Thứ Sáu, 01/04/2016, 17:35 (GMT+7)
.

Công tác cán bộ nữ cần được quan tâm bằng hành động

Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị là mục tiêu thứ nhất trong Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới.

Trong thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã quan tâm tiến hành khảo sát thực trạng, xu hướng phát triển của đội ngũ cán bộ nữ, phụ nữ trong phạm vi ngành và địa phương. Trên cơ sở đó, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, đề bạt phụ nữ vào các cương vị lãnh đạo, quản lý, đã có những chuyển biến tích cực.

Nâng cao vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị là 1 trong những mục tiêu quan trọng được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm.
Nâng cao vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị là 1 trong những mục tiêu quan trọng được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm.

TỶ LỆ CÁN BỘ NỮ CHƯA TƯƠNG XỨNG

Nổi bậc nhất về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị là tỷ lệ nữ đảng viên không ngừng tăng lên về số lượng; tỷ lệ nữ tham gia trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội ngày càng nhiều.

Đặc biệt, có không ít cán bộ nữ giữ vai trò chủ chốt trong cơ quan Đảng, Nhà nước, cơ quan dân cử, các ban, ngành, đoàn thể. Kết quả thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới đã tác động rất lớn đến cách nghĩ của đại bộ phận chị em từ thành thị đến nông thôn. Vai trò đóng góp của lực lượng nữ vào các hoạt động trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội ngày càng nhiều hơn.

Tuy nhiên, tỷ lệ nữ tham gia công tác trong cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội trên phạm vi toàn tỉnh cũng còn khiêm tốn, chưa đạt tỷ lệ theo mục tiêu phấn đấu, cụ thể:

Hiện toàn tỉnh có hơn 25.000 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có 50,25% là nữ. Tỷ lệ nữ chiếm 25,53% trong cơ quan Đảng, 41,33% trong cơ quan đoàn thể, 27,15% trong cơ quan hành chính Nhà nước và 53,07% tại các đơn vị sự nghiệp.

Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý còn khá khiêm tốn, cụ thể: Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020 cấp ủy tỉnh chỉ có 7 nữ trong tổng số 50 ủy viên, chiếm 14%; cấp ủy cấp huyện có 89 nữ/552 tổng số ủy viên, chiếm 16,21%; cấp ủy cơ sở có 934 nữ/4.689 tổng số ủy viên, chiếm 19,9%.

Đại biểu nữ tham gia HĐND các cấp trong tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016 chưa nhiều; tỷ lệ nữ tham gia UBND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 quá ít, hiện cấp tỉnh không có; cấp huyện chỉ chiếm tỷ lệ 2,5% và cấp xã chỉ đạt 7,54%. Tỷ lệ nữ lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan Nhà nước ở cả 3 cấp còn khiêm tốn: Ở cấp tỉnh chiếm 16,13%, cấp huyện chiếm 12,9% và cấp cơ sở chiếm 26,82%.

Nguyên nhân chính của tình trạng này vẫn là do công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ nữ trong thời gian qua còn nhiều nơi làm chưa tốt; có cơ quan, đơn vị bị hụt hẫng, không có nguồn cán bộ nữ kế thừa để thay thế, nhất là những ngành có đông nữ.

Mặt khác, nhận thức và đánh giá của cấp ủy, chính quyền ở một số đơn vị cơ sở về vai trò, vị trí của đội ngũ cán bộ, viên chức nữ chưa đầy đủ, vẫn còn biểu hiện xem nhẹ phụ nữ và bản thân một số phụ nữ còn ràng buộc gia đình, thiếu ý chí phấn đấu vươn lên nên đã hạn chế việc đưa phụ nữ vào vị trí lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp.

CẦN QUAN TÂM BẰNG HÀNH ĐỘNG

Chúng tôi ghi nhận được một thực tế là nhận thức của một số cấp ủy, thủ trưởng  cơ quan, đơn vị về bình đẳng giới còn hạn chế, trong đánh giá còn biểu hiện cầu toàn, có khi thiếu tin tưởng khi giao việc cho phụ nữ, thiếu quan tâm bồi dưỡng, giúp đỡ để phụ nữ phấn đấu vươn lên; chưa có biện pháp cụ thể trong việc tạo nguồn quy hoạch, đào tạo, sắp xếp, bố trí, bổ nhiệm cán bộ nữ.

Mặt khác, chế độ, chính sách đối với cán bộ nữ, phụ nữ tuy có cải thiện nhưng chưa thật sự động viên, khuyến khích cán bộ nữ, phụ nữ trước yêu cầu thực tế. Tư tưởng trọng nam, khinh nữ, những định kiến hẹp hòi vẫn còn tồn tại trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân làm ảnh hưởng lớn đến vai trò phụ nữ trong hoạt động xã hội, tham gia lãnh đạo, quản lý trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội.

Một số cấp ủy cơ sở chưa thấy hết ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác kết nạp đảng viên nữ; thiếu sự bồi dưỡng, định hướng phấn đấu cho số nữ thanh niên trong các tổ chức Đoàn, Hội, các cơ sở giáo dục - đào tạo, những ngành có đông lao động nữ... nên nhiều người chưa xác định rõ động cơ phấn đấu vào Đảng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân hẫng hụt nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ ở các cấp, các ngành.

Thực tế cho thấy, nơi nào cấp ủy có sự quan tâm tạo nguồn, xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nữ thì nơi đó công tác bình đẳng giới đạt kết quả tốt. Tất nhiên, việc quan tâm không phải chỉ bằng văn bản mà cốt yếu ở sự kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện.

Công tác cán bộ nữ và nâng cao vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị của tỉnh đã có chuyển biến nhưng còn phải tiếp tục kiên trì nỗ lực. Song song với chính sách của Đảng, Nhà nước và sự quan tâm của cấp ủy thì không ai khác, chính bản thân mỗi cán bộ nữ, phụ nữ phải nỗ lực để nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thiện bản thân để xứng tầm với vị trí, vai trò mới.

THỦY HÀ

.
.
.