Thứ Tư, 13/04/2016, 19:29 (GMT+7)
.

Kiên quyết chấn chỉnh vi phạm tiếng ồn và khai thác cát sông trái phép

Vi phạm về tiếng ồn của dịch vụ karaoke ngoài trời và tình trạng khai thác cát sông trái phép là những vấn đề quan trọng cần được tiếp tục chấn chỉnh, xử lý trong thời gian tới.

1. Việc xử lý tiếng ồn của dịch vụ karaoke ngoài trời đã được Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng chỉ đạo tại cuộc họp ngày 8-1.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Công an tỉnh và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng sử dụng âm thanh có tăng âm, loa công suất lớn, gây tiếng ồn, làm mất trật tự, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.

Đồng thời, UBND tỉnh cũng xem xét trang bị công cụ cho cán bộ thực thi công vụ để đo tiếng ồn làm cơ sở xử lý các vi phạm hành chính liên quan dịch vụ này.

Kiên quyết chấn chỉnh tình trạng khai thác cát sông trái phép.
Kiên quyết chấn chỉnh tình trạng khai thác cát sông trái phép.

Tuy nhiên, thực tế vi phạm về tiếng ồn của các dịch vụ karaoke ngoài trời trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến rất phức tạp. Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp Đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội quý I và triển khai nhiệm vụ quý II-2016 do UBND tỉnh tổ chức sáng ngày 7-4, ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, sở đã phối hợp với các ngành có liên quan thống nhất xây dựng quy chế phối hợp trong kiểm tra xử lý tiếng ồn karaoke.

“Sở VH-TT&DL chỉ thực hiện phối hợp kiểm tra còn xử lý vi phạm thuộc Sở TN-MT vì liên quan đến việc đo tiếng ồn, muốn vậy phải có máy, có tập huấn nên hiện chưa xử lý vi phạm hành chính mà chỉ nhắc nhở. Tôi cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở” - ông Nguyễn Ngọc Minh cho biết.

Liên quan đến xử lý tiếng ồn karaoke “di động”, ông Trần Xuân Thành, Giám đốc Sở TN-MT cho rằng, hiện nay Sở TN-MT đang phối hợp với Sở Tài chính để mua máy đo tiếng ồn theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Mỗi huyện, thị, thành sẽ được trang bị 2 máy. Đồng thời, Sở TN-MT cũng đang phối hợp với Viện Môi trường và Tài nguyên TP. Hồ Chí Minh để lên kế hoạch tập huấn cho các đơn vị.

Vừa qua, sở cũng đã gửi văn bản đến các địa phương để cử cán bộ tham gia tập huấn liên quan đến việc lập biên bản vi phạm cũng như đo tiếng ồn ở những nơi xảy ra hoạt động này. Sở TN-MT cũng đã chỉ đạo Trung tâm Quan trắc lập các thủ tục xin giấy phép để xử lý, lập hồ sơ khi có nơi vi phạm về tiếng ồn để xử lý theo quy định. Về vấn đề xử phạt, theo chức năng, Sở TN-MT sẽ tham gia với các đoàn kiểm tra liên ngành.

Trước thực trạng vừa qua, ông Trần Thanh Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, hiện nay tỉnh chỉ yêu cầu kiểm tra nhắc nhở, còn việc lập biên bản xử phạt hành chính phải làm đúng quy trình. Ông Trần Thanh Đức cũng đề nghị ngành VH-TT&DL tiếp tục phối hợp với các ngành hoàn chỉnh dự thảo phối hợp liên ngành về xử lý vi phạm về tiếng ồn của các dịch vụ karaoke ngoài trời.

Trong quá trình triển khai thực hiện, ông Trần Thanh Đức cũng đề nghị ra quân đồng loạt trên tất cả các địa phương. “UBND các huyện, thành, thị cần phân công đồng chí Phó Chủ tịch, cấp xã cũng phân công một đồng chí Phó Chủ tịch là Trưởng Ban chỉ đạo để xử lý vấn đề này. Ngoài tổ liên ngành, các địa phương cần thiết lập đường dây nóng xử lý vấn đề vi phạm tiếng ồn.

