Đừng để xây dựng nông thôn mới trở thành cuộc "cách mạng" đầu tư
Xây dựng nông thôn mới (NTM) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước với mục tiêu là nhằm đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.
Đây là vấn đề mới, rộng, bao trùm rất nhiều lĩnh vực, trong đó có những tiêu chí liên quan đến đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng và những tiêu chí không cần vốn mà cần sự tham gia, hưởng ứng của cộng đồng.
Ngay từ khi triển khai, các ngành, các cấp đã xác định rõ: Xây dựng NTM không là dự án đầu tư, mà ở đó người dân đóng vai trò chủ thể tham gia mang tính quyết định và trực tiếp thụ hưởng những thành quả đó; Nhà nước chỉ hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Mục tiêu của xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. |
Thế nhưng, thực tế xây dựng NTM, vấn đề khó khăn nhất, nếu không muốn nói là yếu tố gần như quyết định tiến độ lên NTM nhanh hay chậm của các xã phụ thuộc rất lớn vào tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng. Mà nhu cầu nguồn vốn nâng cấp các tiêu chí liên quan đến cơ sở hạ tầng ở các xã không hề nhỏ (theo đề án xây dựng NTM của các xã điểm giai đoạn 2011 - 2015).
Riêng đối với 12 xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2016, qua đợt kiểm tra của UBND tỉnh về tình hình xây dựng NTM ở các xã này vừa qua, phần lớn các tiêu chí chưa đạt đều liên quan đến cơ sở hạ tầng như Trường học, Giao thông, Điện, Cơ sở vật chất văn hóa với tổng nhu cầu vốn cần đầu tư, nâng cấp lên đến trên 414 tỷ đồng (vốn ngân sách tỉnh trên 186 tỷ đồng; ngân sách huyện, xã trên 71 tỷ đồng và vốn doanh nghiệp trên 157 tỷ đồng gồm Điện 137 tỷ đồng và Chợ 20 tỷ đồng).
Trong đó, những xã có nhu cầu nguồn vốn đầu tư lớn lên đến khoảng 50 - 70 tỷ đồng/xã, các xã có nhu cầu nguồn vốn tầm tầm thì cũng ở khoảng 20 - 30 tỷ đồng/xã. Nhưng đó cũng chưa phải là tất cả. Bởi, theo như lời của một lãnh đạo Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM (gọi tắt là BCĐ xây dựng NTM) tỉnh, có những xã do nhu cầu vốn đầu tư quá lớn, Văn phòng Điều phối Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh đã nhiều lần làm việc với các xã trên để tìm cách giảm nguồn vốn đầu tư đến mức thấp nhất có thể.
Tất nhiên, những công trình, hạng mục công trình bị “loại” trên không phải không cần thiết cho phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của xã. Song, trong điều kiện nguồn vốn khó khăn hiện nay chỉ có thể đầu tư những công trình nào thật cần thiết, những công trình còn lại sẽ đầu tư, hoàn thiện sau.
Cũng cần nói thêm, đây là những xã có nhiều điều kiện phấn đấu đạt chuẩn NTM trong năm nay trong số các xã đang trong quá trình xây dựng NTM. Vấn đề đặt ra ở đây là nhu cầu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã lên NTM năm 2016 khá lớn trong khi vốn ngân sách đang rất khó khăn.
Và nếu có vốn đi chăng nữa thì với khối lượng công việc quá lớn nhưng đòi hỏi phải hoàn thành (phải đạt khối lượng thi công công trình nhất định mới được công nhận) từ nay đến cuối năm để lên NTM đối với 1 xã cũng là bài toán vô cùng nan giải. Đó là chưa nói đến một số xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM vẫn còn cần tỉnh tiếp tục phân bổ vốn ngân sách để hoàn thiện các công trình đang dở dang.
Như vậy, nếu nói vai trò chủ thể của người dân, Nhà nước chỉ hỗ trợ cơ sở hạ tầng thiết yếu thì nhu cầu vốn xây dựng NTM của các xã trên vượt quá khả năng đóng góp của người dân trong điều kiện đời sống nhiều khó khăn.
Giải quyết những khó khăn trên, trong đợt kiểm tra tình hình 12 xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2016 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng đã xác định: Vốn đầu tư trường học, đường điện trung thế, hạ thế (vốn ngành Điện), đường tỉnh là tỉnh đầu tư, địa phương đầu tư các công trình còn lại (vốn ngân sách huyện, xã, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, vốn góp của dân), trong đó tỉnh có thể xem xét hỗ trợ tùy theo điều kiện của từng địa phương.
Dù như thế, nhưng khi nhìn lại các xã đã xây dựng đạt chuẩn NTM trong giai đoạn 2011 - 2015, chúng ta thấy rằng, người dân tham gia đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng trong xây dựng NTM chủ yếu là hiến đất, vật kiến trúc, đóng góp tiền và ngày công lao động vào làm đường giao thông nông thôn với nguồn vốn rất hạn chế.
Còn vốn huy động từ doanh nghiệp những năm qua chiếm tỷ lệ rất thấp và tình trạng này sẽ tiếp tục trong những năm tới khi nông thôn chưa thực sự tạo được lực hút để các doanh nghiệp về đầu tư. Từ đó, điểm qua “bức tranh” các xã phấn đấu lên NTM năm 2016 này, vai trò quyết định cho các xã lên NTM năm nay vẫn là nguồn lực Nhà nước.
Xây dựng NTM không phải là cuộc “cách mạng” đầu tư nông thôn mà là cuộc “cách mạng” về lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và tư tưởng văn hóa. Trong khi cuộc “cách mạng” về sản xuất qua xây dựng NTM chưa tạo được chuyển biến rõ rệt, khi mà sản xuất, thu nhập của người dân nông thôn vẫn còn bấp bênh, rủi ro cao, hiệu quả sản xuất thấp thì cuộc “cách mạng” đầu tư nông thôn lại đang có biểu hiện rõ dần.
Để xây dựng NTM đúng với mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, các địa phương cần triệt tiêu ngay suy nghĩ vào xã điểm xây dựng NTM để được đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng mà tập trung vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn.
Nói như lời của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng: Xây dựng NTM là nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Đây là nhiệm vụ mà dù không xây dựng NTM thì cũng phải làm nhưng có Chương trình xây dựng NTM thì làm nhanh hơn.
TÂN PHÚ