Làm gì để hương bưởi lông Cổ Cò bay xa?
Là 1 trong 3 giống bưởi có diện tích và sản lượng lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long, bưởi lông Cổ Cò được trồng từ lâu đời với diện tích khá lớn ở huyện Cái Bè. Tuy vậy, để đặc sản trái cây này thực sự có thị trường ổn định trong nước lẫn xuất khẩu đòi hỏi cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa trong quy trình sản xuất, nhất là vùng nguyên liệu, sản phẩm đạt tiêu chuẩn Global GAP…
Vận chuyển bưởi lông Cổ Cò lên chợ An Hữu. |
Theo Thạc sĩ Nguyễn Việt Hoa, Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Cái Bè, bưởi lông Cổ Cò có nguồn gốc từ một cây bưởi hiếm được trồng sau nhà ông Cai Huỳnh - một điền chủ ở rạch Cổ Cò (thuộc địa phận 2 ấp Đông Thạnh và An Lạc - nay thuộc xã Mỹ Lương, huyện Cái Bè).
Tên “bưởi lông” là do mọi người thấy bên ngoài trái bưởi có lớp lông tơ bao phủ mịn màng. Trái có dạng hình quả lê, nặng trung bình 0,9 - 1,4 kg/trái; khi chín vỏ có màu xanh vàng dễ lột và khá mỏng (13 - 16 mm); ruột hồng nhạt; nước khá nhiều, vị ngọt đến chua nhẹ, mùi thơm và ít hạt.
Với đặc điểm cho trái quanh năm, năng suất cao, bưởi lông Cổ Cò đang được nhà vườn ở khu vực này duy trì và mở rộng diện tích… Sau đó, các nhà khoa học ở Viện Cây ăn quả miền Nam đã lập hồ sơ xác định cây đầu dòng của giống bưởi lông Cổ Cò 47 năm tuổi có chu vi gốc 1,3 m, bán kính tán cây 11 m tại nhà ông Nguyễn Văn Tôn (còn gọi là Hai Tôn) ở xã An Thái Đông, huyện Cái Bè.
Ngày 29-12-1999, Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp Mỹ Lương (gọi là HTX Mỹ Lương) được thành lập và đến ngày 2-4-2003, UBND huyện Cái Bè cấp phép bổ sung ngành nghề sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp.
Năm 2004, bưởi lông Cổ Cò đã thực sự “mặc áo mới” khi được gắn nhãn mác do HTX Mỹ Lương đi vào hoạt động kinh doanh mặt hàng trái cây này. Bằng tâm huyết của những người dân gắn bó với cây bưởi lông, Ban Chủ nhiệm HTX đã đăng ký nhãn hiệu hàng hóa rồi chào hàng khắp nơi. Đến nay, sản phẩm bưởi lông Cổ Cò đã thâm nhập được vào thị trường Hà Nội, Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh.
Tại TP. Hồ Chí Minh, hệ thống siêu thị bán sỉ Metro đăng ký độc quyền để thu mua và cung cấp cho thị trường thành phố; còn tại Hà Nội, có 13 siêu thị được HTX cung cấp sản phẩm giống bưởi này. Ngoài ra, Ban Chủ nhiệm HTX đã mạnh dạn đăng ký gian hàng ở 17 hội chợ để quảng bá thương hiệu sản phẩm.
Được biết, bưởi lông Cổ Cò đã được HTX đưa đi triển lãm và nhiều lần bán ra thị trường nước ngoài. Theo ông Huỳnh Nguyên Anh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Mỹ Lương, quy mô tiêu thụ của HTX Mỹ Lương hiện hoạt động tương đối ổn định, mỗi tháng dao động từ 30 - 50 tấn trái cây các loại.
Thực tế cho thấy, từ khi Việt Nam gia nhập WTO, việc sản xuất trái cây nếu không được tổ chức sản xuất theo quy trình đảm bảo các tiêu chuẩn về sản xuất trái cây chất lượng cao thì chuyện xâm nhập thị trường nước ngoài sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt khi Hiệp định TPP (Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương) đã được ký kết.
Chính vì vậy, các HTX sản xuất trái cây cần phải khẩn trương hoàn chỉnh việc tổ chức sản xuất trái cây chất lượng cao hơn (trái ngon và an toàn - GAP và GlobalGAP) để đủ sức cạnh tranh với sản phẩm trái cây nước ngoài.
