Thứ Hai, 22/02/2016, 14:16 (GMT+7)
.

Làm gì để duy trì, phát triển vùng cây ăn trái vú sữa Lò Rèn?

Đó là câu hỏi đã được đặt ra trong nhiều năm qua nhưng vẫn chưa có câu trả lời. Kết quả là vùng cây ăn trái đặc sản vú sữa Lò Rèn đang đứng trước nguy cơ mai một. Dưới đây là ý kiến từ thực tế ở những khía cạnh khác nhau về “uẩn khúc” này và đề xuất giải pháp trong thời gian tới để khôi phục và phát triển vùng cây ăn trái đặc sản nổi tiếng một thời.

ÔNG HUỲNH HỮU HÒA, PHÓ TRƯỞNG PHÒNG NN&PTNT HUYỆN CHÂU THÀNH:

Cần cải tạo đất trồng, xây dựng mô hình trong thời gian dài

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng “suy thoái” vùng trồng tập trung, nhà vườn không mặn mà với cây vú sữa, nhưng theo tôi mấu chốt vấn đề là vùng đất bị nhiễm mầm bệnh, cây suy kiệt nhanh dẫn đến giảm thu nhập, hiệu quả kinh tế thua kém nhiều cây trồng khác; nhiều vùng khác đã trồng được vú sữa và cho thu hoạch thường sớm hơn so với vùng Vĩnh Kim khoảng 1 tháng là một lợi thế trong tiêu thụ; đồng thời tạo áp lực sản lượng lên thị trường vào mùa vụ.

Để khôi phục và phát triển cây đặc sản vú sữa nói chung và vú sữa Lò Rèn nói riêng, theo tôi vấn đề quan trọng là cần phải cải tạo đất vùng trồng với thời gian dài; xây dựng các mô hình trồng đúng quy trình kỹ thuật như tăng cường bón phân hữu cơ, thường xuyên tỉa cành, tạo tán, chú ý đến phòng trừ bệnh gây hại… tạo hiệu quả thực tế và thực hiện kiên trì kết hợp chuyển giao kỹ thuật, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân. Nếu làm được như vậy thì vùng chuyên canh vú sữa mới có hy vọng.

Để làm được điều này, chúng tôi kiến nghị các cơ quan chuyên môn, các viện, trường hỗ trợ huyện điều tra, thống kê, đánh giá cụ thể thực trạng và xác định các nguyên nhân dẫn đến thực trạng hiện nay cũng như đề ra các giải pháp khắc phục hiệu quả; đồng thời hỗ trợ huyện xây dựng mô hình trồng đúng quy chuẩn và làm trong một thời gian dài. Từ tận mắt, tai nghe hiệu quả mô hình trồng như thế, nhà vườn mới có niềm tin trở lại và gắn bó với cây trồng này.

Hiện nay, diện tích cây vú sữa Lò Rèn giảm mạnh nhưng rồi đến một lúc nào đó sẽ tăng trở lại. Bởi với đà diện tích vú sữa ở vùng Vĩnh Kim (vùng có diện tích vú sữa lớn nhất) giảm sẽ kéo sản lượng giảm theo.

Mặt khác, đến một lúc nào đó, người tiêu dùng sẽ tự so sánh chất lượng vú sữa của các vùng, miền. Khi đó, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim với thương hiệu đã được khẳng định lâu đời về chất lượng trái từ lợi thế vùng trồng sẽ phát triển trở lại. Nhưng để đón bắt được cơ hội đó, chúng tôi đang nỗ lực duy trì, củng cố và hướng đến phát triển bền vững vùng cây ăn trái đặc sản này.

ÔNG NGUYỄN VĂN NGÀN, GIÁM ĐỐC HỢP TÁC XÃ VÚ SỮA LÒ RÈN VĨNH KIM:

Làm sao khuyến khích được người dân trồng vú sữa bằng phân hữu cơ

Phát triển vùng chuyên canh vú sữa Lò Rèn không thể thiếu mô hình kinh tế hợp tác. Tuy nhiên, thời gian qua dù có nhiều nỗ lực từ các ngành, các cấp trong thành lập, củng cố Hợp tác xã (HTX) Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim nhưng HTX đang gặp rất nhiều khó khăn, đang hoạt động cầm chừng.

Nguyên nhân là HTX thiếu vốn, khâu bảo quản sau thu hoạch đối với vú sữa rất khó, đầu ra bấp bênh với chủ yếu tiêu thụ trong nước.

Nếu vươn ra hoạt động như các vựa, doanh nghiệp tư nhân, HTX phải có nguồn vốn từ 2 - 3 tỷ đồng, trong khi đó vốn của HTX do xã viên đóng góp chỉ 60 triệu đồng, còn vay vốn thì không có tài sản thế chấp. Trong điều kiện khó khăn hiện nay, HTX cần tiếp tục được sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành để củng cố và phát triển.

Để khắc phục khó khăn trong khâu bảo quản trái, vấn đề quan trọng là làm sao khuyến khích nông dân sản xuất bằng phân hữu cơ để trái vú sữa được bảo quản lâu hơn, có thể vận chuyển đi tiêu thụ ở các thị trường và xuất khẩu. Còn Nhà nước hỗ trợ bằng cách có chính sách vay vốn ưu đãi cho nông dân, xã viên trồng vú sữa; các cơ quan chuyên môn hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ bệnh khô cành, thối rễ.

ÔNG TRẦN VĂN THIỆN, ẤP VĨNH HÒA, XÃ VĨNH KIM:

Chăm sóc đúng cách

Thời gian gần đây, nhà vườn lao đao vì vú sữa suy kiệt nhanh, cây không phát triển khi trồng mới. Có thể do giống cây không đảm bảo chất lượng, có thể do mầm bệnh còn lưu tồn trong đất, có thể do nguồn nước…

Nói chung là trồng vú sữa hiện nay rủi ro rất cao khiến cho nhà vườn không dám mạo hiểm. Chứ nói về phòng trừ bệnh khô cành, thối rễ trên vú sữa thôi thì nông dân không đáng ngại lắm. Bởi hiện nay, hầu hết nông dân đều hiểu biết về kỹ thuật chăm sóc, cách phòng trị bệnh trên vú sữa.

Nhưng vấn đề ở chỗ quy trình phòng trị đòi hỏi thời gian dài và phức tạp nên cần rất nhiều vốn. Đó là chưa nói ngoài yếu tố bệnh khô cành, thối rễ, cây vú sữa suy giảm năng suất nhanh còn có thể có những nguyên nhân khác tác động. Trong khi đó, thời gian qua, nguồn thu nhập từ vú sữa giảm mạnh, chi phí chăm sóc lại tăng cao (do cây suy kiệt), nông dân không còn đủ lực để làm.

Tôi nghĩ nếu chăm sóc đúng cách, giữ được năng suất tốt kéo dài, vú sữa sẽ không thua kém bất kỳ cây trồng nào.

NGÔ PHÚ ĐÔNG (thực hiện)

.
.
.