Huyện Châu Thành: Chủ động phòng, chống hạn, xâm nhập mặn
Những ngày qua, nhiều khu vực ven sông Tiền của huyện Châu Thành có độ mặn đạt từ 1 g/l đến 1,3 g/l. Theo dự báo, mặn sẽ tiếp tục lấn sâu về phía Tây trong thời gian tới. Trước diễn biến này, huyện đã và đang triển khai các giải pháp phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, bảo vệ sản xuất trên địa bàn.
Lãnh đạo xã Kim Sơn thị sát cống ngăn mặn ven sông Tiền. |
Mặn đang lấn sâu về phía thượng nguồn sông Tiền “uy hiếp” các vườn cây ăn trái, rau màu ở phía Nam Quốc lộ 1A, một số khu vực khác của huyện đối mặt với nguy cơ thiếu nước cho sản xuất.
Ông Trần Văn Quá, Chủ tịch UBND xã Kim Sơn cho biết, những ngày trước độ mặn đo được trên sông Tiền qua địa bàn còn thấp nhưng đến ngày 15-3 đã tăng lên đến 1,3 g/l do mặn đổ về từ sông Hàm Luông (Bến Tre).
Trên địa bàn có 39 cống ngăn lũ ven sông Tiền và Rạch Gầm, xã đã tiến hành đóng các cống này để ngăn mặn. Tuy nhiên, do trước đây các cống trên xây dựng để ngăn lũ (chỉ có nắp ngoài mà không có nắp trong) nên việc đóng các cống này chỉ có tác dụng ngăn mặn chứ không thể trữ ngọt.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện, Châu Thành các khu vực chịu ảnh hưởng mặn nằm ở phía Nam Quốc lộ 1A với 343 ha màu và 7.361 ha cây ăn trái. Những diện tích cây trồng này có nguy cơ bị mặn xâm nhập cao gây khó khăn về nước tưới. Khu vực có nguy cơ cao bị thiếu nước là 1.580 ha lúa đang trổ (dự kiến đến đầu tháng 4 mới thu hoạch xong), trên 1.000 ha màu và một số diện tích cây trồng khác ở khu vực hệ Cổ Chi, 2.560 ha lúa đang xuống giống và trổ ở khu vực cặp Bắc Quốc lộ 1A. |
Trước tình hình mặn có khả năng tiếp tục xâm nhập sâu và kéo dài, xã đang xúc tiến làm các nắp trong của cống để đóng giữ nước phục vụ tưới tiêu cho cây ăn trái khi độ mặn tăng cao. Công việc này, xã cố gắng hoàn thành trước con nước rằm tới.
Đối với giải pháp phi công trình, xã Kim Sơn đã tăng cường công tác tuyên truyền, cập nhật diễn biến mặn và thông báo qua đài truyền thanh xã cho người dân biết để chủ động ứng phó; khuyến cáo người dân đóng các cống trong mương vườn khi độ mặn trên 1g/l; nạo vét kinh, mương trữ nước để tưới cây, sử dụng tiết kiệm nguồn nước…
“Sau khi các nắp cống được hoàn thành, cộng với sự chủ động của nhân dân, xã hoàn toàn có thể chủ động ngăn mặn, bảo vệ toàn bộ 780 ha cây ăn trái trên địa bàn” - ông Quá cho biết.
Có thể nói, trong nhiều năm qua chưa có năm nào Châu Thành đối mặt với nguy cơ xâm nhập mặn cao và sâu như năm nay. Theo cơ quan chức năng huyện, mặn xâm nhập vào địa bàn huyện năm nay phức tạp hơn mọi năm do xâm nhập mặn đến từ 2 hướng TP. Mỹ Tho lên và huyện Cai Lậy về. Từ đó, mặn xâm nhập sâu vào địa bàn huyện qua hướng rạch Bến Chùa, rạch Xoài Hột - Sáu Ầu, kinh Nguyễn Tấn Thành, kinh Cầu Cống - Kháng Chiến, Rạch Gầm - Thuộc Nhiêu, rạch Rau Răm.
Để chủ động phòng, chống hạn, xâm nhập mặn trên địa bàn, Châu Thành đã xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống hạn, xâm nhập mặn cho các xã, thị trấn trong huyện. Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện, hệ thống công trình thủy lợi kinh mương, cống, bờ bao của huyện hiện nay sẽ đảm bảo đối phó ngăn mặn vào khu vực theo từng ô nhỏ. Tuy nhiên, khi mặn xâm nhập sâu và kéo dài, nguồn nước cung cấp cho tưới sẽ gặp khó khăn.
