Thứ Hai, 25/04/2016, 15:06 (GMT+7)
.

Thăng trầm xoài cát Hòa Lộc

Xoài cát Hòa Lộc là một trong 7 loại trái cây chủ lực của tỉnh. Trong thời gian qua, các ngành chức năng đã tập trung đầu tư quy hoạch, phát triển loại cây đặc sản này. Vậy xoài cát Hòa Lộc đã xuất hiện từ khi nào và bám trụ ra sao trên vùng đất Hòa Hưng (huyện Cái Bè)?

Kiểm tra vườn xoài cát Hòa Lộc sắp cho thu hoạch.
Kiểm tra vườn xoài cát Hòa Lộc sắp cho thu hoạch.

Chúng tôi tìm về nơi khai sinh ra giống xoài đặc trưng mang tên Hòa Lộc ở xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè. Hiện nay, ở ấp Hòa, xã Hòa Hưng còn gốc cây xoài hơn 90 tuổi. Chủ nhân của cây xoài này, cũng là “hậu duệ” đời thứ 3 của người có công mang giống xoài về đây trồng, là ông Nguyễn Ngọc Tấn (68 tuổi). Theo ông Tấn, giống xoài này có từ trước năm 1922. Khi đó, ông Nguyễn Văn Lời (ông nội ông Tấn) làm mướn cho nhà địa chủ Phán Sang ở vùng đất Mỹ Tho. Khoảng năm 1922, ông Phán Sang đi họp ở đâu không biết, có mang về mấy trái xoài, ông Phán Sang và ông Lời cùng ăn. Thấy xoài ngon, ông Lời xin 3 hột mang về vùng đất Hòa Hưng, quận Giáo Đường, tỉnh Định Tường (tên huyện trước đây), nay là ấp Hòa, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè để trồng. Thời gian sau, hột xoài bắt đầu nảy mầm và sinh trưởng tốt trên vùng đất phù sa ven sông Tiền này.

Khoảng năm 1928, cây xoài bắt đầu cho trái. Nhờ chất lượng ngon, hương vị đậm đà và trồng ở gần Đình Hòa Lộc nên được bà con gọi là xoài cát Hòa Lộc. Tiếng lành đồn xa, người dân khắp nơi đến mua giống về trồng. Năm 1940, ông Lời mang sản phẩm xoài nhà mình đi đấu xảo (triển lãm) và đạt giải Nhất Quốc gia. Vào năm 1970, trong những lần càn quét dữ dội của giặc, gia đình ông Lời phải di tản, để lại mảnh vườn và 3 cây xoài cát Hòa Lộc. Khi trở lại vườn, ông Lời thấy 2 cây xoài đã bị đốn mất, nhà cửa tan hoang, chỉ còn sót lại 1 cây xoài và vài hột xoài đang nẩy mầm. Ông Lời tiếp tục mang những hột đã nẩy mầm ra trồng và nhân rộng đến ngày nay. Hiện tại, mảnh vườn ông Tấn còn lại 1 gốc xoài trên 90 tuổi nhưng đã bị chết và 5 cây trên 45 năm tuổi. “Đây là cây quý, là “báu vật” mà ông nội tôi để lại, giờ nó không chỉ của gia đình mà của Quốc gia nên phải cố gắng duy trì được nguồn giống cho thế hệ mai sau”- ông Nguyễn Ngọc Tấn cho biết.

Theo tài liệu từ Hội Làm vườn huyện Cái Bè, xoài cát Hòa Lộc được trồng lâu đời nhất ở huyện Cái Bè. Đây là loại xoài cát có dạng trái thuôn dài, tròn mình, eo rốn trái rõ, đỉnh trái nhọn, bầu tròn gần cuống. Khi chín, trái màu vàng tươi, vỏ mỏng, phủ lớp phấn trắng mịn, có đốm nhỏ, màu nâu đen, đốm dạng tròn; thịt trái màu vàng tươi, dày, độ chắc thịt cao, mịn, dẻo, ít nước, ít xơ. Trái có vị rất ngọt, mùi thơm dịu đặc trưng. Một số vùng có thổ nhưỡng phù hợp để duy trì loại xoài này là xã: Hòa Hưng, An Hữu, An Thái Trung, Tân Hưng, Tân Thanh, Mỹ Lương, An Thái Đông, Mỹ Đức Tây, Mỹ Đức Đông, Thiện Trí, Hòa Khánh, Hậu Thành và Mỹ Lợi A thuộc huyện Cái Bè.

