Thứ Hai, 13/06/2016, 14:13 (GMT+7)
.

Ba vấn đề đặt ra cho Làng chiếu Long Định

Làng chiếu Long Định được hình thành cách đây hơn 50 năm, thời điểm hưng thịnh đã giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động nông nhàn; góp phần quan trọng vào việc giải quyết việc làm, thu ngân sách địa phương. Vì thế, việc được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2004 đã làm cho người dân phấn khởi, với kỳ vọng rồi đây làng nghề sẽ có điều kiện phát triển, vươn xa.   

In bông cho chiếu, 1 công đoạn quan trọng của nghề dệt chiếu.
In bông cho chiếu, 1 công đoạn quan trọng của nghề dệt chiếu.

Theo đề án phát triển Làng nghề truyền thống dệt chiếu Long Định, đến năm 2010 giá trị sản xuất chiếu sẽ là 23 tỷ đồng; thu nhập bình quân của người lao động là 6,69 triệu đồng/năm; đào tạo được 1.000 lao động có tay nghề cao cho làng nghề.

Ngoài ra, sẽ quy hoạch vùng nguyên liệu với 15 ha lác, với mục tiêu đến năm 2010 sẽ đáp ứng 20% nhu cầu nguyên liệu cho làng nghề. Nâng cấp và đầu tư mới cơ sở hạ tầng nông thôn như giao thông, điện, nước… góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, từng bước thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa nông thôn.

Ngoài ra, hướng mở của đề án là khuyến khích, tạo điều kiện để các hộ sản xuất thành lập tổ hợp (TH), hợp tác xã (HTX), DNTN để đầu tư mở rộng sản xuất, có đủ điều kiện xúc tiến thương mại và xuất khẩu trực tiếp; xây dựng thương hiệu sản phẩm của làng nghề nhằm tăng khả năng cạnh tranh.

Qua hơn 10 năm triển khai đề án, cơ sở hạ tầng phục vụ cho làng nghề đã có những thay đổi, dự án đã xây mới 2 km đường dal; một cầu ngang 2 m dài 30 m; đầu tư 4 đường điện hạ thế với tổng kinh phí 210 triệu đồng, một giếng khoan tầng sâu với kinh phí 350 triệu đồng.

Sở Công thuơng đầu tư 48 máy xe đay và 40 khung dệt chiếu, hỗ trợ dạy nghề cho 1.007 lao động. Tuy nhiên, ngần ấy vẫn chưa đủ để vực dậy một nghề truyền thống, bởi hiện tại làng nghề dệt chiếu Long Định vẫn đang đối mặt với nhiều vấn đề cần giải quyết trong xu thế hội nhập.

Theo UBND xã Long Định, thời điểm được công nhận (2004) làng nghề có 390 hộ với 1.190 lao động chuyên dệt chiếu và hơn 1.000 người làm gia công ở các ấp, xã lân cận. Nhưng đến nay, số hộ sản xuất và người lao động đã giảm đáng kể, cụ thể chỉ còn 407 lao động, trong đó lao động chuyên nghiệp chỉ còn 256, còn lại là làm thời vụ.

Thu nhập bình quân của người lao động chỉ 26 triệu đồng/năm. Theo lãnh đạo UBND xã Long Định, nguyên nhân sụt giảm lao động dệt chiếu là do sản xuất không hiệu quả trong thời buổi kinh tế khó khăn; thu nhập không tăng nên nhiều lao động chuyển sang làm công nhân cho các công ty của các khu công nghiệp lân cận.

Ngoài ra, người lao động gặp khó khăn khi tiếp cận với các nguồn vốn vay do không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cũng như không có tư cách pháp nhân để được vay tín chấp nên không thể mở rộng quy mô sản xuất. Riêng 2 mục tiêu phấn đấu của đề án đến năm 2010 là sân phơi, nhà kho và vùng nguyên liệu thì đến nay gần như chưa thực hiện được do không có quỹ đất, cùng nhiều lý do khác.

