Thứ Bảy, 07/05/2016, 08:04 (GMT+7)
.

Hãy lắng nghe những câu chuyện của trẻ

Xâm hại tình dục trẻ em là vấn đề cần được cảnh báo do diễn biến ngày càng phức tạp. Xót xa hơn, nhiều bé gái chưa kịp bước qua tuổi xuân thì đã phải làm mẹ. Không chỉ bé gái mới bị xâm hại mà cả bé trai cũng là đối tượng của những tên “yêu râu xanh”. Do đó việc trang bị kỹ năng sống, phòng vệ cá nhân cho trẻ là rất cần thiết.

Minh họa: Lê Duy
Minh họa: Lê Duy

Tình trạng xâm hại tình dục trẻ em hiện nay vô cùng phức tạp. Kẻ gây án có thể là bất kỳ ai. Đó là người quen biết hoặc không quen biết, thậm chí kẻ xấu có mối quan hệ gần gũi với trẻ nên ít bị nghi ngờ, để ý. Đôi khi, kẻ gây án không phải là người dễ nhận diện qua bộ dạng dữ tợn, độc ác, lạnh lùng mà lại là người có bề ngoài hiền lành. Do đó, sự quan tâm của cha mẹ đến trẻ cũng như giúp trẻ nhận biết những hành vi xâm hại tình dục để đề phòng là điều hết sức cần thiết.

Ngay từ nhỏ, cha mẹ nên cung cấp những kiến thức về giới tính cho con. Dạy trẻ biết tôn trọng bản thân, không để ai xâm phạm, đồng thời phải chỉ rõ cho trẻ thấy chỗ “nhạy cảm”. Phụ huynh cũng cần hướng dẫn cho trẻ biết ai là người có thể chạm vào cơ thể, vào những khu vực nhạy cảm. Nhẹ nhàng và khéo léo cho trẻ biết những bộ phận “nhạy cảm” không để người khác chạm vào cũng như không được chạm vào của các bạn khác hay của người lớn; dạy các bé trai không được xâm phạm các bạn nữ.

Phụ huynh cần dạy trẻ không nói chuyện với người lạ, nên giả vờ như không nghe thấy và đi nhanh sang nơi khác khi người lạ bắt chuyện; dạy trẻ cách để thoát khỏi nguy hiểm. Cha mẹ cần dạy trẻ cách nhận dạng những hành vi xấu như: Ép trẻ uống bia, rượu, hút thuốc, sờ mó, vuốt ve bộ phận sinh dục của trẻ, rủ trẻ vào chỗ tối…

Lúc đó, trẻ cần phải kiên quyết phản đối, thậm chí có thể la hét, kêu khóc, cắn, kêu cứu hoặc tìm cách để chạy trốn tới nơi đông người. Cha mẹ cần nói với trẻ rằng, mọi người luôn sẵn sàng bảo vệ khi bị đe dọa và dạy trẻ nhớ số điện thoại của cha, mẹ, những người thân khác trong gia đình cùng các số điện thoại khẩn cấp như 115, 113…

Theo các chuyên gia về giáo dục, đóng kịch chính là cách tốt nhất để luyện cho trẻ cách phản ứng với những tình huống bất ngờ trong cuộc sống. Phụ huynh có thể dạy trẻ những câu kêu cứu như: “Đây không phải bố của con, đây là người muốn bắt con, con cần giúp đỡ” hoặc những số điện thoại khẩn cấp, dễ nhớ để trẻ gọi.

Điều quan trọng là cha mẹ không nên để trẻ nhỏ ở nhà, đến nơi công cộng hoặc đi ra chỗ vắng một mình; không cho trẻ ăn mặc hở hang vì dễ gây kích thích sự ham muốn đối với những kẻ có ý xấu. Ngoài ra, phụ huynh cũng cần lưu ý những trẻ nhút nhát, tự ti, ít bạn bè thường dễ bị kẻ xấu tấn công. Vì vậy, hãy dạy trẻ vui vẻ, tự tin, quý trọng bản thân, không dễ bị cám dỗ bởi đồ chơi hay bánh kẹo.

Bên cạnh việc dạy con biết tự bảo vệ mình, phụ huynh cũng phải biết rõ con mình đang ở đâu, với ai. Mặt khác, phụ huynh nên thường xuyên tạo điều kiện để trẻ chia sẻ về mối quan hệ với những người xung quanh. Đó cũng là cơ hội để phụ huynh phát hiện kịp thời các biểu hiện thay đổi cơ thể và tâm lý của con mình.

Điều quan trọng nữa là sự tin cậy của trẻ đối với cha mẹ để trẻ cảm thấy thực sự thoải mái khi nói chuyện. Sự gần gũi, quan tâm thường xuyên và tinh ý của cha mẹ đối với những hành vi phi ngôn ngữ của con mới có thể nhận biết những dấu hiệu cho thấy con mình bị xâm hại và ngăn chặn kịp thời. Cha mẹ hãy lắng nghe những câu chuyện của trẻ, thuyết phục trẻ kể tất cả những gì xảy ra đối với chúng trên đường phố.

Trước thực trạng gia tăng tội phạm xâm hại tình dục trẻ em hiện nay, thay vì phụ huynh thụ động lo lắng, hãy hành động bằng cách quan tâm con nhiều hơn và chủ động trang bị cho con kiến thức tự bảo vệ khỏi nguy hiểm.

MAI HÀ

.
.
.