vay 4 - 10 triệu đồng (CMND + hộ khẩu); khoản vay trên 10 triệu đồng (CMND + hộ khẩu + hóa đơn điện hoặc nước, cáp, internet).“Chúng tôi không giữ bất cứ hồ sơ nào của bạn (chỉ giữ bản photo sau khi đối chiếu với bản chính”.

Tất nhiên, hình thức cho vay này không chỉ xuất hiện trên địa bàn tỉnh, hay trên một số trang mạng mà gần như xuất hiện ở rất nhiều tỉnh, thành trên phạm vi cả nước. Điểm lợi của hình thức vay này là thủ tục vay tiền nhanh, không cần thế chấp tài sản, số tiền được vay cao... Tuy nhiên, song song với các “thế mạnh” trên, người vay tiền nếu không cẩn thận sẽ bị rơi vào “bẫy” của một số công ty “ma” chuyên “núp bóng” cho vay tiền hòng lừa gạt người nhẹ dạ cả tin.

Tính pháp lý của hình thức cho vay mới này cũng cần có thời gian để kiểm chứng. Tuy nhiên, khi chúng tôi nhẩm tính về mức lãi suất cho vay được dán công khai, thì đây không phải là lãi suất “hời” hay ưu đãi.

Chẳng hạn như thông tin đã công bố, với mức lãi suất cho vay từ 1,4 - 2,9%/tháng thì tính ra cũng tương đương từ 16,8 - 34,8%/năm. Hay nếu tính theo mức 2,17%/tháng thì cũng tương đương 26,4%/năm. Nếu so với lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh hiện nay, đó là mức lãi suất không hề rẻ.

NHÓM PVKT

Người vay nên cẩn trọng

Chúng tôi đem vấn đề này để tham vấn giám đốc một chi nhánh ngân hàng thương mại có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh. Vị này cho rằng, rất cần kiểm soát lại trật tự thị trường tài chính tín dụng, bởi việc cho vay như trên không biết theo chủ trương, chính sách nào.

Bởi thực tế cho thấy rằng, thị trường tín dụng trên địa bàn tỉnh hiện nay tương đối ổn định nên khi có sự xuất hiện của các “tổ chức tín dụng” như thế là không nên, dễ làm cho người dân ngộ nhận. Thậm chí khi vay các gói tín dụng này, người dân có thể gặp rắc rối về sau, nên người cần có nhu cầu vay vốn nên cẩn trọng. Trước thực tế như hiện nay cần sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước, không nên để tồn tại dạng “tín dụng đen” như thế.

Còn nếu chỉ tính riêng về lãi suất cho vay của các nhóm đối tượng “cho vay không cần thế chấp” như hiện nay cũng rất cao. Bởi mức lãi suất cho vay bình quân trên thị trường của các ngân­ hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cũng chỉ dao động ở mức 10 - 11%/năm, còn ở đây đến 2,9%/tháng (tức 34,8%/năm, cao hơn 3 lần).

Chưa kể, đây chỉ là mức lãi suất tạm tính ban đầu, còn tùy thuộc vào người vay trả theo hình thức nào, trả góp theo ngày, tháng, quý... “Chúng tôi cũng không hiểu sao dạng tín dụng này lại để xuất hiện nhiều như hiện nay.

Điều này thật sự là không nên, nếu người dân ở địa phương có nhu cầu vay vốn thì đã có quỹ tín dụng nhân dân cung ứng vốn, với mức lãi suất tương đối thấp, mặc dù có cao hơn một chút so với mặt bằng lãi suất của các ngân hàng thương mại. Hiện nay, mạng lưới các ngân hàng thương mại và quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh đủ khả năng đáp ứng nhu cầu vay vốn, nên người dân không nên vay theo dạng tín dụng “đen”.

Có khả năng là các đối tượng cho vay nhận định nhu cầu vay tiêu dùng của người dân, với thủ tục đơn giản nhưng phía sau đó là điều gì chưa thể biết được, nhất là khi người vay gặp rủi ro” - vị giám đốc này nhận định.

 

 

.
.
.