Thứ Tư, 24/02/2016, 16:41 (GMT+7)
.

Nghịch lý trong vụ lúa đông xuân: Lúa chất lượng thấp dễ tiêu thụ hơn

Đông xuân được xem là vụ lúa chính trong năm của nông dân. Bởi, họ kỳ vọng lúa trúng mùa, bán được giá cao và lợi nhuận nhiều hơn so với các vụ lúa khác. Tuy nhiên, vụ lúa này người dân gặp phải cảnh nghịch lý là đầu ra của lúa chất lượng thấp lại dễ dàng hơn và giá giữa lúa chất lượng thấp và lúa chất lượng cao lại ngang bằng. Điều gì đã gây ra nghịch lý như vậy?

LÚA THƯỜNG VÀ LÚA CHẤT LƯỢNG BẰNG GIÁ

Những ngày này, không khí thu hoạch lúa đông xuân năm 2015 - 2016 ở các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước bắt đầu “nóng” lên. Các tuyến bờ kinh, nông dân chất đầy lúa chờ thương lái đến cân. Dưới sông, xuồng ghe thương lái và người dân chở lúa chạy dập dìu. Từng nhóm bốc vác lúa “tụm 5, tụm 3” ngồi nghỉ mệt sau những giờ làm việc vất vả.

Ngồi canh giữ đống lúa “to đùng” chờ thương lái đến cân, ông Phan Văn Út, ấp Chà Là, xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy hào hứng cho biết: “Lúa này thương lái đã mua với giá 4.600 đồng/kg, cao hơn vụ đông xuân năm 2014 - 2015 khoảng 300 - 400 đồng/kg.

Tuy nhiên, năng suất lại thua gần 10 giạ/công (1 công = 1.000 m2). Nếu tính ra, lợi nhuận vẫn thua vụ đông xuân năm trước. Nguyên nhân, năm nay thời tiết diễn biến thất thường, sâu rầy nhiều, công chăm sóc cao...

Ngược lại, giá lúa cao, đầu ra dễ, thương lái chực chờ mua nên nông dân cảm thấy phấn khởi”. Vụ đông xuân năm 2015 - 2016, ông Phan Văn Út trồng 1,3 ha lúa IR 50404, năng suất khoảng 8 tấn/ha. Với giá bán 4.600 đồng/kg, gia đình ông thu lãi khoảng 23 - 24 triệu đồng/ha.

Đống lúa AP “to đùng” của ông Lê Văn Đực được thương lái thu mua giá cao.
Đống lúa AP “to đùng” của ông Lê Văn Đực được thương lái thu mua giá cao.

Đến cánh đồng lúa ở xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè, không khí thu hoạch lúa cũng tấp nập không kém. Ông Lê Văn Đực, ấp Mỹ Trinh B, xã Hậu Mỹ Trinh, canh tác 1,5 ha lúa AP (một loại giống có chất lượng thường như IR 50404, được Phòng NN&PTNT huyện An Phú, tỉnh An Giang sản xuất), năng suất 9 tấn/ha và bán với giá 4.500 đồng/kg.

Ông Đực chia sẻ: “Thấy giàn bông không thua vụ đông xuân năm rồi nhưng sao thu hoạch không có năng suất. Ở đây, năng suất lúa của ai cũng vậy. Sau khi trừ chi phí, gia đình còn lãi khoảng 25 triệu đồng/ha”.

Không như niềm vui, niềm phấn khởi của những hộ trồng lúa chất lượng thấp, những người trồng lúa chất lượng cao lại có tâm trạng trái ngược. Ngồi rầu rĩ bên thửa ruộng đã chín, ông Nguyễn Văn Sáu, ấp Mỹ Trinh B, xã Hậu Mỹ Trinh cho biết, 0,6 ha lúa OM 4900 của ông đã đến ngày thu hoạch nhưng phải mất rất nhiều thời gian mới tìm được thương lái đến xem.

Sau khi vặn vẹo, thương lái cho giá bằng với lúa IR 50404 và bảo 5 ngày nữa mới cho thu hoạch, trong khi lúa đã chín muốn rục. Năng suất lúa chất lượng cao thấp hơn lúa thường, chi phí sản xuất tốn kém hơn nhưng giá lúa lại ngang bằng nên trong vụ tới gia đình ông sẽ chuyển sang trồng lúa IR 50404 như bao hộ dân khác.

