"Đường băng" nào cho du lịch Tiền Giang?
Du lịch từ lâu được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Những năm gần đây lượng du khách đến với Tiền Giang luôn tăng, bình quân tăng gần 10%/năm, qua đó Tiền Giang vẫn khẳng định thế “thượng phong” về lượng du khách của mình trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Năm 2015 tỉnh đã thu hút 1.525.129 lượt du khách, trong đó có 517.198 luợt khách quốc tế; đứng thứ 5/13 tỉnh ĐBSCL về thu hút khách du lịch nội địa, riêng khách quốc tế Tiền Giang dẫn đầu khu vực.
Du khách mua sắm tại Cù lao Thới Sơn. |
Tuy nhiên, những con số trên đây chỉ là một phần trong bức tranh toàn cảnh về du lịch Tiền Giang. Một thực tế không thể phủ nhận là hiệu quả kinh tế từ du lịch của tỉnh chưa tương xứng với lượng khách du lịch; doanh thu từ du lịch của ta tuy có tăng nhưng vẫn còn khá khiêm tốn, do chúng ta chỉ hưởng “phần ngọn” từ các công ty lữ hành quốc tế ở TP. Hồ Chí Minh; du khách rất ít chi xài, mua sắm khi đến Tiền Giang.
Số liệu thống kê về cơ cấu chi tiêu của khách cách đây 10 năm thì 28,27% dành cho tham quan du lịch, ăn uống 56,9%, mua sắm và dịch vụ khác chỉ có 3,48%. Theo một cán bộ quản lý về du lịch thì hiện tại chưa có số liệu thống kê chính xác nhưng vẫn không khá hơn so với truớc; lượng khách du lịch đến tăng nhiều nhưng doanh thu tăng không tuơng xứng, do khách ít chi tiêu tại Tiền Giang, thậm chí ăn trưa cũng ở Bến Tre.
Từ đó, bài toán về phát triển du lịch bền vững và hiệu quả là vấn đề đã và đang đặt ra cho những nhà quản lý và doanh nghiệp. Để giải bài toán này, chúng ta đã tìm được những số liệu cho các điều kiện cần, tuy nhiên phương pháp giải, đúng hơn là những giải pháp đồng bộ để thực hiện thì vẫn chưa rõ ràng; trong khi điều kiện đủ là vốn đầu tư và con người thì vẫn là ẩn số.
Dẫu sao đó cũng là bài toán chiến lược, có tính “dài hơi” để phát triển ngành công nghiệp không khói của tỉnh trong xu thế cạnh tranh thời hội nhập. Vấn đề bức xúc, tạo sự quan tâm của dư luận hiện tại là hình ảnh du lịch Tiền Giang đang dần xấu đi, trước những chiêu thức cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp (DN) kinh doanh trên địa bàn; cùng với vấn nạn cò mồi câu móc khách du lịch, dịch vụ bán hàng tự phát không theo quy hoạch, vấn đề môi trường nhếch nhác… Tất cả đã làm cho cái gọi là “văn minh miệt vườn” của du lịch sinh thái Tiền Giang đã ít nhiều mai một trong lòng du khách.
Toàn tỉnh hiện có đến 50 DN hoạt động kinh doanh lữ hành và vận chuyển khách du lịch, với 400 tàu vận chuyển du lịch, trong đó có đến 14 DN kinh doanh lữ hành quốc tế. Tuy nhiên, thời gian qua với phương châm “bến ai nấy xuống, tàu ai nấy chạy”, sự phối hợp chung tay vì một thương hiệu Du lịch Tiền Giang xem ra vẫn còn khá rời rạc. Trong đó vai trò “chủ xị” của Hiệp hội Du lịch Tiền Giang vẫn chưa thật sự phát huy.
Sắp xếp, chấn chỉnh lại hoạt động du lịch trên địa bàn là vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay. Và phải chăng bài toán có tính “ngắn hạn” này cũng vượt quá khả năng của những nhà quản lý. Nhiều buổi làm việc với các DN kinh doanh du lịch trên địa bàn cùng các ban, ngành liên quan, các nhà quản lý du lịch đã bàn về vấn đề này thì giải pháp đưa ra trong thời gian tới cho việc chấn chỉnh nạn cò mồi câu móc khách vẫn còn khá chung chung, xem ra chưa “đủ đô” cho vấn nạn này.
Làm thế nào để các DN lữ hành nghiêm chỉnh thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Du lịch; gắn kết quyền lợi DN với lợi ích chung của cộng đồng. Làm thế nào để công tác phối hợp liên ngành sẽ tốt hơn, cho việc kiểm tra có hiệu quả; làm thế nào để các ngành liên quan ý thức việc chấn chỉnh lại hoạt động du lịch, tạo bộ mặt sáng hơn cho bức tranh du lịch Tiền Giang là trách nhiệm chung, không riêng của ngành quản lý du lịch? Trả lời những câu hỏi này, vai trò cầm trịch của Nhà nước là yếu tố quyết định.
Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), nguồn nhân lực cho công tác quản lý du lịch của tỉnh hiện đang thiếu, Phòng Quản lý Du lịch trực thuộc sở chỉ có 4 chuyên viên, chưa thể đáp ứng nhu cầu trong xu thế hội nhập hiện nay.
Nguồn vốn ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng đến các điểm, khu du lịch, nhất là các vùng trái cây đặc sản Tiền Giang còn hạn chế; thiếu kinh phí trong việc trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa gắn với công tác xúc tiến quảng bá du lịch để góp phần nâng chất, tính hấp dẫn của các sản phẩm du lịch của tỉnh. Đây cũng là những vấn đề Sở VH-TT-DL đang tham mưu, kiến nghị với UBND tỉnh.
Cũng theo Sở VH-TT-DL, tỉnh cần duyệt một nguồn ngân sách cho “sự nghiệp phát triển du lịch”, bởi từ khi thông qua Quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2020 vào năm 2013 đến nay tỉnh chưa duyệt kinh phí cho sự nghiệp du lịch để ngành có thể triển khai thực hiện quy hoạch.
Bên cạnh đó, Sở VH-TT-DL sẽ tham mưu với tỉnh tăng cuờng liên kết, hợp tác phát triển du lịch với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng, nhất là các tỉnh Cụm duyên hải phía Đông ĐBSCL (Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Long An) để xây dựng các tuyến du lịch liên kết, phát triển sản phẩm đặc trưng dựa trên lợi thế về tài nguyên du lịch, văn hóa của mỗi địa phuơng.
Đó là những giải pháp lớn trong chiến dịch chấn chỉnh lại hoạt động du lịch, nhằm khôi phục lại hình ảnh du lịch Tiền Giang trong thời gian tới. Hy vọng với những nỗ lực này, sẽ từng bước đưa hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh vào quỹ đạo, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư trên lĩnh vực này; tạo sự gắn kết giữa các DN, tất cả chung tay đồng lòng, tạo thành “đường băng” thông thoáng có thể đưa du lịch Tiền Giang cất cánh trong tương lai gần.
DUY SƠN