Thứ Sáu, 26/02/2016, 13:55 (GMT+7)
.

Giải thích tình trạng sức khỏe người bệnh là trách nhiệm của thầy thuốc

Khi đi khám bệnh, tất cả người bệnh điều muốn bác sĩ tư vấn, giải thích đầy đủ về căn bệnh của mình. Mặc dù đã được quy định bằng luật pháp (Luật Khám, chữa bệnh) nhưng thực tế người bệnh ít khi được tư vấn đầy đủ về tình trạng sức khỏe, phương pháp điều trị và các dịch vụ khám, chữa bệnh phù hợp với bệnh lý của mình.

Tại sao bệnh nhân ít được tư vấn đầy đủ? Theo tôi, có một số lý do sau:

1. Bệnh nhân sợ thầy thuốc: Chị Nguyễn Thị B. ẵm con trai 3 tuổi bị ho đã 3 ngày và thở khò khè đến khám bệnh tại bệnh viện. Bác sĩ khám rồi cho giấy đi làm xét nghiệm máu. Chị B. cầm vội tờ giấy ra đưa cho chồng, chồng hỏi: Bị ho tại sao làm xét nghiệm máu, con có sốt đâu? Chị B. nói không biết, bác sĩ biểu thử thì thử đi. Chồng nói: Sao em không hỏi bác sĩ? Chị  B. trợn mắt nói với chồng: Ông có giỏi thì vô hỏi ổng, ổng nghiêm lắm…

Sau khi có kết quả xét nghiệm, chị B. đưa cho bác sĩ xem và nghe lời dặn của chồng nên chị hỏi: Kết quả xét nghiệm cháu có sao không, tại sao ho mà phải làm xét nghiệm máu vậy bác sĩ? Bác sĩ cười giải thích: Làm xét nghiệm máu để bác sĩ đánh giá tình trạng nhiễm trùng của cháu rồi cho thuốc mới chính xác.

Qua xét nghiệm, cháu chỉ viêm họng do siêu vi trùng thôi. Chị cầm toa thuốc này mua cho cháu uống vài hôm sẽ khỏi. Chị B. vui vẻ ra về và mừng trong bụng vì gặp được ông bác sĩ mới nhìn tưởng là khó tánh, ai dè dễ chịu.

Một số người bệnh ít khi hỏi cặn kẽ bệnh tình của mình với bác sĩ vì họ sợ đủ thứ: Sợ bác sĩ khó chịu, sợ làm mất thời gian của bác sĩ… nên không dám hỏi, để bác sĩ nói sao nghe vậy, nhiều khi nghe không hiểu cũng gật đầu cho qua; thậm chí khi bác sĩ hỏi người bệnh có thắc mắc gì không, tự nhiên ngồi trước bác sĩ người bệnh lại quên hết, không nhớ những câu hỏi mình chuẩn bị sẵn ở nhà.

Để tránh tình trạng này, đề nghị bà con lấy giấy ra ghi chép trước, đến khám bệnh lấy ra trình bày. Bệnh nhân khai càng đầy đủ thì việc chẩn đoán bệnh càng chính xác.

2. Bác sĩ có quá nhiều công việc, không đủ thời gian tư vấn cho người bệnh: Một số phòng khám ở bệnh viện rất đông bệnh nhân, có khi trong buổi sáng mỗi bác sĩ phải khám trên 100 bệnh nhân, dù có muốn giải thích cho người bệnh cũng không kịp thời gian. Các thầy thuốc khắc phục bằng cách vừa ghi toa, vừa giải thích cho người bệnh, tuy có cực một chút nhưng giúp người bệnh an tâm và thực hiện theo đúng hướng dẫn điều trị của thầy thuốc.

Tôi được chứng kiến có 1 bệnh nhân bị bệnh sốt xuất huyết rất nặng, kíp trực đã hội chẩn toàn bệnh viện để cấp cứu, nhưng tình trạng của cháu mỗi ngày một nặng hơn, nên đã quyết định mời 1 bác sĩ có kinh nghiệm ở tuyến trên về hội chẩn, trực tiếp điều trị cho cháu.

