Thứ Sáu, 01/07/2016, 15:06 (GMT+7)
.

Giải pháp nào để công tác tuyên truyền về ATGT đạt hiệu quả?

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao ý thức chấp hành các quy định về ATGT, kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT). Tuy nhiên, công tác tuyên truyền về ATGT trong thời gian qua còn nặng về hình thức, số lượng mà thực sự chưa đi vào chiều sâu.

Tuyên truyền ATGT tại trường học.
Tuyên truyền ATGT tại trường học.

Theo đánh giá của Ban ATGT tỉnh, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh được các ngành, các cấp, các địa phương quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng nội dung, hình thức tuyên truyền; những mô hình ATGT được các ngành, đoàn thể duy trì thực hiện. Các cơ quan, ban, ngành đoàn thể là thành viên Ban ATGT tỉnh và Ban ATGT các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT.

Nhiều đơn vị đã mở các cao điểm, chiến dịch tuyên truyền với các chủ đề: Nguy cơ gây TNGT ở nông thôn trong dịp lễ, tết; chất lượng mũ bảo hiểm (MBH) đối với người điều khiển, người ngồi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy, xe đạp điện; siết chặt kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ; văn hóa giao thông…

Báo Ấp Bắc, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã chủ động phản ánh và cập nhật thường xuyên tình hình trật tự ATGT, cảnh báo nguy cơ cao gây TNGT, các biện pháp phòng tránh TNGT trong phụ trang ATGT, chuyên mục ATGT; kịp thời thông tin các văn bản pháp luật liên quan đến công tác bảo đảm trật tự ATGT; tuyên dương các cá nhân điển hình, các nhân tố mới.

Trong tháng 5-2016, Công an tỉnh đã tổ chức 7 cuộc tuyên truyền lưu động về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh; tổ chức 28 lượt chiếu phim tuyên truyền cho người dân đến liên hệ công tác tại đơn vị về các vi phạm khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Lực lượng Cảnh sát giao thông các huyện, thành phố, thị xã tổ chức tuyên truyền trên đài truyền thanh cơ sở 250 lượt về Luật Giao thông đường bộ và các văn bản có liên quan đến ATGT. Công an cơ sở tổ chức 90 buổi chiếu phim phóng sự về đề tài TNGT với hơn 1.000 người tham dự.

Ban ATGT các huyện, thành phố, thị xã tổ chức tuyên truyền các quy định về ATGT trên đài truyền thanh cơ sở 487 lượt với thời lượng 5 phút mỗi lượt; tuyên truyền lưu động tại các khu vực đông dân cư, nơi họp chợ, các tuyến giao thông trọng điểm; tuyên truyền lồng ghép vào các cuộc họp, sinh hoạt tại các khu phố, xóm, ấp 434 cuộc với 11.828 người tham dự.

Ngoài ra, một số ban ngành, đoàn thể như Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Liên đoàn Lao động, Tỉnh đoàn, Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch tuyên truyền ATGT năm 2016…

Bên cạnh hiệu quả của công tác tuyên truyền về ATGT không thể phủ nhận trong thời gian qua, ông Nguyễn Văn Bon, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, Phó Trưởng Ban thường trực Ban ATGT tỉnh nhận xét về những mặt hạn chế còn tồn tại:

“Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT ở một số địa phương chưa được duy trì thường xuyên mà chủ yếu tập trung vào những đợt cao điểm. Nội dung tuyên truyền còn chung chung, chưa sát với thực tế, chưa tập trung đúng đối tượng; hình thức tuyên truyền chưa sinh động, đa dạng, thiếu sáng tạo, chưa phát huy vai trò của các đoàn thể, chính trị, xã hội tại cấp cơ sở (tổ dân phố, khu dân cư, xã, phường, thị trấn) trong hoạt động tuyên truyền”.

Đại tá Trần Hoài Bảo, Trưởng Phòng Cảnh sát đường bộ, Công an tỉnh cũng có nhận xét tương tự khi phát biểu tại cuộc họp giao ban ATGT tháng 5 vừa qua:

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT thực hiện còn chưa thường xuyên, chưa đổi mới về nội dung và hình thức, phù hợp với từng loại đối tượng về giới tính, trình độ, vùng miền; thói quen, sở thích... nên chưa mang lại hiệu quả cao; nội dung tuyên truyền về ATGT chưa thực sự thu hút người nghe, chưa sát với một bộ phận đối tượng cần tuyên truyền (nhất là giới trẻ là đối tượng có nguy cơ cao về vi phạm trật tự ATGT)...

Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh, tổng số người vi phạm ở lứa tuổi từ 18 - 25 trong 6 tháng đầu năm là 2.478 người. Con số này cho thấy tỷ lệ đối tượng vi phạm trật tự ATGT của giới trẻ là cao mặc dù về công tác tuyên truyền ATGT trong 6 tháng đầu năm của Tỉnh đoàn đã tổ chức triển khai rất nhiều hoạt động.

Cũng theo ý kiến của một số thành viên Ban ATGT tỉnh, công tác tuyên truyền ATGT cần có sự điều chỉnh về phương thức tuyên truyền và tập trung vào nhóm đối tượng cụ thể. Đơn cử một vài hành vi vi phạm ATGT trên địa bàn TP. Mỹ Tho mà người đi đường dễ dàng bắt gặp là:

Tình trạng vượt đèn đỏ tại các chốt đèn tín hiệu giao thông; hiện tượng băng qua đường sai quy định tại khu vực 2 đầu cầu Quây; người điều khiển phương tiện quẹo tại ngã ba, ngã tư không đúng quy định...

Còn ở các huyện, thị trấn tồn tại tình trạng phóng nhanh vượt ẩu, qua đường sai quy định, leo qua dải phân cách, uống rượu bia rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông... Những hành vi trên đã góp phần làm cho tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm tăng trên 10% với tổng số vụ là 232 vụ làm 134 người chết, 158 người bị thương.

Nguyên nhân gây TNGT do người điều khiển phương tiện đi sai làn đường, phần đường (chiếm 17,54%), chạy quá tốc độ (chiếm 9,21%), không nhường đường (chiếm 8,77%), người đi bộ (chiếm 8,33%); chuyển hướng không đúng quy định (chiếm 4,82%); thời gian xảy ra TNGT tập trung từ 18 giờ - 24 giờ (chiếm 40,79%)…

Điều đó cho thấy, phần lớn nguyên nhân dẫn đến TNGT là do ý thức chủ quan của người tham gia giao thông. Do đó, nội dung tuyên truyền ATGT cần nên tập trung vào những lỗi vi phạm cụ thể mà người tham gia giao thông có thể gặp phải cách điều khiển phương tiện đảm bảo an toàn… chứ không đơn thuần chỉ là đọc cho người dân nghe nhiều về Luật Giao thông đường bộ, quy định về xử phạt theo các Nghị định…

Để đạt mục tiêu kéo giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT trong những tháng còn lại của năm 2016, đối với công tác tuyên truyền, ông Nguyễn Văn Nên, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh trao đổi:

Ban ATGT tỉnh đề nghị các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Ban ATGT các huyện, thành, thị tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT trong cộng đồng dân cư, trong các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh.

Huy động các cơ quan thông tin truyền thông, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan, đơn vị tích cực tuyên truyền sâu rộng đến cơ sở, từ xã, phường đến khu phố, xóm, ấp; phát huy hiệu quả hệ thống thông tin xuyên suốt từ tỉnh đến địa phương, hệ thống đài Truyền hình - Truyền thanh các huyện, thành, thị, các xã, phường, thị trấn.

Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền ATGT trên các phương tiện thông tin đại chúng, các sản phẩm truyền thông: Tuyên truyền trực quan, tuyên truyền lưu động, sử dụng thông điệp, băng rôn, khẩu hiệu, triển lãm tranh ảnh, các hội thi, sân khóa hóa về chủ đề ATGT…

Nội dung tuyên truyền phải phù hợp với từng đối tượng; tăng cường tuyên truyền, giáo dục tại nơi cư trú, nhất là đối tượng có nguy cơ gây TNGT. Cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang phải gương mẫu và có trách nhiệm tuyên truyền, vận động mọi người và người thân trong gia đình chấp hành nghiêm pháp luật về trật tự ATGT.

PHÙNG LONG

.
.
.