Thứ Tư, 25/05/2016, 15:55 (GMT+7)
.

Chủ động ứng phó không để dịch sốt xuất huyết bùng phát

Năm 2015, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh tăng 147,6% so với cùng kỳ năm 2014 và dịch đã xảy ra trên địa bàn huyện Gò Công Đông, với những đặc điểm dịch tễ được ghi nhận như đỉnh dịch vào tháng 9, muộn hơn 1 tháng so với đỉnh dịch trung bình 5 năm là vào tháng 8. Số ca mắc cao ở những tháng cuối năm 2015 và kéo dài sang những tháng đầu năm 2016.

Kết quả phân lập virút cho thấy, có sự hiện diện của cả ¾ typ Dengue, tiếp tục có sự chuyển typ với sự gia tăng của D4 từ 10% lên 36,1%, xu thế giảm D1, D2, không có D3. Riêng huyện Gò Công Đông có sự xuất hiện của typ D1 là typ mới trong năm 2015, so với các typ lưu hành trong năm 2014 là D3, D4, cùng với các chỉ số muỗi, lăng quăng Aedes rất cao là nguyên nhân dẫn đến bùng phát dịch.

Hiện tại, thời tiết bắt dầu vào mùa mưa và số ca mắc SXH vẫn tiếp tục gia tăng. Tính đến tuần thứ 20 (đến ngày 15-5-2016), số ca mắc SXH là 888 trường hợp, tăng 228,9% so với cùng kỳ năm 2015. Dự báo tình hình SXH vẫn diễn biến phức tạp và nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các huyện Cái Bè và TP. Mỹ Tho.

Hướng dẫn người dân tự diệt lăng quăng, diệt muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết. 		Ảnh: HẠNH NGA
Hướng dẫn người dân tự diệt lăng quăng, diệt muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: Hạnh Nga

Nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và thực hành của người dân tại cộng đồng trong phòng chống bệnh SXH, thực hiện Chỉ thị 05/CT-BYT ngày 16-3-2016 của Bộ Y tế về việc tổ chức chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng và triển khai công tác phòng, chống bệnh do virút Zika, Sở Y tế đã tổ chức ký cam kết phối hợp phòng, chống dịch bệnh do virút Zika và SXH giữa lãnh đạo Sở Y tế và UBND các huyện, thị, thành.

Đồng thời, tổ chức phát động Chiến dịch người dân tự diệt muỗi, lăng quăng để phòng bệnh do vi rút Zika và SXH nhằm kêu gọi mỗi người dân, gia đình và cộng đồng cũng như các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức hãy nêu cao vai trò trách nhiệm trong việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.

Song song đó, các giải pháp về chuyên môn, kỹ thuật cũng đã được triển khai như giám sát véc-tơ định kỳ và đột xuất, giám sát trọng điểm, giám sát ca bệnh và thực hiện xét nghiệm Mác - Elisa, phân lập vi rút nhằm dự báo nguy cơ, xử lý triệt để các ổ dịch, tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng trên địa bàn toàn tỉnh, chủ động dập dịch trên địa bàn ấp, khu phố, xã không để dịch lan rộng.

Để khống chế dịch hiệu quả, ngoài việc đầu tư nguồn lực từ Trung ương đến địa phương; hoạt động phòng, chống SXH cần phải được chỉ đạo, điều hành quyết liệt của chính quyền cùng với sự hỗ trợ tích cực của ban, ngành, đoàn thể các cấp; huy động lực lượng, phân công người phụ trách địa bàn, thường xuyên kiểm tra, giám sát đôn đốc, nhắc nhở các hộ gia đình diệt muỗi, diệt lăng quăng hàng tuần.

Đồng thời, đề xuất xử lý hành chính đối với các cá nhân, tập thể, tổ chức, hộ gia đình không thực hiện diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng, chống SXH tại địa bàn dân cư theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ.

Mục đích của việc xử phạt hành chính nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng, bảo đảm sự bền vững trong hoạt động phòng chống SXH, ngăn chặn hiệu quả sự lây truyền không để dịch bùng phát, góp phần bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân tỉnh Tiền Giang.

BS. LÊ ĐĂNG NGẠN

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh

.
.
.