Trước đây Sở Công nghiệp có hỗ trợ trồng thí điểm 10 ha lác để cung cấp cho làng nghề, tuy nhiên do kỹ thuật thu hoạch khó khăn, rồi chuột sinh sôi trên ruộng lác và cắn phá những ruộng lúa lân cận nên người dân chuyển đổi, đến nay thì không còn ai canh tác lác nữa; nên nguyên liệu đầu vào của làng nghề chủ yếu lấy từ Vĩnh Long, Đồng Tháp, chi phí vận chuyển cao đã ảnh huởng đến thu nhập của nguời sản xuất.

Tiếp tục bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, sẽ tiếp tục đầu tư phát triển các làng nghề thủ công mỹ nghệ, hỗ trợ phát triển nghề đan đát bàng, buông… tăng cuờng công tác đào tạo nghề, đặc biệt là khâu thiết kế sản phẩm.

Hỗ trợ các cơ sở đầu mối ở nông thôn tổ chức sản xuất có hiệu quả và là vệ tinh gia công các sản phẩm đan đát cho các đơn vị xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của tỉnh.

Hình thành và đưa vào hoạt động các tổ chức liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo các sản phẩm đuợc tiêu thụ trực tiếp từ các tổ chức trong tỉnh.

Kế hoạch cũng khẳng định tiếp tục bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống trên cơ sở các chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, vận động xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác, hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa một số công đọan.

Phát triển làng nghề gắn với các điểm du lịch để phục vụ tham quan, mua sắm quà lưu niệm ( các sản phẩm bàng, buông, mỹ nghệ, bánh, cốm, kẹo…)

Hiện toàn tỉnh có 13 làng nghề được công nhận và sẽ tiếp tục duy trì, bảo tồn và phát triển trong tương lai.

Theo những người gắn bó lâu năm với làng nghề, thì đề án làng nghề vẫn không phát triển là do Nhà nước đầu tư dàn trải, không hiệu quả, một số vấn đề không phù hợp; làng nghề chưa có một tổ chức quy củ, chưa có người chuyên trách công tác tổ chức, mạnh ai nấy làm theo khả năng tự phát lâu nay.

Ngoài ra, vốn để đầu tư cho máy dệt cũng là vấn đề bức xúc hiện nay của người thợ làng nghề, theo họ, nguồn nguyên liệu đầu vào không lo, sản phẩm đầu ra người dân có thể tự giải quyết được, chỉ yêu cầu Nhà nước hỗ trợ vốn.

Qua thực tế khảo sát, rõ ràng Làng nghề truyền thống dệt chiếu Long Định còn đó nhiều trăn trở trên con đường định hướng phát triển.

Ba vấn đề lớn đặt ra hiện nay trong việc củng cố lại làng nghề đó là: Quy hoạch vùng nguyên liệu cho sản xuất, việc này cần có sự tham gia tích cực của chính quyền, đoàn thể trong việc vận đồng người dân đồng thuận cùng trồng để tạo được diện tích lớn tập trung, tránh canh tác manh mún không hiệu quả như lâu nay.

Thứ hai là phải tổ chức lại sản xuất của làng nghề một cách quy cũ hơn, cần có một “ chủ xị” trong việc điều hành, sắp xếp tổ chức tập hợp lao động cho sản xuất theo hướng quy mô lớn. Nhưng ai sẽ nhận trọng trách này, một tổ hợp hay HTX? Tuy nhiên, thành lập một HTX hoạt động hiệu quả hiện nay không phải là vấn đề đơn giản.

Thứ ba là vốn cho sản xuất và mở rộng quy mô; nếu vẫn chưa có một “chủ xị” trong công tác tổ chức lại làng nghề thì việc giải quyết nguồn vốn tiếp tục nan giải, bởi để tiếp cận với các nguồn vốn vay ngoài tài sản thế chấp, thì cần một tổ chức chính trị xã hội đủ tư cách pháp nhân đứng ra bảo lãnh. Vì thế, rà soát, xem xét lại việc đầu tư cho làng nghề thời gian qua là vấn đề cần thiết. Qua hơn 10 năm triển khai, hạng mục nào làm được, hạng mục nào chưa đạt cần phải có kiểm tra, xem xét đánh giá; trong đó khâu tổ chức lại sản xuất là vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay.

DUY SƠN

.
.
.