Thứ Hai, 21/03/2016, 07:35 (GMT+7)
.

Vì sao vi phạm trên lĩnh vực trật tự giao thông đường bộ gia tăng?

Theo thống kê qua 4 năm (giai đoạn từ 2011 - 2015), tình hình vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB) ở địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp, vi phạm hành chính về TTATGTĐB còn mang tính phổ biến.

Chỉ tính trong giai đoạn 2011 - 2015, lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC67), Công an tỉnh đã phát hiện và xử lý 264.778 trường hợp, xử phạt trên 138 tỷ đồng (ngoài ra, còn giữ  27.557 xe, tước 27.224 GPLX). Trung bình mỗi năm, lực lượng còn phát hiện và xử lý trên 66.000 trường hợp với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính trên 34 tỷ đồng.

Lực lượng CSGT làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát. Ảnh: P.L
Lực lượng CSGT làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát. Ảnh: P.L

Hành vi được phát hiện và xử lý tập trung vào các nhóm lỗi phổ biến như: Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định 31.662 trường hợp (chiếm 11,5%); đi không đúng làn đường, phần đường 58.206 trường hợp (chiếm  21,9%); thiết bị không an toàn 22.696 trường hợp (chiếm 8,6%); tránh, vượt sai quy định 3.696 trường hợp (chiếm 1,4%); không giấy phép lái xe (GPLX) 21.725 trường hợp (chiếm 8,2%); chở quá số người quy định 3.741 trường hợp (chiếm 1,4%); sử dụng rượu, bia quá nồng độ quy định 4.352 trường hợp (chiếm 1,6%)…

Trong đó, đối với môtô, xe máy, các hành vi được phát hiện và xử lý tập trung vào các nhóm lỗi phổ biến sau đây: Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định 14.094 trường hợp (chiếm 5,3%); đi không đúng làn đường, phần đường 44.668 trường hợp (chiếm 16,9%); không đội mũ bảo hiểm 9.800 trường hợp (chiếm 3,7%); không GPLX và GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp 24.021 trường hợp (chiếm 9,1%); sử dụng rượu, bia quá nồng độ quy định 4.233 trường hợp (chiếm 1,6%)…

Qua thống kê, phân tích, khảo sát, nghiên cứu tình hình vi phạm hành chính về TTATGTĐB trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2011 - 2015, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, điều kiện khác nhau nhưng có thể khái quát vào một số nhóm nguyên nhân, điều kiện sau đây:

Thứ nhất, do sự tác động tiêu cực của các yếu tố xã hội đối với người tham gia giao thông: Môi trường xã hội có ảnh hưởng nhất định đến tình trạng vi phạm hành chính về TTATGTĐB, điển hình như do thói quen tùy tiện, cẩu thả, tự do của những người tham gia giao thông; chưa có thói quen chấp hành, tuân thủ quy tắc giao thông; sự xuống cấp của hệ thống giao thông đường bộ, nhận thức lạc hậu của một bộ phận không nhỏ dân cư sinh sống 2 bên đường giao thông…).

Bên cạnh đó, một số tệ nạn xã hội cũng là nguyên nhân của không ít vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ như tình trạng sử dụng các chất kích thích khi điều khiển phương tiện giao thông; tình trạng điều khiển xe chạy lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép, rượt đuổi nhau trên đường bộ… đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông (ATGT), gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho nhân dân và phản ứng, bất bình của dư luận xã hội.

Thứ hai, sự không tương thích giữa các yếu tố cơ bản cấu thành hoạt động giao thông vận tải (GTVT): Hoạt động GTVT được cấu thành bởi 3 yếu tố cơ bản là con người, phương tiện và kết cấu hạ tầng GTVT (hệ thống đường, cầu cống, công trình giao thông…). Sự vận hành và phát triển hài hòa, đồng bộ của nó có ảnh hưởng trực tiếp tới ATGT.