Gia đình cháu rất lo lắng, nhất là cha cháu cứ đi đi lại lại trước cửa phòng cấp cứu. Cả giờ sau xe rước bác sĩ tuyến trên mới về tới, ông ấy đi thẳng vào phòng cấp cứu, đến bên giường khẩn trương khám cho cháu, hỏi kíp trực về kết quả xét nghiệm, thuốc men điều trị, sau đó ông trao đổi chuyên môn với kíp trực và đến bàn làm việc ghi chép.

Người cha bệnh nhân thắc thỏm hé cửa nhìn vào, thấy các cô y tá đem thuốc đến chích và vô nước biển cho cháu. Khoảng 1 giờ sau thì ông bác sĩ đó bước ra, người cha bệnh nhân chặn ông lại ở cửa hỏi con mình có sao không? Ông ấy vừa đi vừa lau mồ hôi và nói: Anh cứ hỏi các bác sĩ ở đây, rồi ông bước lên xe chờ sẵn. Người cha của bệnh nhân vừa lo vừa tức trong bụng: “Hỏi chút xíu thôi mà ông ấy cũng không nán lại trả lời”.

Một lát sau bác sĩ trực mời gia đình của cháu vào báo cho biết cháu đã qua cơn nguy hiểm, có thể vài ngày nữa ổn định. Không giấu được niềm vui, nhưng cha của cháu vẫn hỏi bác sĩ trực với sự ấm ức trong bụng: “Tui thấy ông bác sĩ đó quá khinh người, hỏi mà chẳng giải thích gì…”.

Bác sĩ trực nhìn ông thông cảm: Xin anh đừng vội trách bác sĩ ấy. Ông ấy xuống giúp chúng tôi điều trị cho con anh là con anh may mắn lắm rồi, vì ông ấy đang bệnh, ngày hôm sau phải tiến hành phẫu thuật, không biết lành - dữ ra sao…

3. Giải thích cặn kẽ để gia đình người bệnh an tâm: Một bé gái 3 tuổi nhập  viện vì bị loét họng. Bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm họng, cho toa thuốc uống 1 ngày và hẹn tái khám ngày hôm sau.

Khi khám lại, bác sĩ phát hiện cháu xuất hiện thêm dấu hiệu nổi bóng nước lòng bàn tay, bàn chân, kèm quấy khóc và giật mình nhiều, chẩn đoán bị bệnh tay - chân - miệng độ 1, phải nhập viện điều trị. Nghe nói vậy, ba bé giận lắm và mất lòng tin ở bệnh viện này, quyết liệt xin chuyển con lên tuyến trên điều trị.

Bác sĩ điều trị giải thích với ba của bé về các triệu chứng của bệnh và nói thêm: “Bệnh này ở khoa chúng tôi điều trị được, thuốc men không khác bệnh viện tuyến trên nên tôi đề nghị anh cho cháu ở lại đây điều trị theo chẩn đoán mới, khi nào thật sự cần thiết thì chúng tôi chuyển cháu lên tuyến trên một cách an toàn”. Nghe bác sĩ giải thích cặn kẽ, ba của bé như trút đi sự lo lắng lẫn giận hờn, đồng ý để con mình ở lại điều trị. Sau một tuần thì cháu khỏi bệnh và ra viện.

Giải thích tình trạng sức khỏe cho chính người đang mắc bệnh là một nhiệm vụ quan trọng của người thầy thuốc, giúp người bệnh hiểu được bệnh của mình và cùng tham gia với thầy thuốc trong quá trình điều trị như tuân thủ phác đồ điều trị, uống thuốc đúng giờ, đúng liều.

Mặt khác, người bệnh được bác sĩ cho biết các biến chứng và tai biến có thể xảy ra trong quá trình điều trị để quyết định lựa chọn phương pháp điều trị, chấp nhận hay không chấp nhận điều trị, từ đó sẽ giảm các trường hợp khiếu kiện khi xảy ra sự cố y khoa.

Việc giải thích tình trạng sức khỏe cho người bệnh không chỉ là trách nhiệm của thầy thuốc, mà còn là quyền lợi chính đáng của người bệnh.

BS. NGUYỄN THÀNH ÚC

.
.
.