Công tác sưu tập giống xoài đã được Viện Cây ăn quả miền Nam thực hiện từ năm 1994. Kết quả đã thu thập được 101 giống xoài, trong đó có 56 giống xoài nhập nội và 45 giống xoài trong nước. Ở phía Nam, xoài được trồng tập trung ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, một số tỉnh miền Đông Nam bộ và Khánh Hòa. Các giống được trồng phổ biến như: Xoài cát Hòa Lộc, Cát chu, Thanh ca, xoài Xiêm và xoài Canh nông. Một số giống xoài có chất lượng cao và có nhiều triển vọng cho sản xuất như: Xoài cát Hòa Lộc, xoài cát Chu, xoài Yellow gold, xoài R2E2, xoài Thanh ca, xoài Thơm...

Công tác bình tuyển giống từ năm 1995 và Hội thi Cây xoài giống tốt được tổ chức tại Viện Cây ăn quả miền Nam vào năm 1996, hai cá thể đầu dòng của giống xoài cát Hòa Lộc mang mã số CT1 và C6 đã được Bộ NN&PTNT công nhận, đưa vào sản xuất ở các tỉnh phía Nam năm 1997. Đây là thành quả xứng đáng dành cho một giống cây có nguồn gốc lâu đời, thơm ngon và có chất lượng. Ngày 3-9-2009, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý số 00016 theo Quyết định 1737/QĐ-SHTT cho sản phẩm xoài cát Hòa Lộc. Ông Nguyễn Thành Nhơn, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Xoài cát Hòa Lộc phấn khởi: “Sau khi xoài cát Hòa Lộc có Chỉ dẫn địa lý sẽ tạo điều kiện cho việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, khẳng định được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, chỉ rõ tính chất và chất lượng đặc thù của xoài được trồng trên đất Hòa Lộc (huyện Cái Bè). Đây là cơ sở góp phần tăng giá trị kinh tế cho người dân trồng xoài, đẩy mạnh sự phát triển các lĩnh vực khác như: Công nghiệp chế biến, du lịch sinh thái, giải quyết công ăn việc làm... góp phần tăng giá trị tích lũy cho thương hiệu xoài cát Hòa Lộc, giữ gìn và phát triển trái cây đặc sản của địa phương, cũng như của cả nước”.

Một hướng mở khác cho người trồng xoài cát Hòa Lộc là nhiều doanh nghiệp chủ động gặp gỡ HTX và nông dân trao đổi nhằm đưa đến những thống nhất trong liên kết sản xuất. Ông Phan Quốc Nam, Giám đốc Công ty TNHH Long Uyên chia sẻ: “Công ty rất mong muốn hợp tác liên kết tiêu thụ xoài với nông dân. Hướng đi của doanh nghiệp là chế biến, vì vậy, bà con chỉ cần đáp ứng nhu cầu số lượng và đảm bảo không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, công ty sẽ thu mua hết sản lượng xoài”.

SĨ NGUYÊN

Không đủ xoài để xuất khẩu

Sau khi có Chỉ dẫn địa lý và bắt tay vào thực hiện quy trình sản phẩm “sạch”, trái xoài cát Hòa Lộc bắt đầu được xuất ngoại đi các nước. Năm 2009, HTX Xoài cát Hòa Lộc đã xuất trên 100 tấn xoài sang thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Bangladesh. Theo ông Nguyễn Thành Nhơn, mỗi năm, các nước đặt mua xoài cát Hòa Lộc đến vài trăm tấn nhưng không có hàng để giao. Nhiều hợp đồng đã ký nhưng buộc phải hủy do HTX không gom đủ số lượng. Từ đầu năm 2016 đến nay, HTX bán sang Nhật Bản được trên 7 tấn và phải giao 50 - 60 tấn nữa trong năm nay khi mùa vụ bắt đầu… Riêng thị trường Hàn Quốc, HTX đã ký kết khoảng 300 tấn xoài xuất khẩu, nhưng mùa vụ xoài năm nay không thuận lợi nên hợp đồng không thực hiện được. HTX Xoài cát Hòa Lộc hiện có 56 ha/125 hộ, năng suất mỗi năm khoảng 500 - 600 tấn. Theo thống kê, huyện Cái Bè có khoảng 1.000 ha xoài, sản lượng hàng năm khoảng 15.000 tấn, tập trung ở 13 xã.

 

 

.
.
.