Trước mắt tổ liên ngành đi kiểm tra, lập biên bản vi phạm; đồng thời cần xem xét đến điều kiện kinh doanh đối với loại hình karaoke. Bên cạnh đó, đề nghị Sở TN-MT tiến hành nhanh việc mua máy đo tiếng ồn theo ý kiến chỉ đạo trước đây của Chủ tịch UBND tỉnh và tổ chức tập huấn, đến tháng 6 phải có đủ các điều kiện để tiến hành xử phạt vi phạm hành chính về vấn đề này” - ông Trần Thanh Đức nhấn mạnh.

2. Việc khai thác cát sông trái phép cũng là vấn đề nổi lên trong thời gian gần đây. Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Xuân Thành, Giám đốc Sở TN-MT cho rằng, sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TN-MT đã tham mưu ban hành Quy chế phối hợp trong tăng cường quản lý, kiểm tra xử lý khai thác cát sông; Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Quản lý bảo tồn khai thác cát sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh. Đây là những văn bản quan trọng nhằm củng cố và tăng cường chỉ đạo điều hành của tỉnh đối với lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, Sở TN-MT cũng kết hợp với ngành Thuế, Sở Tài chính tham mưu tỉnh ban hành quy định về khai thác khoáng sản; trong quý I cũng đã cấp được 3 giấy phép khai thác, với tổng số tiền thu được từ khai thác khoáng sản gần 2 tỷ đồng.

Để tăng cường công tác này, Sở TN-MT cũng đã phối hợp với Công an tỉnh, Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh có kế hoạch kiểm tra tài nguyên khoáng sản; trong quý I-2016 đã tổ chức được 8 cuộc thanh, kiểm tra, phát hiện và xử lý 10 trường hợp vi phạm, với số tiền trên 800 triệu đồng.

Đồng thời, Sở  TN-MT cũng tổ chức tuyên truyền về Luật khoáng sản, cũng như các văn bản có liên quan. Sở TN-MT cũng đã hoàn thành dự thảo, đang chờ các ngành góp ý, sau đó sẽ trình UBND tỉnh phương án tạm giữ phương tiện vi phạm khai thác cát sông trái phép. Theo Sở TN-MT, hiện nay xử lý việc khai thác cát sông trái phép cũng chỉ dừng lại ở việc xử phạt tiền và kiểm tra nhắc nhở đối với phương tiện vi phạm.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đặt vấn đề, qua một quý tăng cường triển khai hoạt động quản lý, kiểm tra, việc khai thác cát sông trái phép có giảm hay không, việc chuyển đổi nghề được thực hiện như thế nào? Trả lời câu hỏi này, ông Trần Xuân Thành cho rằng, so với các năm trước hoạt động khai thác cát sông trái phép có phần giảm đi.

Hiện nay, Sở TN-MT đã thực hiện nhiều giải pháp khác nhau, có thể thực hiện giải pháp độc lập, kiểm tra xong mới phối hợp xử lý hoặc tùy theo vụ việc kiểm tra mà chỉ phối hợp với một số ngành chứ không như trước đây phối hợp đầy đủ các thành phần của tổ liên ngành. Tuy nhiên, Sở TN-MT cũng cần sự phối hợp chặt chẽ của địa phương, cơ sở đối với việc xử lý khai thác cát sông.

“Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 162 tổ chức, cá nhân hành nghề khai thác cát sông, với tổng số 185 phương tiện; trong đó có 33 cá nhân là hộ cận nghèo, 5 cá nhân là hộ nghèo nên ngành TN-MT sẽ phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội để xem xét các chế độ, chính sách có liên quan đến việc chuyển đổi nghề” - ông Trần Xuân Thành cho biết.

THẾ ANH

.
.
.