Nâng cao hiệu quả truyền thông về quyền trẻ em
Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 quy định: Trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi có quyền tham gia vào mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; đặc biệt là đối với các vấn đề có liên quan trực tiếp đến cuộc sống của trẻ.
Trẻ em sẽ được phát triển tốt năng lực của mình nếu được giao tiếp, được thông tin, được tự bộc lộ và thể hiện chính mình. Ảnh: Duy Anh |
Tuy nhiên, ngoài những tồn tại như khoảng cách về độ tuổi, mức độ, tính đại diện vùng miền, phương pháp, kỹ năng cũng như kết quả đáp ứng nhu cầu hiện nay của trẻ... thì ý thức trách nhiệm của gia đình, cộng đồng trong việc hỗ trợ, thúc đẩy và tạo điều kiện cho trẻ em vẫn còn nhiều hạn chế.
Do vậy, việc tăng cường công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, giáo dục và động viên, cổ vũ mọi người tham gia vào công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em nói chung, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em nói riêng.
Đồng thời, giúp trẻ tiếp nhận thông tin về quyền và các vấn đề liên quan chủ yếu qua các kênh: Nhà trường; các phương tiện thông tin đại chúng; hàng xóm, bạn bè, người thân... Qua đó, các em được cung cấp kiến thức, kỹ năng và các quyền cơ bản của mình.
Để tăng cường công tác truyền thông nhằm vận động xã hội cùng hưởng ứng việc tham gia thúc đẩy quyền trẻ em, trong thời gian tới cần chú trọng tập trung vào một số giải pháp sau:
Tăng cường chất lượng thông tin trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt ở cấp cơ sở; mở các chuyên trang, chuyên mục trên các phương tiện thông tin đại chúng về quyền tham gia của trẻ em và tầm quan trọng của việc thúc đẩy quyền này; tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn, buổi nói chuyện chuyên đề cho từng đối tượng như các nhà hoạch định chính sách, các ngành, trường học, cộng đồng, các bậc cha mẹ và cho chính trẻ em để nâng cao nhận thức và năng lực.
Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ truyền thông các cấp về kỹ năng, phương pháp truyền thông có hiệu quả cho các đối tượng trong xã hội, cũng như trang bị những kiến thức về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, về quyền của trẻ em, trong đó có quyền tham gia và tầm quan trọng của nó; đa dạng hóa các tài liệu truyền thông phù hợp về quyền tham gia của trẻ em để cung cấp kiến thức cho các đối tượng khác nhau trong xã hội, bao gồm cả trẻ em.
Tăng cường năng lực tổ chức kiểm tra, đánh giá quá trình truyền thông, hiệu quả truyền thông, từ đó rút kinh nghiệm trong triển khai, thực hiện. Đồng thời, cần tuyên truyền những mô hình hay, những cách làm tốt của các địa phương, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện và thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em.
Xây dựng và đào tạo đội ngũ tình nguyện viên, cộng tác viên cộng đồng về số lượng, nâng cao chất lượng thông qua tập huấn, đào tạo để tuyên truyền rộng rãi và động viên, khích lệ mọi đối tượng trong cộng đồng, tạo điều kiện cho trẻ em tham gia vào các hoạt động có ích trong xã hội, đặc biệt là trong công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em.
Vận động xã hội tổ chức các sự kiện về quyền của trẻ em hoặc có sự tham gia của trẻ như: Diễn đàn, các cuộc liên hoan văn hóa - nghệ thuật của trẻ, các cuộc gặp mặt về công tác xã hội của trẻ em… Xây dựng các nhóm nòng cốt, thực hiện các hoạt động trọng tâm của phong trào và truyền thông nêu gương như những sáng kiến, hình mẫu.
Quyền tham gia của trẻ em cần được coi là một hợp phần của tiến trình thực hiện dân chủ, nâng cao dân trí của Đảng và Nhà nước. Thực hành quyền tham gia của trẻ em trong đời sống chính trị, xã hội và gia đình sẽ đáp ứng được các mục tiêu và mang lại nhiều lợi ích như:
Đào tạo được các thế hệ công dân hiểu biết và có kỹ năng thực hành dân chủ từ lúc tuổi còn nhỏ; biết bảo vệ quyền của mình, tôn trọng thực hiện quyền và lợi ích của người khác, cộng đồng và xã hội.
Đây cũng là nền tảng để tạo ra các mối quan hệ xã hội lành mạnh, công khai. Trẻ em sẽ được phát hiện, sử dụng sớm và có hiệu quả năng lực của mình nếu được giao tiếp, được thông tin, được tự bộc lộ và thể hiện chính bản thân mình. Đây cũng chính là chìa khóa mở các cánh cửa cải cách, nâng cao chất lượng giáo dục, lấy trẻ em làm trung tâm của quá trình giáo dục, xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.
Ngoài ra, các mối quan hệ bình đẳng, thân thiện, tin cậy giữa trẻ em với cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình được từng bước hình thành mà vẫn không phá vỡ quan hệ truyền thống trong gia đình Việt Nam.
Các giá trị truyền thống về ngôi thứ, tôn ti, quyền uy trong gia đình được bổ sung và hài hòa với các giá trị mới về bình đẳng, trách nhiệm. Môi trường giáo dục và chăm sóc trẻ em trong gia đình từng bước thích ứng và hòa nhập với các giá trị toàn cầu, đặc biệt là giá trị quyền con người.
CHÂU HẢO