Xã viên Lê Văn Tư (xã Mỹ Lương) cho biết: “Qua theo dõi thông tin thời sự, cũng như các buổi sinh hoạt của HTX, bà con xã viên chúng tôi đã có suy nghĩ và ý thức về chuyện sản xuất và xuất khẩu các loại trái cây đủ sức cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài. Do đó, chúng tôi đã có ý thức về kỹ thuật canh tác trái cây theo hướng hạn chế sử dụng các chế phẩm hóa học, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ để sản xuất trái cây ngon và an toàn”.
Còn ông Nguyễn Văn Giàu (xã Mỹ Đức Tây), người có kinh nghiệm trồng bưởi lông Cổ Cò cho biết: “Nhà vườn trồng bưởi đã thường xuyên tham khảo kỹ thuật về cây trồng có múi trên các phương tiện thông tin đại chúng để rút ra những phương pháp và kỹ thuật áp dụng vào sản xuất hiệu quả hơn, đảm bảo trái cây sản xuất đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu của các thị trường”.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Cái Bè, huyện hiện có 1.500 ha bưởi, trong đó bưởi lông Cổ Cò chiếm gần 1.000 ha, tập trung ở các xã: Mỹ Lợi A, Mỹ Lợi B, Mỹ Đức Tây, An Thái Đông, Mỹ Lương…
Thời gian qua, huyện đã tăng cường hỗ trợ bà con nhà vườn về kinh phí, cây giống, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đặc biệt là hỗ trợ nông dân ở các xã xây dựng nông thôn mới phát triển diện tích bưởi lông Cổ Cò. Cụ thể, trong năm 2014 và 2015, huyện đã đầu tư cho nông dân giống bưởi lông Cổ Cò trên diện tích 40 ha.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện cho biết: “Vừa qua, ngành Nông nghiệp huyện đã tập trung nhiều giải pháp để hình thành vùng chuyên canh các loại cây ăn trái chủ lực của huyện gắn với thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đối với cây bưởi lông Cổ Cò, huyện đang triển khai các hợp phần của chương trình phát triển toàn diện như đánh giá vùng thích nghi có chỉ dẫn địa lý làm cơ sở quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh; cải tạo trẻ hóa vườn già cỗi để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; chọn lọc cây đầu dòng và xây dựng vườn giống đầu dòng để nhân giống phục vụ mở rộng vùng chuyên canh.
Kết quả đạt được đến nay là đã triển khai dự án khôi phục vùng nguyên liệu bưởi lông Cổ Cò, cung cấp giống từ cây đầu dòng chất lượng tốt với số hộ được hỗ trợ thực hiện bước đầu là 173 hộ với 37,9 ha, tập trung tại các xã Mỹ Lương, An Thái Đông và Mỹ Đức Tây…”.
Được biết, trong thời gian tới, UBND huyện Cái Bè tiếp tục chỉ đạo ngành Nông nghiệp huyện tiếp tục phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, đặc biệt tập trung thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.
Đối với kinh tế vườn, huyện nỗ lực tăng diện tích cây ăn trái lên 17.000 ha, trong đó diện tích vườn chuyên canh cây ăn trái đặc sản khoảng 7.500 ha (xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò và cây có múi khác), sản lượng 300.000 tấn; nâng cao chất lượng sản phẩm trái cây hướng đến thị trường nước ngoài trong thời kỳ hội nhập, nâng cao thu nhập cho nhà vườn.
Ông Nguyễn Văn Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè cho biết: “Thời gian tới, huyện tập trung triển khai các giải pháp để phát triển vườn chuyên canh cây ăn trái. Cụ thể, ngành Nông nghiệp thực hiện chương trình hỗ trợ giống trên cơ sở vườn cây đầu dòng hiện có để đạt diện tích 3.000 ha vườn chuyên canh theo quy hoạch. Nhân rộng mô hình sản xuất đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP.
Phối hợp với các sở, ngành tỉnh và các viện, trường đại học xây dựng hoàn chỉnh chuỗi giá trị sản phẩm xoài; đề xuất cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia xây dựng vùng nguyên liệu, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm”.
NGUYỄN HỮU