Chủ động ứng phó với TPP
Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc đàm phán vào ngày 5-10-2015 tại Alanta với sự tham gia của 12 quốc gia, được dự báo sẽ có tác động lớn đối với kinh tế Việt Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng. Chính vì ý nghĩa đó, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng đã chỉ đạo Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức Hội thảo “Doanh nghiệp trước thềm TPP”.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Công nghiệp Minh Hưng. |
Theo phân tích của Sở Ngoại vụ, nếu như các hiệp định thương mại trước đây thường tập trung nhiều vào vấn đề giảm thuế, TPP được coi là hiệp định thương mại toàn diện, nhắm đến việc thiết lập bộ quy tắc thương mại tiêu chuẩn cao, giải quyết các vấn đề của kinh tế toàn cầu trong thế kỷ XXI, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và việc làm tại các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương.
Tất nhiên, hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có TPP sẽ mang đến nhiều triển vọng, cơ hội phát triển. Đó là mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của tỉnh như nông sản, thủy sản, dệt may…; tăng khả năng thu hút khách du lịch; mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, thêm sự lựa chọn môi trường làm việc và chế độ tiền lương tốt hơn; tăng lực hút vốn và công nghệ vào phát triển nền kinh tế, đặc biệt là nguồn vốn FDI, ODA; có thêm nhiều điều kiện để phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ; tăng cơ hội nâng cao năng suất lao động, sử dụng có hiệu quả hơn nguồn nhân lực…
Tuy nhiên, hội nhập kinh tế quốc tế đâu chỉ có màu hồng. Đối với TPP, ngành Nông nghiệp được đánh giá là chịu tác động nhiều nhất. Theo phân tích của các chuyên gia, chẳng hạn như nhóm hàng chăn nuôi (lấy thịt, lấy sữa) và trồng trọt (trái cây) lại được dự báo là khó cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa. Đầu tiên là nguy cơ cạnh tranh gay gắt giữa Việt Nam và 2 nước Úc, New Zealand, vì 2 nước này được đánh giá có năng lực cạnh tranh vào hàng cao nhất thế giới ở các sản phẩm ngành chăn nuôi bò (thịt bò, sữa), quả ôn đới (táo, cam).
Tiếp theo là nguy cơ cạnh tranh giữa Việt Nam và Mỹ, hiện tại nước Mỹ có thế mạnh trong các sản phẩm như sữa, thịt bò, thịt gia cầm, thịt heo. Việt Nam đang nhập khá nhiều các mặt hàng này từ Mỹ, nếu mở cửa, nguy cơ sản phẩm tương tự của Việt Nam gặp khó khăn khi cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu từ nước này là rất lớn. Kinh tế Tiền Giang phụ thuộc nhiều vào các sản phẩm nông nghiệp, nên được dự báo sẽ chịu tác động không nhỏ từ làn sóng của hội nhập kinh tế đang đến rất gần.
Khi nhìn nhận về khả năng hội nhập trong lĩnh vực kinh tế, theo đánh giá của Sở Ngoại vụ, tỉnh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Năng lực tham gia hội nhập của các doanh nghiệp (DN) còn nhiều hạn chế do quy mô của hầu hết các DN trong tỉnh còn nhỏ, trình độ quản lý và tính chuyên nghiệp chưa cao; khả năng tiếp cận và đổi mới công nghệ, hiệu quả marketing chưa như mong đợi, chi phí đầu vào còn lớn nên làm giảm sức cạnh tranh của DN ngay trên thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, chất lượng các công trình hạ tầng giao thông thủy, bộ của tỉnh chưa đáp ứng tốt nhu cầu vận tải trong tỉnh và vùng; hành lang giao thông dọc biển, kết nối các tỉnh, thành trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh chưa phát triển tương xứng với tiềm năng; các dự án đầu tư lĩnh vực giao thông vận tải còn chậm triển khai do thiếu vốn, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, sự cạnh tranh trong xuất khẩu hàng hóa cùng với những biện pháp bảo hộ phi thuế quan, cũng như các biện pháp kỹ thuật đang và sẽ là rào cản lớn đối với hàng hóa xuất khẩu của tỉnh trong thời gian tới. Các loại hình dịch vụ khác tuy có phát triển trong những năm gần đây, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập, nhất là các loại hình dịch vụ phục vụ giải trí, tư vấn về thương mại quốc tế, kho bãi, logistics...
Trước thực tiễn như thế, trong thời gian tới việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tập trung vào cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); chuẩn bị tốt các danh mục và đề cương dự án để thu hút các nguồn vốn đầu tư trong cũng như ngoài nước để phát triển các ngành, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm có nhiệm vụ dẫn dắt phát triển, gắn với tái cơ cấu các ngành kinh tế chủ yếu; xác định các loại hình dịch vụ cần được đầu tư phát triển, chú trọng dịch vụ vận tải, hậu cần, kho, dịch vụ bổ trợ phát triển du lịch; nâng cấp, cải tạo hạ tầng tại các khu du lịch trọng điểm là những điều quan trọng cần được đặt ra.