Thương lái Hồ Văn Minh, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp đang thu mua lúa ở xã Hậu Mỹ Trinh cho biết, gần 1 tuần nay thương lái chủ yếu mua lúa chất lượng thấp như IR 50404, AP và một ít các loại lúa OM. Bởi hiện nay đầu ra của loại lúa thường dễ dàng và thị trường cũng ưa chuộng hơn.

Còn một số thương lái khác thấy lúa chất lượng cao giá rẻ nên mua về tạm trữ chờ giá, chứ đầu ra của loại lúa này rất khó khăn. “Một ngày, người dân kêu tôi đến xem lúa để mua không dưới 7 lần nhưng không thể mua được do đầu ra chưa có. Trước mắt, chúng tôi tập trung thu mua lúa chất lượng thấp. Khoảng một tuần nữa, nếu giá cả còn ở mức này, tôi mua tạm trữ, chờ giá” - ông Minh cho biết.

ĐẦU RA LÚA THƯỜNG DỄ HƠN

Trao đổi về vấn đề đầu ra của hạt lúa, nông dân Lê Văn Đực, ấp Mỹ Trinh B, xã Hậu Mỹ Trinh chia sẻ: “Năm nay giá lúa gạo không thể lường trước được. Đầu ra của lúa chất lượng thấp lại dễ dàng hơn lúa chất lượng cao, trong khi giá lại cào bằng ngang nhau.

Đầu vụ, ngành chức năng khuyến cáo nông dân trồng lúa chất lượng cao nhưng nay giá cả và đầu ra như vậy thì quá khó khăn cho nông dân. Giá lúa và đầu ra của lúa chất lượng thấp dễ dàng nên thương lái đến thu mua thấy ham”. 

Theo ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, khu phố Cầu Xéo, xã Hậu Thành, huyện Cái Bè, đầu ra của lúa gạo hiện nay tương đối khả quan, gạo 5% tấm có giá 7.600 đồng/kg, gạo 10% tấm có giá 7.500 đồng/kg, gạo 15% tấm có giá 7.400 đồng/kg.

So với cách đây 1 tuần, các loại gạo đều tăng 100 đồng/kg. Vụ đông xuân năm 2015 - 2016 có một nghịch lý là lúa chất lượng thấp và nhiều loại lúa chất lượng cao có giá tương đương nhau nên người dân vùng Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước trồng nhiều lúa chất lượng thấp cũng chưa vấp phải vấn đề gì.

Bởi hợp đồng giữa Việt Nam giao gạo cho Philippines, Indonesia vẫn còn cho đến hết tháng 3-2016. Sau thời gian này, giá lúa gạo mới bắt đầu có chuyển biến khác. Tuy nhiên, ông cũng nghe sẽ có những hợp đồng xuất khẩu gạo cấp thấp mới nên đầu ra và giá cả cũng không đáng lo ngại lắm.

“Vấn đề lúa gạo chất lượng thấp và chất lượng cao ngang bằng giá với nhau đã khiến cho nhiều người phải đau đầu. Cũng có lúc gạo chất lượng cao lại có giá thấp hơn gạo chất lượng thấp. Nguyên nhân là do gạo cấp thấp của chúng ta hiện nay vẫn giao chưa đủ, trong khi vụ đông xuân có sản lượng lớn nên phải tập trung giao cho đủ số lượng” - ông Đôn nói.

Lý giải việc lúa thường và lúa chất lượng cao đang cào bằng giá với nhau, ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang cho rằng: “Đầu ra của lúa chất lượng cao đang rất khó khăn nên giá giảm xuống gần ngang ngửa với lúa thường.

Trong khi lúa chất lượng thường như IR 50404, OM 5451 lại có đầu ra do chúng ta còn hợp đồng xuất khẩu gạo và nhu cầu xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc nhiều nên giá lúa “dễ thở” hơn cho nông dân. Tuy nhiên, giá lúa và đầu ra như vậy sẽ rất khó khăn cho các ngành chức năng trong việc vận động nông dân chuyển dần từ canh tác lúa chất lượng thấp sang lúa chất lượng cao”.

Theo nhận định của cơ quan chức năng, trong những ngày tới giá lúa có khả năng tiếp tục ổn định, bởi thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam gần đây có chiều hướng khởi sắc. Hơn nữa, các doanh nghiệp cũng mạnh dạn đầu tư, mua hàng dự trữ, đẩy mạnh tìm kiếm thị trường, liên kết kinh doanh. Với giá lúa và thị trường tiêu thụ hiện nay nông dân trong tỉnh rất phấn khởi.

SĨ NGUYÊN

.
.
.