Ông Huỳnh Văn Sơn, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết, để ứng phó với hạn, mặn, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn cập nhật và thông tin kịp thời độ mặn trên địa bàn cho dân biết qua phương tiện thông tin của xã, ấp; phát động nhân dân đóng các cống ngăn mặn của mương vườn, nạo vét mương vườn, mương rẫy, ao hồ trữ nước để tưới tiêu khi hạn xảy ra; giữ gìn vệ sinh nguồn nước.
Do đặc điểm mặn trên địa bàn ảnh hưởng theo thủy triều (mặn có nồng độ cao ở những con nước lớn và nồng độ thấp khi nước ròng) nên huyện chỉ đạo các xã, thị trấn chuẩn bị sẵn sàng các vật liệu đắp đập, ống cống và thi công kịp thời theo diễn biến mặn trên tinh thần “4 tại chỗ”; sửa chữa các cửa cống và vận hành đóng, mở các cống phải thật hợp lý (đóng cống khi độ mặn cao, mở lấy nước khi độ mặn cho phép), tổ chức bơm tạo nguồn khi độ mặn cho phép; vận động nhân dân sử dụng tiết kiệm nước, lấy nước trực tiếp hay bơm trữ khi độ mặn cho phép nhằm đảm bảo đủ nước tưới cho cây trồng.
Cùng với đó, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn hướng dẫn người dân về kỹ thuật tưới tiết kiệm, bón phân, sử dụng màng phủ nông nghiệp và kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi trong mùa hạn, mặn để giảm nhẹ thiệt hại.
Để tiết kiệm nguồn nước, tiết kiệm chi phí, huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng, các xã, thị trấn khuyến cáo người dân thành lập các tổ bơm nước nhận khoán theo cụm (từ 5 - 10 ha); tổ chức bơm tát 2 cấp khi thiếu nước xảy ra.
Đối với khu vực hệ Cổ Chi, Bắc Quốc lộ 1A, do khó khăn về nguồn nước, huyện khuyến cáo nông dân không xuống giống vụ xuân hè; chỉ xuống giống vụ hè thu chính vụ khi lượng mưa đều; còn rau màu, nông dân cần tập trung chăm sóc, thu hoạch sớm. Đối với cây ăn trái, nông dân cần thường xuyên kiểm tra mặn trong mương vườn và không được tưới nước cho cây khi độ mặn vượt mức cho phép.
Bên cạnh các giải pháp trên, các giải pháp công trình cũng được huyện đặt ra là nạo vét các tuyến kinh, đắp đập ngăn mặn, dẫn ngọt; sửa chữa nâng cấp các cống... Theo đó, để đảm bảo nước sản xuất cho khu vực hệ Cổ Chi và Bảo Định, bên cạnh các công trình thủy lợi nội đồng triển khai thực hiện theo kế hoạch, huyện yêu cầu các xã vận động nhân dân nạo vét, dọn chướng ngại vật trên các lòng kinh.
Còn khu vực Nam Quốc lộ 1A, bên cạnh sửa chữa, nâng cấp các cống đập bán kiên cố, nạo vét kinh, dự tính trong tình huống thủy triều ròng không còn khả năng lấy nước, huyện có kế hoạch đắp đập kinh Xoài Hột (Bình Đức) để dẫn ngọt từ kinh Phủ Chung qua kinh Sáu Ầu phục vụ cho các xã Thạnh Phú, Long Hưng; đắp đập kinh Cầu Cống (Song Thuận), đập kinh Cầu Đập (Đông Hòa), đập Ngã Tư (Kim Sơn) dẫn nước từ kinh Nghĩa Trang - Cầu Đập phục vụ các xã Đông Hòa, Long Hưng, Song Thuận.
Riêng khu vực Bắc Quốc lộ 1A, khi mặn xâm nhập qua các kinh Nguyễn Tấn Thành, Thuộc Nhiêu, rạch Xoài Hột lớn như năm 1998, các xã Điềm Hy, Nhị Bình, Long Định và một phần xã Tam Hiệp sẽ không đủ nước phục vụ cho sản xuất, kế hoạch của huyện là cho thi công các tuyến kinh qua các xã Điềm Hy, Nhị Bình, Long Định. Đặc biệt trong tình huống mặn cao hơn năm 1998, huyện sẽ tiến hành đắp các đập kinh Kháng Chiến, đập Cầu Ván (Long Định).
Ngoài ra, huyện đề nghị tỉnh, các đơn vị chức năng thành lập các điểm đo mặn trong mùa ở cầu Đồng Tâm, cầu Long Định, cầu Kim Sơn, cầu Rạch Gầm, cầu Sao, cầu Phú Phong; tăng cường quan trắc và thông báo, dự báo kịp thời diễn biến cho huyện để có giải pháp chủ động ứng phó; hỗ trợ kinh phí cho huyện đắp các đập tạm.
NGÔ VĂN