Đồng thời, tỉnh cũng cần xác định sản phẩm chủ lực và thị trường xuất khẩu tương ứng cũng như đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh lệ thuộc vào một thị trường nhất định, tập trung quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất, nuôi trồng; tăng cường xúc tiến đầu tư và xúc tiến thương mại để kêu gọi đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)...
MINH THANH
* ÔNG PACTRICK LING, GIÁM ĐỐC SẢN XUẤT CÔNG TY TNHH ECO WAY KNITWEAR (ẤP PHÚ HÒA, XÃ PHÚ NHUẬN, TX. CAI LẬY):
Cơ hội giảm giá thành sản xuất
Công ty đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 5-2015 với ngành nghề chính là dệt len, đa số sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Mỹ. Hiện tại, phần lớn nguyên liệu sản xuất công ty phải nhập khẩu từ Trung Quốc với giá tương đối cao.
Sau khi Việt Nam gia nhập TPP, công ty hy vọng sẽ có cơ hội nhập nguyên liệu từ các nước thành viên của TPP với mức giá thấp, giúp giảm giá thành sản xuất, tạo điều kiện nâng cao khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, với làn sóng của hội nhập, nhiều DN vào Việt Nam đầu tư; trong đó có những DN trong ngành dệt may, sẽ hỗ trợ tích cực trong các khâu sản xuất của công ty.
Công ty TNHH Eco Way Knitwear được xây dựng trên diện tích hơn 12.000 m2, tổng vốn đầu tư khoảng 20 triệu USD, với công suất khoảng 2 triệu sản phẩm mỗi năm và dự kiến giải quyết việc làm cho 2.000 lao động.
Công ty luôn xác định và theo đuổi 3 mục tiêu: Tuân thủ các quy định của pháp luật, đảm bảo lợi nhuận và đảm bảo thu nhập cho người lao động. Do 100% lao động khi tuyển dụng phải đào tạo lại nên việc tuyển dụng số lượng lao động theo nhu cầu của công ty cũng gặp không ít khó khăn, nên hiện mới chỉ tuyển dụng được khoảng 700 lao động.
* ÔNG PHẠM QUANG BÌNH, TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY TIPHARCO:
Cơ hội và thách thức đi đôi
TPP mở ra một cơ hội rất lớn cho kinh tế Việt Nam, trong đó có các DN trong ngành Dược. Bởi khi TPP có hiệu lực, DN có cơ hội rất lớn để tiếp xúc với các nước có ngành công nghiệp dược tiên tiến. Tuy nhiên, thách thức mang đến cũng rất lớn, vì khi gia nhập hàng hóa của các nước thành viên TPP nhập vào Việt Nam không phải đánh thuế, nên tình hình cạnh tranh diễn ra sẽ rất gay gắt.
Nếu DN không chuẩn bị tốt, tự mình vươn lên nhằm nâng cao kỹ thuật, chất lượng sản phẩm sẽ có nguy cơ yếu đi do áp lực cạnh tranh. Ngành Dược có đặc thù là 90% nguyên liệu sản xuất đều phải nhập ngoại, nên khi gia nhập TPP cũng có thuận lợi là các DN được nhập nguyên liệu với giá rẻ. Tuy nhiên, những nước bán nguyên liệu cũng đồng thời sản xuất thuốc nên khi sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam cũng được ưu đãi về thuế. Vì thế, cơ hội và thách thức đối với ngành Dược đi đôi.
* ÔNG HUỲNH HỮU THIỆN, PHÓ GIÁM ĐỐC MARKETING, CÔNG TY TNHH CÔNG NGHIỆP MINH HƯNG (XÃ PHƯỚC LẬP, HUYỆN TÂN PHƯỚC):
Cửa đang mở ra
Hội nhập kinh tế đang tạo cơ hội lớn cho ngành Dệt may mở rộng thị trường, tăng doanh số và giải quyết lớn lực lượng lao động ở địa phương. Tâm lý chung là các DN Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa đón đầu hội nhập kinh tế cùng với các nước trong khu vực khi các hiệp định song phương, đa phương đi vào thực hiện.
Trước cơ hội như thế, Công ty Minh Hưng đã đầu tư rất nhiều công nghệ mới để đón đầu các hiệp định kinh tế, nhất là Hiệp định TPP. Bên cạnh đầu tư đổi mới công nghệ, Công ty Minh Hưng cũng sẽ tập trung tiết giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành để sản phẩm đến tay người tiêu dùng, nhất là thị trường nội địa. Song song đó, công ty cũng đã mở rộng thị trường xuất khẩu ở các nước châu Âu, Mỹ và hiện giải quyết việc làm cho khoảng 1.900 lao động.