Vấn đề mất ATGT, tình trạng vi phạm hành chính về TTATGTĐB hiện nay có nguyên nhân sâu xa và điều kiện thực tế của từng thời điểm, xuất phát từ sự không tương thích giữa các yếu tố:

Lượng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên địa bàn tỉnh nhà tăng quá nhanh (năm 2006 là 425.680 xe, tính đến hết ngày 8-3-2016 là 948.479 xe); lượng phương tiện lưu thông qua tuyến QL1 hiện nay khoảng 66.000 đến 75.000/ ngày+đêm); trong khi đó điều kiện kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tuy có nâng cấp, mở rộng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình thực tế nên đã dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và TNGT đường bộ còn ở mức cao và diễn biến phức tạp.

Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã và đang được nâng cấp, sửa chữa, bảo dưỡng, song cơ bản chỉ mới tập trung cho những công trình quan trọng như các tuyến đường cao tốc, Quốc lộ…, còn giao thông ở các vùng sâu, xa trung tâm chưa được chú trọng đầu tư phát triển.

Tình trạng vi phạm hành chính về TTATGTĐB cũng như TNGT có nguyên nhân từ ý thức chấp hành quy định về Luật Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông còn thấp (chiếm tới trên 90% tổng số vụ xảy ra).

Thứ ba, do công tác quản lý Nhà nước về TTATGTĐB còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập: Hệ thống văn bản pháp luật của Nhà nước về đảm bảo TTATGTĐB chậm được đổi mới, thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất, nhiều nội dung đến nay không thực sự phù hợp với thực tiễn công tác quản lý TTATGTĐB hoặc như có những quy định vừa mới có hiệu lực thi hành thì bị sửa đổi bổ sung, nên gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện. Việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ trên thực tế vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định nên chưa thể đạt được hiệu quả tối ưu như mong muốn của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Tính từ năm 2011 - 2015, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1.833 vụ TNGTĐB; nguyên nhân gây ra TNGT phổ biến ở một số dạng như:

Điều khiển xe chạy không làm chủ tốc độ quy định 131 vụ (chiếm 7,15%); uống rượu bia khi tham gia giao thông 102 vụ (chiếm 5,56%);

Đi không đúng làn đường, phần đường 496 vụ (chiếm 27,06%); tránh, vượt không đảm bảo an toàn 63 vụ (chiếm 3,44%); thiếu chú ý quan sát 85 vụ (chiếm 4,64%);

Bộ hành vi phạm quy tắc giao thông 82 vụ (chiếm 4,47%); không nhường đường 96 vụ (chiếm 5,24 %)...

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, để đảm bảo TTATGTĐB và nâng cao hiệu quả công tác xử phạt vi phạm hành chính về TTATGTĐB nhằm góp phần làm giảm các hành vi vi phạm và phòng ngừa hiệu quả, kiềm, kéo giảm được TNGT, thiết nghĩ nên thực hiện một số giải pháp:

Một là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về TTATGTĐB của người tham gia giao thông; góp phần hạn chế vi phạm hành chính về TTATGTĐB; kiềm, kéo giảm được TNGT.

Hai là, cần phải rà soát, bổ sung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật như Luật GTĐB, Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và công tác phòng ngừa, xử lý TNGT...

Ba là, mỗi người tham gia giao thông nên chấp hành nghiêm pháp luật về TTATGTĐB như đi đúng phần đường, làn đường quy định; không tranh giành, phải biết nhường nhịn nhau, xử lý tình huống trong quá trình tham gia giao thông phải có văn hóa giao thông;

Đối với người lái ô tô đường dài nên có từ 2 lái xe trở lên, có thời gian nghỉ ngơi để đảm bảo sức khỏe khi lái xe, có như thế thì TNGT không xảy ra, tình hình giao thông đường bộ mới được ổn định, đảm bảo và thông suốt.

Thượng tá TRẦN VĂN BÌNH
(Phó Trưởng phòng PC67, Công an Tiền Giang)

.
.
.