Mặn "uy hiếp" các bè cá
Mấy ngày qua, người nuôi cá bè ở cù lao Thới Sơn và Tân Long (TP. Mỹ Tho) như ngồi trên đống lửa vì hiện tượng cá chết nhiều. Theo người dân, nguyên nhân dẫn đến cá chết là do nước mặn xâm nhập, cá mất khả năng đề kháng, bỏ ăn và chết.
Bè cá chim hơn 3 tháng tuổi của ông Lâm Văn Tánh, phường Tân Long bị chết nhiều do độ mặn tăng cao. |
Từ khi nước mặn xâm nhập sâu vào tuyến sông Tiền, gia đình ông Lâm Văn Tánh, phường Tân Long (TP. Mỹ Tho) ăn ngủ không yên khi 10 bè cá chim và cá điêu hồng của ông chết rất nhiều.
Ông Tánh cho biết: “4 bè cá chim hơn 3 tháng tuổi của gia đình tôi chết hơn 5 - 6 tấn cá, trung bình mỗi ngày cá chết từ 100 - 200kg, còn các bè cá điêu hồng cũng chết rải rác”.
Ông mua 5 - 6 triệu đồng/ngày tiền thuốc về trộn với thức ăn để tăng chất đề kháng cho cá nhưng không hết. Mua thuốc về cho ăn thì bớt, nhưng khi hết thuốc là cá chết trở lại. Tính đến nay, chi phí cho việc xử lý đã lên đến 40 - 50 triệu đồng nhưng lượng cá chết vẫn không thuyên giảm.
Gần đó, ông Bùi Văn Tài nuôi 13 bè cá hú từ 4 - 17 tháng tuổi. Mỗi ngày, các bè cá của ông chết từ 15 - 20 con/bè cá lớn và từ 70 - 100 con/bè cá nhỏ. Theo ông, bình thường cá vẫn hao hụt nhưng thời điểm này cá chết là do một phần độ mặn tăng cao, cá mất khả năng đề kháng, bỏ ăn và dẫn đến chết. Mặc dù ông đã mua rất nhiều loại thuốc về trộn với thức ăn cho cá và độ mặn đã giảm nhưng mức độ chết vẫn còn cao.
Tại cù lao thuộc xã Thới Sơn, TP. Mỹ Tho, hiện tượng cá chết ở các bè nuôi cá do độ mặn tăng cao cũng đã diễn ra. ông Phan Văn Cường, nuôi 4 lồng bè cá điêu hồng ở ấp Thới Thạnh cho biết: “Nước mặn đã xâm nhập qua các bè cá ở đây và làm cho cá nuôi trong bè chết khá nhiều. Trước đây, cá chết khoảng 10 con/ngày thì nay tăng lên hơn 30 con/ngày và đang có dấu hiệu ngày càng gia tăng”.
Ông Lâm Văn Tánh vớt những con cá chim bị chết do mặn để bán làm thức ăn cho các loại cá khác. |
Ngoài nước mặn uy hiếp các bè cá, người nuôi còn gặp khó khăn nữa là kêu bán cá “chạy” mặn nhưng rất ít thương lái đến mua. Ông Cường cho biết:
“Tôi kêu thương lái bán 2 bè cá 5 tháng tuổi từ đầu tháng 3-2016, nhưng đến nay chưa có ai đến xem cá. Giá cá giảm chỉ còn 31.000 đồng/kg, bằng với giá thành sản xuất. Nước mặn tăng từng ngày, cá đến tuổi thu hoạch kêu bán không có lái mua, với tình hình này càng nuôi tỷ lệ hao hụt tăng cao và thua lỗ là không tránh khỏi”.
Hiện nay, địa bàn TP. Mỹ Tho có khoảng 808 bè cá/131 hộ, tập trung ở phường Tân Long và xã Thới Sơn. Theo ông Đinh Ngọc Tùng, Trưởng Phòng Kinh tế TP. Mỹ Tho, qua khảo sát tình hình xâm nhập mặn đối với một số bè cá thì những bè cá đã lớn có hao hụt nhưng không nhiều. Tuy nhiên, đối với các bè nuôi cá còn nhỏ thì số lượng chết khá cao. Nếu việc xâm nhập mặn kéo dài sẽ làm cá hao hụt nhiều hơn, người nuôi sẽ lỗ.
“Phòng Kinh tế TP. Mỹ Tho phối hợp với Chi cục Thủy sản, UBND phường Tân Long, UBND xã Thới Sơn thường xuyên thông báo tình hình xâm nhập mặn, khuyến cáo người nuôi cá bè phải thường xuyên kiểm tra sức khỏe, tốc độ sinh trưởng cá nuôi, tăng cường bổ sung thêm vitamin vào khẩu phần ăn nhằm tăng cường sức đề kháng cho đàn cá.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến môi trường nuôi, nhất là độ mặn hoặc theo dõi thông báo kết quả quan trắc môi trường nước của Chi cục Thủy sản, nhằm phát hiện sớm các biến động bất thường của môi trường để có biện pháp xử lý kịp thời cho cá nuôi.
Không thực hiện thả nuôi mới vào thời điểm mặn xâm nhập. Người nuôi chủ động thu hoạch nếu cá đã đạt kích cỡ thương phẩm; nếu cá chưa đạt kích cỡ thương phẩm cần chủ động san thưa, không nên để mật độ quá cao, duy trì mật độ nuôi từ 120 - 150 con/m2.
Ngoài ra, độ mặn tăng cao từ 7‰ trở lên và kéo dài từ 5 ngày trở lên nên chủ động di dời lồng bè đến vùng nuôi an toàn hoặc chuyển các đối tượng nuôi vào hệ thống các ao đất, vùng nuôi phù hợp, tránh thiệt hại có thể xảy ra” - ông Đinh Ngọc Tùng khuyến cáo.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Hữu Hội, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: “Chúng tôi đã có một số khuyến cáo để người nuôi cá bè phòng ngừa khi độ mặn tăng cao. Hiện nay, độ mặn chỉ trên 3 g/lít nên cũng còn trong ngưỡng cho phép.
Tuy nhiên, nếu độ mặn vượt ngưỡng cho phép thì phải xin ý kiến chỉ đạo từ cấp trên. Việc di dời các bè cá là không khả thi khi độ mặn tăng cao. Do đó, khi mặn chưa xâm nhập, Chi cục Thủy sản cũng đã khuyến cáo những bè đến ngày xuất bán thì tranh thủ thu hoạch, còn những bè nào chưa thả nuôi thì không nên thả nuôi”.
Theo Chi cục Thủy sản, cá ở các bè có chết và chỉ tăng so với bình thường 5 - 10%. Độ mặn chỉ là một trong những yếu tố làm cho cá chết, chứ không hẳn 100% cá chết là do độ mặn…
SĨ NGUYÊN
Bà Trần Thị Nguyên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cai Lậy cho biết, hơn 200 bè nuôi cá điêu hồng, cá rô phi, cá chim trắng ở cù lao Ngũ Hiệp và Tân Phong không xảy ra hiện tượng chết do nước mặn. Theo bà Nguyên, nước mặn có xâm nhập đến vùng nuôi cá ở cù lao Ngũ Hiệp và Tân Phong nhưng nằm trong ngưỡng cho phép để cá phát triển. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp khuyến cáo người nuôi không được chủ quan và tiếp tục theo dõi sát sao độ mặn ở vùng nuôi để có hướng xử lý kịp thời. |